Kết quả kinh doanh quý 2 hé lộ, chứng khoán vẫn thiếu động lực đi lên
Kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp đã hé lộ phần nhiều, nhưng chưa có tác động đáng kể nào tới diễn biến cổ phiếu.
Nỗ lực phục hồi của thị trường đã bất thành trong phiên hôm nay, khi thanh khoản tiếp tục sụt giảm, giá trị giao dịch của HoSE chỉ hơn 8.000 tỷ đồng. VN-Index đóng cửa giảm hơn 3 điểm, các mã vốn hoá lớn nhóm VN30 như VIC, VNM, HPG… là những đầu kéo lùi chỉ số.
Ở chiều ngược lại, VCB gồng gánh chỉ số, cùng với MSB, SAB, nhóm phân bón DCM, DPM, bất động sản BCM, KDH, NVL, DXG…
Dù diễn biến thị trường không quá tiêu cực, nhưng cổ phiếu thép lại có phiên giảm điểm đồng loạt. HSG giảm 5,7%, NKG giảm 5,4%, TLH giảm 3,3%. HPG, TVN, VGS giảm trên 1%. Như cảnh báo trước đó của Chủ tịch HPG Trần Đình Long, kết quả kinh doanh quý 2 của doanh nghiệp không mấy khả quan. Quý 2, doanh thu HPG đạt 37.714 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ, song lợi nhuận sau thuế lại giảm gần 59%, xuống 4.023 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận doanh thu đạt 82.118 tỷ đồng, tăng 22,7% so với cùng kỳ nhưng và lãi sau thuế giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 12.229 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên hôm nay, HPG ở mức 21.650 đồng/cổ phiếu. Vốn hoá HPG rời khỏi top 10 doanh nghiệp lớn nhất thị trường. Top 10 hiện có VCB, VIC , VHM, GAS, BID, MSN, VNM, NVL, TCB, CTG.
Thống kê của nền tảng phân tích dữ liệu FiinTrade cho thấy, tính đến ngày 22/7, có 637/1701 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết (chiếm 47,4% tổng giá trị vốn hóa trên 3 sàn) đã công bố chính thức hoặc đưa ra ước tính kết quả kinh doanh cho quý 2/2022.
Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp và ngân hàng này tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ (+24,5%), nhưng tốc độ đã chững lại.
Nhóm Ngân hàng: Có thêm 8 ngân hàng (bao gồm VCB, VPB và SHB) trong lần cập nhật này nhưng lợi nhuận giảm so với quý 1. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý 2.2022 của 21/27 ngân hàng (đại diện 94% vốn hóa ngành) giảm -8,7% so với quý 1 liền trước, phần lớn do CTG, VCB, MBB và VPB.
Nguyên nhân chính là do hạn chế về dư địa tăng trưởng tín dụng trong quý 2 sau khi các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cho vay trong quý 1 trước đó mà không được cấp thêm room tín dụng.
Riêng với VPB, LNST quý 2 giảm -62,7% so với quý trước, và -17,2% so với cùng kỳ năm trước,do không có thu nhập bất thường từ phí cho thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm. Đáng chú ý là NIM của một số ngân hàng vừa công bố BCTC quý 2 giảm nhẹ 0,06-0,28 điểm phần trăm so với quý 1 do chi phí vốn (chủ yếu là lãi suất huy động) đang tăng lên. So với cùng kỳ năm 2021, 21 ngân hàng này vẫn giữ nhịp tăng trưởng cao +33,7%. Dù tăng trưởng duy trì mức cao, nhưng cổ phiếu ngân hàng cũng không có diễn biến gì đáng chú ý.
Nhóm bất động sản dân cư có 17 DN công bố lợi nhuận quý 2, với mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ (+49,1%), chủ yếu đóng góp bởi PDR và NLG nhờ bàn giao dự án. Trong quý 2, PDR và NLG cùng ghi nhận khoản mục người mua trả tiền trước tăng mạnh so với quý 1, lần lượt là +54,5% và +19% đối với PDR và NLG. Vì số lượng doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh mới chỉ chiếm 8,9% tổng giá trị vốn hóa của nhóm bất động sản dân cư do đó 17 DN này không đại diện cho bức tranh lợi nhuận chung của ngành trong quý 2, nhất là khi room tín dụng chưa được nới và hoạt động phát hành trái phiếu đang bị siết.
Nhóm y tế với 28/60 doanh nghiệp (chiếm 64% vốn hóa ngành) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 2/2022 tăng tích cực +9,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó lợi nhuận tăng mạnh ở nhóm tập trung phân phối qua kênh nhà thuốc, đặc biệt là phân phối các sản phẩm hỗ trợ điều trị COVID-19, (bao gồm DHG và OPC).
Ngược lại, tình trạng thiếu thuốc và thiết bị vật tư theo bảo hiểm y tế do sự chậm trễ trong công tác tổ chức đấu thầu và gia hạn đăng ký đối với các loại thuốc đã hết hạn lưu hành là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh kém tích cực ở nhóm phân phối qua kênh bệnh viện (bao gồm PBC và IMP).
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 3,43 điểm (-0,29%) xuống 1.185,07 điểm. HNX-Index giảm 2,5 điểm (-0,88%) xuống 282,88 điểm. UPCoM-Index tăng 0,06 điểm (0,07%) lên 88,41 điểm.
Tổng giá trị khớp lệnh đạt 9.625 tỷ đồng, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 8% xuống còn 8.070 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng 50 tỷ đồng ở sàn HoSE.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận