24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Hà
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025: Cần mục tiêu khả thi, giải pháp cụ thể

Dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 mới đây đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến để chuẩn bị trình Quốc hội vào ngày 21/10 tới đây. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, về những nội dung kế hoạch này.

TS. Nguyễn Đình Cung: Nhận xét khái quát thì kế hoạch gồm 5 nội dung, nhưng thực chất gần như toàn bộ nền kinh tế, gồm các tổ chức tín dụng, ngân sách, đầu tư công, tổ chức dịch vụ công lập, thị trường tài chính, thị trường quyền sử dụng đất, thị trường khoa học công nghệ, lao động; doanh nghiệp nhà nước (DNNN), DN tư nhân, DN FDI, kinh tế vùng, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ,… với hàng trăm giải pháp, nhiệm vụ và mục tiêu. Có thể thấy phạm vi kế hoạch rất rộng, giải pháp, nhiệm vụ nhiều mà còn chưa cụ thể. Mỗi giải pháp gần như là đầu bài của một đề án. Một số mục tiêu còn chưa cụ thể, hoặc quá tham vọng, có một số chưa hợp lý, chưa rõ cách thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện ra sao.PV: Xin ông cho biết đánh giá chung của mình về dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025?

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025: Cần mục tiêu khả thi, giải pháp cụ thể
TS. Nguyễn Đình Cung

Chúng ta đã trải qua 10 năm thực hiện tái cơ cấu, lúc đầu có ba trọng tâm và sau đó thành xu hướng, mở rộng ra cơ cấu lại trên rất nhiều lĩnh vực. Nên chăng đặt vấn đề hiện nay thực sự nền kinh tế cần cơ cấu lại hay cần gì khác? Chúng ta có nên cơ cấu lại hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác? Giả sử sắp tới đây, không có kế hoạch này thì nền kinh tế có ảnh hưởng gì không?

Đặt vấn đề như vậy thì chúng ta sẽ nghĩ được việc gì cần làm, hướng đi nào là phù hợp với yêu cầu phát triển.

PV: Theo ông, những mục tiêu, giải pháp nào tại dự thảo mà ông cho là cần cân nhắc vì chưa cụ thể, khó khả thi?

TS. Nguyễn Đình Cung: Với bối cảnh năm đầu tiên của giai đoạn đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, chúng ta phải xác định là nhiều mục tiêu kinh tế xã hội của năm nay sẽ không đạt kế hoạch, trong đó đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng. Do đó, kế hoạch cơ cấu lại cho 5 năm tới phải có sự tính toán hợp lý, khả thi đi cùng với mục tiêu, giải pháp cụ thể.

Trong đó, chẳng hạn về mục tiêu 1,5 triệu DN, tôi cho là đầy thách thức và chưa thấy giải pháp tương ứng với mục tiêu. Hiện nay cả nước mới có khoảng hơn 810.000 DN, để đạt 1,5 triệu DN vào năm 2025 thì mỗi năm phải tăng thêm khoảng 165.000 DN. Nếu tỷ lệ DN giải thể như những năm qua, thì hàng năm phải có khoảng 300.000 DN đăng ký mới... Giải pháp phát triển cả về lượng và chất của khu vực tư nhân không có gì khác là phải đẩy mạnh cải cách thể chế cải thiện môi trường kinh doanh; các cơ quan phải cùng vào cuộc xây dựng và thực hiện một chương trình quốc gia về cải cách cải thiện môi trường kinh doanh.

Về thu hút FDI, mục tiêu vốn FDI đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 là 150 - 200 tỷ USD cũng quá tham vọng. Cần có các mục tiêu về nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài hơn là thiên về số lượng.

Nợ xấu ngân hàng cũng là chỉ tiêu phải xem lại, vì nguy cơ nợ xấu tăng rất rõ. Tại dự thảo, mục tiêu là duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các ngân hàng ở mức dưới 3%. Tuy nhiên, đây là thách thức lớn dịch bệnh chưa biết lúc nào kết thúc. Dù có kết thúc, thì tác động của nó vẫn có thể kéo dài sang cả năm 2022 thậm chí là cả năm sau nữa.

PV: Ba trọng tâm tái cơ cấu của giai đoạn trước tiếp tục được đặt ra trong giai đoạn này với mục tiêu là hoàn thành quá trình tái cơ cấu DNNN, đầu tư công, ngân hàng. Ông nghĩ sao về các mục tiêu này?

TS. Nguyễn Đình Cung: Theo tôi nên đưa ra các mục tiêu cụ thể cho quá trình cơ cấu lại 3 trọng tâm này, thay vì mục tiêu hoàn thành, vì đây là một quá trình phải làm liên tục.

Về ngân hàng, cần xác định rõ việc tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý là làm cái gì cụ thể. Với xử lý nợ xấu, chắc sẽ phải có đường cơ sở và mục tiêu mới, không phải là những gì đang có trên báo cáo hiện nay, giải pháp phải khác và phải sửa rất nhiều luật lệ để có thị trường mua bán nợ, còn nếu không thì sẽ còn mất nhiều năm nói về nợ xấu. Đồng thời, giải pháp cần lồng ghép nội dung phát triển xanh, bền vững và biến đổi khí hậu vào chương trình dự án tín dụng…

Về đầu tư công, nói chung, các giải pháp cơ cấu lại đầu tư công như dự thảo kế hoạch đã nói, đã viết, đã đưa thành nội dung nhiều nghị quyết từ lâu, nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Theo tôi, có ba việc. Một là, xác định các tiêu chí rõ ràng, cụ thể, hợp lý về hiệu quả kinh tế - xã hội. Các tiêu chí này được sử dụng thống nhất để lựa chọn và quyết định đầu tư, thẩm tra, thẩm định dự án đầu tư; trong giám sát và đánh giá hiệu quả dự án đầu tư… Hai là, xác định được lĩnh vực, ngành ưu tiên đầu tư trong từng kế hoạch đầu tư công trung hạn, hiện nay là 2021 – 2025. Ba là, các ngành, địa phương có quyền chủ động trong công tác chuẩn bị đầu tư (tách ra khỏi quá trình đầu tư), chủ động nghiên cứu, đánh giá và lựa chọn, tạo cho mình một kho dự án đạt mức tối thiểu về hiệu quả. Từ đó, lần lượt lấy ra cái tốt nhất theo khả năng nguồn vốn để thực hiện đầu tư.

Về đổi mới và phát triển DNNN, cần đổi mới tư duy về DNNN, coi họ thực sự là công ty (cổ phần, trách nhiệm hữu hạn) trong kinh tế thị trường đầy đủ; có đầy đủ quyền tự chủ kinh doanh tương tự như DN khác; hoạt động đầu tư kinh doanh thực sự theo nguyên tắc thị trường, chịu cạnh tranh bình đẳng và được cạnh tranh bình đẳng. Đổi mới toàn diện chế độ tài chính đối với đầu tư góp vốn, mua cổ phần của nhà nước tại DN; chế độ tài chính đối với DNNN về cơ bản tương tự như chế độ tài chính đối với các DN khác.

Tiếp tục đổi mới tư duy và đổi mới toàn diện tổ chức bộ máy, nhân sự, cách thức và công cụ, năng lực… thực hiện đầu tư của Nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại DN; áp dụng đầy đủ các nguyên tắc quản trị theo thông lệ quốc tế ngay trong nhiệm kỳ này. Đây là một nội dung của cải cách, tái cơ cấu DNNN luôn có trong các nghị quyết có liên quan của Đảng và Nhà nước, nhưng hầu như chưa thực hiện được.

Tiến tới thực hiện niêm yết tất cả các DNNN trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trước tiên là các DNNN trong các ngành, nghề đang đối mặt với cạnh tranh quốc tế. Lựa chọn và thực hiện niêm yết một số DNNN trên thị trường chứng khoán quốc tế. Niêm yết được trên thị trường chứng khoán là một bước tiến có tính quyết định về chất lượng quản trị, tạo điều kiện tốt cho đổi mới và phát triển DNNN nói chung và đầu tư nhà nước nói riêng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả