Kết quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được còn tốt hơn dự báo
Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đang thảo luận, cho ý kiến về nhiều vấn đề, trong đó có tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2019. “Chính phủ dự kiến năm nay hoàn thành 12/12 chỉ tiêu phát triển KTXH, nhiều dấu hiệu cho thấy, kết quả đạt được còn tốt hơn dự kiến”, TS. Đỗ Văn Sinh, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ.
Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp hoàn thành 12/12 chỉ tiêu kế hoạch phát triển KTXH, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt. Ông đánh giá sao về kết quả này?
Bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2019, tình hình khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến không thuận. Căng thẳng địa chính trị, xung đột cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Cạnh tranh chiến lược, nhất là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng phức tạp, khó lường. Trước những diễn biến bất lợi này, hầu hết các định chế kinh tế, tài chính có uy tín của quốc tế đều dự báo hoạt động thương mại toàn cầu suy giảm, vậy nhưng, chúng ta hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu phát triển KTXH chủ yếu, nhất là tăng trưởng GDP đạt gần 7%, đây là một thành công lớn.
Tuy nhiên, kết quả trên chỉ là dự báo vì còn 3 tháng nữa mới kết thúc năm 2019. Trong những tháng cuối năm không được lơ là, chủ quan.
Theo ông, liệu kết quả đạt được cả năm có khả quan hơn 9 tháng không?
Qua theo dõi nhiều năm tôi thấy, hầu như kết quả đạt được luôn khả quan hơn dự báo. Đơn cử, tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2018, Chính phủ dự báo hoàn thành 4 chỉ tiêu, vượt 8 chỉ tiêu năm 2018. Nhưng đến tháng 5/2019, tại Kỳ họp thứ 9 đánh giá lại, đáng lưu ý là chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong khi dự báo chỉ đạt 6,7%, nhưng cuối cùng đạt 7,08% - mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, là cơ sở quan trọng để hoàn thành các mục tiêu tính theo GDP như thu nhập bình quân đầu người, nợ công, nợ nước ngoài, bội chi… Cũng tại Kỳ họp này, Chính phủ dự báo cả năm 2018 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chỉ đạt 11,2%, nhưng cuối cùng thì tăng 13,2%; dự báo xuất siêu 0,4%, nhưng đạt được 2,8%; CPI dự báo tăng khoảng 4%, nhưng kết quả là chỉ tăng 3,54%.
Năm 2019, Chính phủ dự báo GDP tăng 6,8%; CPI tăng 2,7-3%; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 7,9%; xuất siêu 0,4%. Nhưng với tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu... trong thời gian gần đây và như tôi đã nói, dự báo thường “khiêm tốn” hơn, nên khả năng kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm đạt được còn khả quan hơn, đặc biệt là những chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, lạm phát…
Năm 2017 và 2018, kết quả đạt được khả quan hơn dự báo là đặt trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đang trên đà tăng trưởng. Còn năm nay, các định chế tài chính toàn cầu đều dự báo không có gì lạc quan, thưa ông?
Tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu năm nay đúng là rất khó khăn. Tháng 7/2019, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay đạt 3,2%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó và thấp hơn mức tăng trưởng 3,6% của năm 2018; tăng trưởng thương mại toàn cầu ở mức 2,5%, giảm 0,9 điểm phần trăm so với dự báo trước đó và thấp hơn rất nhiều mức tăng trưởng 3,7% của năm 2018.
Trước những dự báo này, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn tin là kết quả đạt được năm nay của Việt Nam sẽ khá hơn vì GDP ước tăng 6,98% - mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây. Tức là, chúng ta đang có cái đà. Trong 3 trụ cột tăng trưởng thì trừ lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2018 (tăng 2,02% so với 3,7%), nhưng lĩnh vực này đóng góp vào mức tăng trưởng chung rất thấp, chỉ đóng góp 4,8%.
Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng; dịch vụ vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn dắt nền kinh tế, là động lực, đầu tàu tăng trưởng GDP đạt mức tăng trưởng 11,37%, đóng góp tới 2,42 điểm phần trăm trong tổng số 6,98 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng đầu năm nay. Điều đáng nói nữa là, tốc độ tăng trưởng của đầu tàu kinh tế đã lấy được đà tăng trưởng từ mức 11,52% đạt được trong quý I, giảm xuống 10,9% trong quý II và lên 11,68% trong quý III.
Từ những yếu tố tích cực này, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, năm nay, GDP Việt Nam tăng trưởng 6,8%, tức là bằng với mức dự báo của Chính phủ. Tôi cũng muốn nói thêm rằng, thông thường, các tổ chức quốc tế đưa ra mức dự báo thấp hơn so với chúng ta.
Theo ông, trong quý IV/2019 có những dư địa nào để tăng trưởng GDP cao hơn, qua đó góp phần hoàn thành vượt mức tăng trưởng GDP 6,6 - 6,8% như kế hoạch đặt ra?
Với dân số gần 97 triệu người, thị trường nội địa vô cùng quan trọng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý III tăng 3,5% so với quý trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước; còn trong 9 tháng đầu năm tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường trong nước là động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thu nhập bình quân của lao động quý III/2019 đạt 6,66 triệu đồng/tháng, tăng 774.700 đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập tăng, chi tiêu của người dân tăng, là động lực thúc đẩy thị trường.
Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, trong khi 9 tháng đầu năm mới tăng 8,4% (cùng kỳ năm 2018 tăng 9,52%), tức là dư địa chính sách tiền tệ còn rất lớn.
Lạm phát được kiểm soát khi CPI 9 tháng mới tăng 2,5% là điều kiện để nới lỏng chính sách tài khóa (đầu tư công) và chính sách tiền tệ (tín dụng); thị trường trong nước trong nước tiếp tục đà tăng trưởng, thị trường xuất khẩu có dấu hiệu phục hồi (quý III tăng 12,7% so với quý II) chính là cơ sở để tin rằng kết quả đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm nay còn tốt hơn dự báo, đặc biệt là tăng trưởng GDP.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận