Kênh huy động vốn hiệu quả cho phục hồi kinh tế hậu COVID-19
Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn kết thúc các khoản vay ODA với điều kiện vay ưu đãi cao, trái phiếu chính phủ sẽ là kênh huy động vốn trong nước chủ yếu của Chính phủ.
Nhu cầu huy động vốn để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là rất lớn. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu phát hành đa dạng hóa sản phẩm và các loại kỳ hạn trái phiếu phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư.
Đây là thông tin được ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.
Quy mô thị trường trái phiếu tính đến cuối tháng 10/2021 tăng 9% so với năm 2020 và gấp 6,7 lần năm 2011. Mặc dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh của tình hình dịch bệnh, thị trường trái phiếu vẫn tiếp tục là kênh huy động vốn quan trọng cho Chính phủ và doanh nghiệp với khối lượng phát hành tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2021.
Khối lượng huy động vốn trái phiếu Chính phủ đã đạt 72,53% kế hoạch năm. Trong 10 tháng năm 2021, khi thị trường thuận lợi, Bộ Tài chính tiếp tục tập trung phát hành trái phiếu kỳ hạn dài để tái cơ cấu danh mục nợ. Lãi suất phát hành bình quân trái phiếu Chính phủ liên tục giảm, giúp tiết kiệm chi phí huy động vốn cho ngân sách nhà nước và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch bình quân trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 11 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 6,4% so với bình quân năm 2020.
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đến cuối tháng 10/2021, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 10 tháng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục là kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp trong bối cảnh tín dụng ngân hàng tăng trưởng chậm. Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lớn nhất, chiếm 35,3% tổng khối lượng phát hành và tiếp theo là doanh nghiệp bất động sản.
Trên thị trường trái phiếu Chính phủ và thị trường tiền tệ, tín dụng, lãi suất phát hành bình quân trái phiếu doanh nghiệp 10 tháng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020, từ đó giảm chi phí huy động vốn cho doanh nghiệp và thúc đẩy các doanh nghiệp huy động vốn trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng được điều hành thận trọng.
Điều này vừa đáp ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ tài chính, ngân sách trong điều kiện dịch bệnh, vừa góp phần tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu Chính phủ theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm lãi suất phát hành, tạo dư địa cho giai đoạn tiếp theo.
Trong thời gian tới, nhu cầu huy động vốn để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn. Trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn kết thúc các khoản vay ODA với điều kiện vay ưu đãi cao từ các nhà tài trợ, chuyển dần sang vốn vay có điều kiện kém ưu đãi hơn, thị trường trái phiếu chính phủ sẽ là kênh huy động vốn trong nước chủ yếu của Chính phủ.
Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu phát hành đa dạng các loại kỳ hạn trái phiếu phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư. Đồng thời, nghiên cứu để báo cáo cấp có thẩm quyền chủ động đa dạng hóa sản phẩm, phương thức phát hành trái phiếu Chính phủ theo quy định tại Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn. Việc triển khai cụ thể tùy thuộc vào nhu cầu huy động vốn của Chính phủ và tình hình thị trường.
Trong quá trình điều hành, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước đảm bảo ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác huy động vốn của Chính phủ, duy trì niềm tin của các nhà đầu tư trên thị trường.
Trong thời gian qua, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chủ yếu được giao dịch theo phương thức thỏa thuận (đối với cả các trái phiếu đang niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán và trái phiếu không niêm yết) và thực hiện chuyển quyền sở hữu tại các tổ chức lưu ký.
Tuy nhiên, Nghị định số 163/2018/NĐ-CP và Nghị định 81/2020/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp chưa có quy định về tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Do đó, hoạt động giao dịch chủ yếu thực hiện phân tán tại các công ty chứng khoán; chưa hình thành được thị trường giao dịch thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Việc chuyển nhượng, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại các công ty chứng khoán có những hạn chế như: giá mua và giá bán tốt tại công ty chứng khoán có thể không phải là giá tốt nhất trên thị trường.
Trường hợp công ty chứng khoán đóng vai trò tạo lập thực hiện mua bán với nhà đầu tư sẽ tạo ra xung đột về mặt lợi ích với nhà đầu tư; rủi ro trong việc quản lý phạm vi giao dịch chỉ giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Việc chỉ báo cáo thông tin giao dịch theo định kỳ hàng quý lên hệ thống sẽ làm giảm tính thanh khoản của thị trường.
Tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, Điều 16 đã quy định căn cứ tình hình thị trường, Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu Chính phủ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Sở giao dịch chứng khoán và nâng cấp chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, qua đó tăng thanh khoản của trái phiếu và hỗ trợ thị trường sơ cấp phát triển.
Triển khai Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng Thông tư hướng dẫn về giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Qua đó, hoàn thiện cơ sở pháp lý để tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Sở giao dịch chứng khoán. Đồng thời, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng đang triển khai xây dựng hạ tầng để tổ chức thị trường giao dịch ngày khi thông tư được ban hành.
Theo kinh nghiệm của thị trường trong khu vực, việc tổ chức thị trường trái phiếu doanh nghiệp tập trung cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư và tăng cường tính thanh khoản, tính minh bạch của thị trường, giảm thiểu rủi ro đối tác và đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thanh toán; tập trung thông tin đầy đủ từ khâu phát hành đến giao dịch trái phiếu, hỗ trợ việc quản lý giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.
Cùng với việc tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và nâng cấp hệ thống niêm yết, giao dịch trái phiếu ra công chúng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ ngày càng hoàn thiện và phát triển đồng bộ trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận