Kết thúc đấu giá SRC: Có dấu hiệu bất thường?
Chỉ có 4 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá mua toàn bộ cổ phần bán ra của Công ty Cổ phần (CTCP) Cao su Sao Vàng và cả 4 nhà đầu tư đều trúng giá với giá trúng thầu suýt soát giá khởi điểm…
Đấu giá thành công (!?)
Chiều 4/6, Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã tổ chức phiên đấu giá cả lô cổ phần của CTCP Cao su Sao Vàng (mã CK: SRC) do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sở hữu.
Theo Thông báo của HoSE – đơn vị tổ chức đấu giá (Số 813/TB-SGDHCM ngày 4/6/2019), tổng số lượng cổ phần đưa ra đấu giá là 4.209.800 cổ phần (tương đương tỷ lệ sở hữu 15% vốn cổ phần của SRC), trong đó số lượng cổ phần người nước ngoài được phép mua là 4.209.800 cổ phần, giá khởi điểm là 46.452 đồng/cổ phần.
Có 4 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá với tổng khối lượng cổ phần đăng ký mua đúng bằng khối lượng đưa ra đấu giá (4.209.800 cổ phần), trong đó có 3 nhà đầu tư cá nhân, 1 nhà đầu tư tổ chức.
Kết quả, toàn bộ 4.209.800 cổ phần SRC mà Vinachem đem ra chào bán đã được 4 nhà đầu tư mua hết với giá đấu thành công cao nhất là 46.456 đồng/cổ phần (tức là cao hơn giá khởi điểm 4 đồng/cổ phần), giá đấu thành công thấp nhất là 46.453 đồng/cổ phần (cao hơn giá khởi điểm 1 đồng/cổ phần), giá đấu thành công bình quân là 46.454 đồng/cổ phần (cao hơn giá khởi điểm 2 đồng/cổ phần). Như vậy tổng giá trị cổ phần được ban ra là 195.562.689.300 đồng (hơn 195,5 tỷ đồng), đặt mục tiêu mà Vinchem đề ra.
Được biết, kết thúc phiên giao dịch ngày 4/6, cổ phần SRC tiếp tục giảm 3,8% so với hôm trước, về giá 25.000 đồng/cổ phần.
Những dấu hiệu đáng ngờ…
Đến thời điểm hiện tại, danh tính 4 nhà đầu tư trúng đấu giá cổ phần SRC chưa đươc công bố mặc dù đã có những đồn đoán.
Trong diễn biến có liên quan, trước thềm phiên đấu giá 1 tuần, nhà đầu tư Nguyễn Hoàng Cường - người đã đặt cọc 19,6 tỷ đồng đăng ký tham gia mua cả lô cổ phần SRC trong đợt chào bán này đã bất ngờ gửi đơn hủy đăng ký tham gia đấu giá. Lý do nhà đầu tư này đưa ra là “sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ, nhận thấy cổ phần SRC không hấp dẫn và không phù hợp với mục tiêu đầu tư” (!?).
Được biết, nếu nhà đầu tư này không rút lui, sẽ có 5 nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phần SRC với tổng số lượng cổ phần đặt mua là 8.419.600 cổ phần - gấp đôi số lượng cổ phần Vinachem chào bán.
Trước diễn biến này, không khỏi không có lý do khi đặt dấu hỏi về sự thỏa hiệp giữa nhà đầu tư tên Cường với 4 nhà đầu tư kia?
Theo các chuyên gia, mặc dù giá đấu thành công cao hơn giá cổ phần SRC đang giao dịch song với việc chỉ có 4 nhà đầu tư đăng ký mua với số lượng vừa bằng số lượng Vinachem chào bán đã làm giảm mạnh tính cạnh tranh của cuộc đấu giá cũng như giá trị nhà nước có thể thu được từ việc thoái vốn.
Cũng liên quan đến việc thoái vốn nhà nước tại SRC, hôm 16/5/3019, một cổ đông sở hữu 4,6% cổ phần SRC, ông Trần Hồng Việt đã có đơn kiến nghị gửi Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Chứng khoán nhà nước… phản ánh những dấu hiệu bất thường tại đại hội đồng cổ đông của SRC khi Vinachem bỗng nhiên đồng ý cho những thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát của BRC từ nhiệm, tạo điều kiện cho một nhóm cổ đông nắm giữ tới 19,02% vốn thành công trong việc đề cử người của mình nắm giữ 2/5 ghế hội đồng quản trị và 1/3 ghế ban kiểm soát (Báo PLVN đã có bài phản ảnh). Tuy nhiên trước phiên đấu giá cổ phần SRC, phía cổ đông này cũng lặng lẽ "‘buông vũ khí” với lý do “kêu mãi không thấu“(!?)
Trao đổi với PLVN, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, đã chỉ ra 3 dấu hiệu bất thường của 4 nhà đầu tư tham gia phiên đấu giá cổ phần SRC: thứ nhất, giá trúng đấu giá sát giá khởi điểm; thứ hai, giá trúng đấu giá sát nhau; thứ ba, đặc biệt là việc khớp đúng số lượng trúng đấu giá với số lượng bán.
“Với những dấu hiệu đó, có quyền nghi ngờ xác suất lên đến 99,99% rằng có dấu hiệu thông đồng, bắt tay nhau…”, luật sư Đức khẳng định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận