KBSV: Ngành ngân hàng sẽ khả quan hơn nhờ đợt nâng room tín dụng của NHNN
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá triển vọng quý 3 của ngành ngân hàng sẽ khả quan hơn nhờ đợt nâng room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhu cầu vay vốn quay trở lại sau khi Tết Nguyên Đán kết thúc nhờ đó tín dụng toàn ngành đã tăng tới 3.22% ngay trong tháng 3. Tăng trưởng tín dụng 1Q/2022 đạt 5.04% - gấp đôi so với cùng kỳ. Tín dụng trong tháng 4 và tháng 5 tăng chậm hơn lần lượt ở mức 1.7% và 1% do nhiều ngân hàng đã cạn room tín dụng ngay từ quý 1 và NHNN thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản.
Ngoài ra, NHNN đã khởi động lại kênh tín phiếu kho bạc sau hai năm đóng băng nhằm kiểm soát lượng tiền ngoài lưu thông. Vì kiểm soát lạm phát mục tiêu cũng là một nhiệm vụ quan trọng của Ngân hàng Nhà nước nên KBSV giảm dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong năm nay xuống mức 13-14%.
1Q2022, lãi suất đầu ra bình quân hồi phục tương đối chậm, chỉ tăng khoảng 11bps so với 4Q2021 dịch bệnh bùng phát trong 3Q2021 khiến các ngân hàng vẫn phải giảm lãi để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong khi đó các ngân hàng đang có xu hướng tăng lãi suất huy động để thu hút nguồn vốn phục vụ cho vay.
Biên độ tăng phổ biến khoảng 0.1 – 0.7 điểm % trong 5 tháng đầu năm và bình quân toàn ngành là khoảng 0.2 – 0.3 điểm %. Tuy nhiên, tỷ lệ CASA ngành duy trì ở mức cao kỷ lục 23.3% giúp lãi suất bình quân đầu vào 1Q2022 vẫn tương đương 4Q2021, khoảng 3.41%. Biên lãi thuần toàn ngành từ đó vẫn cải thiện 8bps so với quý trước lên mức 3.67%. Nhờ đó thu lãi thuần 1Q2022 (của các ngân hàng niêm yết) tăng 8.3% và 19.1%, đạt 98,335 tỷ VND. Các chi phí được kiểm soát tốt giúp lợi nhuận trước thuế 1Q2022 tăng mạnh 48.8% và 30.7%.
Chất lượng tài sản toàn hệ thống vẫn con chịu dư âm từ đợt dịch vào quý 3 năm trước. Kết thúc 3 tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống các ngân hàng theo dõi là 1.43% tương đương cùng kỳ năm trước. Hầu hết các nhóm nợ quá hạn đều ghi nhận tăng mạnh, cụ thể nhóm 2 tăng 37.8%, nhóm 3 và 4 lần lượt tăng 21.1% và 86.9%. Nợ nhóm 5 giảm nhẹ 5.1% nhưng vẫn tăng 20%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của 1Q2022 vẫn tăng 6.9 điểm % so với cuối năm 2021 lên mức 151.3%. Dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hiện còn hơn 198 nghìn tỷ đồng của gần 680 nghìn khách hàng; dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ hiện còn gần 18 nghìn tỷ đồng của hơn 166 nghìn khách hàng. Thời gian được cơ cấu nợ cho khách hàng theo Thông tư 14 sẽ hết hiệu lực vào 30/6/2022 và hiện tại vẫn chưa có thông tin về việc kéo dài thời hạn. Do đó, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành trong quý 3 sẽ tăng khi các khoản vay được phân bổ đúng nhóm nợ. Nhóm các ngân hàng đã trích lập 100% nợ tái cơ cấu sẽ có dư địa tăng trưởng lợi nhuận cao hơn trong năm nay, trong khi các ngân hàng mới trích lập 30% sẽ gặp phải rủi ro chi phí dự phòng tăng nhanh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận