menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quách Dũng

Kết quả quý 1 của doanh nghiệp thủy sản lệch pha với kỳ vọng năm 2021

Liệu rằng ánh hào quang sẽ trở lại với doanh nghiệp thủy sản khi kỳ vọng cho năm 2021 ở mức tương đối cao? Quay lại thực tại, kết thúc quý đầu năm, các doanh nghiệp thủy sản vẫn đang khá chật vật trở về ‘guồng quay thường nhật’ khi nhóm giảm tốc vẫn đang chiếm ưu thế.

Theo Vasep (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam), 2 tháng đầu năm 2021, hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể bởi các chi phí sản xuất và tình trạng thiếu tàu, thiếu container và cước phí vận tải tăng cao, đặc biệt cước tàu đi Mỹ và EU.

Kết quả quý 1 của doanh nghiệp thủy sản lệch pha với kỳ vọng năm 2021
Những khó khăn khiến doanh nghiệp thủy sản chật vật trong 2 tháng đầu năm dường như đã phản ánh đúng vào kết quả quý 1 của nhóm ngành này.

"Bật công tắc lùi”

Với mặt hàng chủ lực là tôm, doanh thu giảm trong khi chi phí đồng loạt tăng mạnh đã khiến lợi nhuận quý 1 của Camimex Group (HOSE: CMX) giảm 46% so với cùng kỳ, xuống còn 8 tỷ đồng.

Trái ngược với kết quả không mấy khả quan trong quý đầu năm, CMX lại đặt kỳ vọng khá cao cho năm 2021 với doanh thu đạt 1,797 tỷ đồng và lãi sau thuế dự kiến đạt 106 tỷ đồng. Nếu như hoàn thành đúng kế hoạch đề ra, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu tôm này sẽ thiết lập mức kỷ lục cả về doanh thu và lợi nhuận kể từ khi niêm yết (09/11/2010).

Theo CMX, kế hoạch này được xây dựng căn cứ vào năng lực sản xuất, các đơn đặt hàng và đánh giá tiềm năng tăng trưởng của ngành thủy sản. Năm 2021, CMX dự kiến sẽ đẩy mạnh nâng cấp, xây dựng nhà máy mới gia tăng công suất, tăng trưởng doanh thu nhờ EVFTA. Ngoài ra, CMX sẽ phá bỏ rào cản về vốn thông qua làm việc với các ngân hàng để gia tăng hạn mức tín dụng cùng với việc tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu. Việc này sẽ giúp CMX tăng tỷ lệ thực hiện hợp đồng lựa chọn lên 80-90%.

Kết quả kinh doanh của CMX qua các quý trở lại đây. Đvt: Tỷ đồng

Kết quả quý 1 của doanh nghiệp thủy sản lệch pha với kỳ vọng năm 2021
Nguồn: VietstockFinance

Nguyên liệu đầu vào và các chi phí đồng loạt tăng trong khi giá tiêu thụ không tăng kết hợp với Công ty Khang An tách ra chưa có nhiều hợp đồng là nguyên nhân chính khiến doanh thu Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) tăng nhưng lợi nhuận lại tuột dốc. Kỳ này, sản lượng tiêu thụ hàng thủy sản ghi nhận hơn 4,241 tấn, tăng 30% so với cùng kỳ và sản lượng tiêu thụ nông sản ghi nhận gần 391 tấn, giảm 7%.

Cùng cảnh ngộ, Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) cũng ghi nhận doanh thu thuần ngược dòng với lãi ròng. Khép lại quý 1, “nữ hoàng cá tra” báo lãi ròng giảm 14%, xuống còn 131 tỷ đồng. Với kết quả mở đầu chưa mấy ấn tượng, VHC sẽ áp dụng nhưng lợi thế nào để có thể hoàn thành kế hoạch thu về 700 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2021?

Được biết, năm 2021, Công ty sẽ đầu tư vào 3 dự án chính đó là xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi, trại giống Vĩnh Hoàn và sở hữu đất cho khu liên hợp, với tổng số vốn đầu tư khoảng 1,900 tỷ đồng, dự kiến ngân sách chi trong năm 2021 là 700 tỷ. Ngoài ra, VHC còn dành 200 tỷ đồng cho việc cải tạo nhà máy tại Thanh Bình và Thực phẩm Vĩnh Phước. Những khoản đầu tư khác khoảng 400 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư cần chi cho năm 2021 sẽ là khoảng 1,300 tỷ đồng.

Doanh thu xuất khẩu giảm là nguyên nhân chính khiến Thủy sản MeKong (HOSE: AAM) báo lỗ hơn 1 tỷ đồng trong quý 1/2021. Đây cũng là quý thua lỗ thứ 4 liên tiếp của doanh nghiệp thủy sản này. Không kỳ vọng quá nhiều cho sự tăng trưởng đột phá, AAM chỉ đặt kế hoạch không bị lỗ trong năm 2021.

Theo Báo cáo thường niên năm 2020, AAM nhận định những khó khăn thách thức trong năm 2021 như tình trạng cạnh tranh trong ngành tiếp tục, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ và vấn đề về lực lượng lao động… Ban lãnh đạo định hướng không phát triển tràn lan trên nhiều lĩnh vực mà chỉ tập trung vào chăn nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu. Điều này nhằm tập trung nguồn lực và hạn chế rủi ro. Trước mắt, AAM dự kiến sản xuất kinh doanh ở mức thấp, không tăng sản lượng và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tồn kho.

Kết quả kinh doanh quý 1 của doanh nghiệp thủy sản niêm yết trên sàn. Đvt: Tỷ đồng

Kết quả quý 1 của doanh nghiệp thủy sản lệch pha với kỳ vọng năm 2021
Nguồn: VietstockFinance

“Tia sáng chớp nhoáng” có bền vững

Bên cạnh những anh bạn cùng ngành đang loay hoay tìm đường, Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (HOSE: ABT) lại báo lãi ròng tăng đột biến lên 16.8 tỷ đồng, gấp 24 lần cùng kỳ. Đáng chú ý, kết quả phi mã này không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp mà ghi nhận nhờ khoản cổ tức từ CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC). Được biết, ABT hiện đang là cổ đông lớn thứ 2 tại FMC với tỷ lệ sở hữu 16%.

Với kết quả này, đơn vị thành viên của Tập đoàn Pan đã thực hiện được 15% chỉ tiêu doanh thu và 48% chỉ tiêu lãi trước thuế 2021.

Không chỉ có ABT “bẻ lái” đi chệch hướng với ngành, việc chập chững lấn sân vào mảng sản xuất điện mặt trời cũng đã giúp lợi nhuận của Nam Việt (HOSE: ANV) tăng 47% trong quý 1 nhờ ghi nhận hơn 27 tỷ đồng doanh thu bán điện năng lượng mặt trời (cùng kỳ không thu về khoản này).

Khác với ABT và ANV, tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi, kết quả thực hiện quý 1 đã dần giúp Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (HOSE: ACL) khẳng định việc đặt mục tiêu “bứt phá” trong năm 2021 hoàn toàn có cơ sở.

Trong quý 1, lãi ròng ACL ghi nhận tăng đột biến lên hơn 11 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng nhờ doanh thu tăng và chi phí được tiết giảm.

ACL là doanh nghiệp duy nhất tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận trong quý 1. Năm 2021, ACL cũng là đơn vị đặt kế hoạch tăng mạnh nhất trong ngành với doanh thu dự kiến đem về 1,400 tỷ đồng (tăng 47%) và lãi trước thuế đạt 80 tỷ đồng (gấp 2.6 lần năm trước).

Kết quả kinh doanh năm 2021 của ACL qua các năm trở lại đây. Đvt: Tỷ đồng

Kết quả quý 1 của doanh nghiệp thủy sản lệch pha với kỳ vọng năm 2021
Nguồn: VietstockFinance

Với kế hoạch tăng tốc, ACL vẫn tiếp tục đặt trọng tâm vào hoạt động nuôi trồng chất lượng cao, hiện Công ty đang nuôi trồng với diện tích 100 hecta vùng nuôi, hàng năm thu hoạch sản lượng 35,000 tấn nguyên liệu. ACL cho biết kết quả năm 2021 sẽ phụ thuộc rất lớn vào khả năng phục hồi của các thị trường sau khi đại dịch được khống chế. Tuy nhiên, dự kiến tình hình xuất khẩu của ACL sẽ không quá ảm đạm trong thời gian chờ đợi các quốc gia tiêu thụ cá tra lớn kiểm soát được dịch bệnh, bởi ACL vẫn còn thị trường Châu Á, Nam Mỹ và một số thị trường tiềm năng khác chưa khai thác hết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại