Kéo dài thời gian ngừng giao dịch tại các cặp chợ biên giới với Bằng Tường và Hà Khẩu
Ủy ban Hiệp điều mậu dịch kinh tế đối ngoại thị Bằng Tường mới đây đã có thông báo về việc tiếp tục đóng cửa giao dịch mua bán tại các chợ thuộc địa bàn thị Bằng Tường từ ngày 31/1 đến hết ngày 8/2/2020 (trừ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị mở cửa vào ngày 3/2/2
Tương tự, Ban Chỉ huy Tổ công tác lãnh đạo ứng phó phòng chống dịch bệnh huyện Hà Khẩu cũng có thông báo đóng cửa giao dịch mua bán tại các chợ thuộc địa bàn Bắc Sơn - Hà Khẩu đến hết ngày 8/2/2020.
Trước đó, phía Trung Quốc thông báo sẽ chính thức mở cửa khẩu để thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vào ngày 31/1/2020.
Lý do của việc kéo dài thời gian ngừng giao dịch tại chợ biên giới lần này là để đảm bảo công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona mới (nCoV) gây ra.
“Để tránh ảnh hưởng đến tốc độ thông quan và gây ùn ứ tại khu vực cửa khẩu biên giới, Cục Xuất nhập khẩu thông tin, khuyến cáo đến các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, thương lái, hộ nông dân cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan được biết về việc thị Bằng Tường và huyện Hà Khẩu đóng cửa giao dịch mua bán tại các chợ thuộc địa bàn đến hết ngày 8/2/2020 để điều tiết tiến độ vận chuyển, giao nhận hàng hóa tại khu vực cửa khẩu biên giới nhằm đảm bảo an toàn chất lượng hàng hóa, tránh tình trạng bị ép cấp, ép giá”, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) lưu ý.
Đồng thời, Cục cũng đề nghị theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản nói chung và trái cây nói riêng qua các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng… nhằm chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác; thực hiện nghiêm túc hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo thông lệ quốc tế, nâng cao chất lượng, triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu, tránh phát sinh rủi ro và giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh như thời gian qua.
Theo thông báo chính thức của phía Trung Quốc, tính đến 23h00 (giờ Bắc Kinh) ngày 29/1/2020, toàn Trung Quốc (30/31 tỉnh, thành phố trừ Khu Tự trị Tây Tạng) đã xác nhận có 6.090 ca nhiễm và 9.239 ca nghi nhiễm; có 133 người tử vong và 117 ca đã được chữa trị và cho xuất viện. Các địa phương có số ca nhiễm nhiều nhất là: Hồ Bắc (3.554) riêng TP. Vũ Hán có 1.905 ca; Chiết Giang (296); Quảng Đông (272); Hồ Nam (221); Hà Nam (206); An Huy (152); Trùng Khánh (147); Sơn Đông (130); Bắc Kinh (102).
Kể từ ngày 22/1/2020, Trung Quốc tiến hành phong tỏa toàn bộ thành phố Vũ Hán không cho tất cả mọi phương tiện giao thông từ các địa phương đến Vũ Hán cũng như từ Vũ Hán đi các địa phương khác của Trung Quốc.
Kể từ ngày 27/1/2020, các công ty lữ hành Trung Quốc bị cấm tổ chức các tour đoàn khách Trung Quốc ra nước ngoài du lịch; một số thành phố lớn như Bắc Kinh đã tạm dừng các chuyến xe buýt liên tỉnh kể từ ngày 26/1/2020 để hạn chế công dân vào thủ đô bằng đường bộ. Đồng thời đóng cửa một số địa điểm du lịch nổi tiếng như: Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành… cũng như hủy các hoạt động chào mừng Tết Nguyên Đán tại một số địa điểm công cộng trong thành phố.
Ngày 27/1/2020, chính phủ Trung Quốc đưa ra quyết định sẽ kéo dài thời gian nghỉ Tết nguyên đán đến hết ngày 2/2/2020 (tức ngày mùng 9 Âm lịch).
Theo Cục Xuất nhập khẩu, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc đã thông báo cho các nhân viên được nghỉ Tết đến hết ngày 8/2/2020 (tức rằm tháng Giêng) và đi làm trở lại bắt đầu từ ngày 9/2/2020.
“Việc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cho các nhân viên của mình kéo dài thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán thêm 1 tuần đến hết rằm tháng Giêng mới quay trở lại làm việc sẽ gây tổn thất lớn cho sản xuất, lưu thông hàng hóa, hoạt động ngoại thương và phát triển kinh tế của Trung Quốc. Theo đó, hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc qua các tỉnh biên giới phía Bắc vào thời điểm sau Tết Nguyên đán cũng sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm và trái cây”, Cục Xuất nhập khẩu cho biết.
Trong khi đó, TP. Vũ Hán nói riêng và tỉnh Hồ Bắc nói chung là trung tâm giao thông - công nghiệp khu vực miền Trung của Trung Quốc. Hiện có hơn 300 công ty, tập đoàn trong tổng số 500 tập đoàn hàng đầu thế giới hiện diện tại đây. Vì vậy, việc phong tỏa toàn bộ thành phố Vũ Hán sẽ khiến cho hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế tại đây bị tê liệt, gây tổn thất không nhỏ cho tỉnh Hồ Bắc nói riêng và kinh tế của Trung Quốc nói chung.
“Hiện đã có thông tin về việc nhu cầu tiêu thụ một số sản phẩm nông thủy sản, trái cây và thực phẩm tại Trung Quốc đã chững lại do diễn biến phức tạp của bệnh dịch tại Trung Quốc. Mặt khác, do công tác chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt nên việc vận chuyển giao nhận hàng hóa giữa các tỉnh, thành của Trung Quốc cũng hết sức khó khăn”, Cục Xuất nhập khẩu cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận