Khắc phục lệch pha cung - cầu nhà ở
Năm 2020, dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng giá nhà các phân khúc không có xu hướng giảm, thậm chí một số phân phúc còn tăng khá mạnh. Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, nguyên nhân chính là do nguồn cung giảm và nhà ở vẫn là một kênh đầu tư hiệu quả.
Giá nhà ở sẽ tiếp tục tăng?
Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, năm 2020, giá căn hộ cao cấp tăng khoảng 0,5%, căn hộ trung cấp tăng khoảng 2 - 3%, đất nền tăng 3 - 5%, cá biệt có trường hợp tăng 10%. Giá nhà ở TP.HCM có tỷ lệ tăng cao hơn Hà Nội. Nguyên nhân giá nhà tăng dù dịch Covid-19 tác động mạnh đến nền kinh tế là do nguồn cung giảm. Thời gian qua, nguồn cung cho thị trường giảm do các địa phương phải rà soát lại điều kiện pháp lý của một loạt dự án bất động sản thực hiện theo quy định pháp luật cũ; nhiều dự án chậm tiến độ ảnh hưởng đến nguồn cung.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam dự báo năm 2021, nguồn hàng, nhất là nhà ở sẽ tăng mạnh do vướng mắc về quy định pháp luật tại các dự án được tháo gỡ nhiều phần. Đồng thời, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ giữ nhịp và đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn nên nhu cầu đầu tư và mua nhà tăng trở lại. Nhu cầu về phân khúc căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Nhà ở xã hội có sức cầu rất lớn, đặc biệt đối với công nhân tại các khu công nghiệp. Về giá bất động sản, giá căn hộ tại Hà Nội có thể giữ nguyên hoặc tăng nhẹ so với năm 2020. Tại TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2021, giá căn hộ vẫn có chiều hướng tăng, chủ yếu là khu vực TP. Thủ Đức. Về cuối năm, có thể nguồn cung tăng mạnh, nhà đầu tư mới sẽ rút khỏi thị trường nhiều, các nhà đầu cơ xả hàng mạnh. Lúc này, giá có thể sẽ chững lại, nhưng trong năm 2021 sẽ chưa xuất hiện giảm giá. Những dự án mới ra giai đoạn cuối năm sẽ xây dựng giá bán phù hợp hơn.
Phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội
Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đã cơ bản hoàn thành 5/6 nhóm chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, chỉ có 1 nhóm chỉ tiêu không đạt liên quan đến nhà ở là Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc (ước năm 2020 đạt 24 m2 sàn/người, kế hoạch là 25 m2 sàn/người) và phát triển nhà ở xã hội.
Một số hạn chế khác của thị trường bất động sản giai đoạn 2016 - 2020 được Bộ Xây dựng chỉ ra, đó là tình trạng sốt đất, sốt giá ở một số địa phương. Cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa hợp lý, chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp; cơ chế, chính sách về tài chính chưa đầy đủ; một số cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng, đất đai còn bất cập, ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực cho thị trường và chống đầu cơ bất động sản; thông tin, dữ liệu về nhà ở, thị trường bất động sản chưa đầy đủ và thiếu công khai, minh bạch.
Thời gian tới, ông Tạ Quang Vinh - Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng cho biết, Bộ sẽ tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân; đổi mới căn bản tư duy, chính sách phát triển nhà ở xã hội, bố trí đủ quỹ đất, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển nhà ở. Nghiên cứu, đề xuất chương trình hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo khu vực nông thôn theo chuẩn nghèo giai đoạn mới.
Theo ông Vinh, Bộ cũng sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thị trường bất động sản phát triển ổn định, khắc phục lệch pha cung - cầu, chú trọng khuyến khích phát triển sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận