iPad, MacBook có thể ‘Made in Vietnam’ vì chiến tranh thương mại
Tập đoàn Pegatron của Đài Loan hiện đang kế hoạch thiết lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam, trở thành đối tác của Apple mới nhất hiện diện tại quốc gia Đông Nam Á này trong nỗ lực đa dạng hóa.
Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết tập đoàn Pegatron đang tìm kiếm địa điểm tại khu vực phía Bắc Việt Nam để xây dựng một cơ sở sản xuất mới. Trước đó công ty này đã thuê một cơ sở tại phía Bắc thành phố Hải Phòng cho việc sản xuất bút cảm ứng của điện thoại thông minh Samsung.
Công ty có trụ sở tại Đài Bắc này đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của Apple và đã lắp ráp iPhone, iPad và MacBook trong nhiều năm.
Pegatron cũng như hai đối tác lắp ráp của Apple là Wistron và Hon Hai đang phát triển thêm các cơ sở sản xuất hoặc gia tăng công suất tại Việt Nam. Dù vậy, cả ba công ty này hiện chưa có kế hoạch lắp ráp iPhone tại quốc gia này trong thời gian tới.
GoerTek, một trong những nhà sản xuất quan trọng của Apple, đã bắt đầu quá trình sản xuất thế hệ AirPods mới nhất tại Việt Nam vào giữa năm ngoái. Apple từ lâu đã đặt sản xuất tai nghe có dây EarPods tại Việt Nam. Tuy nhiên, những chiếc tai nghe không dây AirPods cho đến nay vẫn chỉ được sản xuất tại Trung Quốc bởi các nhà cung cấp Inventec, Luxshare-ICT và GoerTek.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài gần hai năm vừa qua đã khiến vị thế công xưởng thế giới của Bắc Kinh bị đe dọa, gia tăng nguy cơ phá vỡ với các chuỗi cung ứng toàn cầu đã được thiết lập hàng thập kỷ và đẩy các công ty đi tìm kiếm những địa điểm thay thế.
Mặc dù hai bên đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một, việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng vẫn rất cần thiết trong tầm nhìn dài hạn, một phần vì rủi ro của căng thẳng vẫn còn và một phần vì chi phí lao động tại Trung Quốc gia tăng.
Các công ty Đài Loan được cho là đặc biệt tích cực trong việc mở rộng bên ngoài Trung Quốc. Trong đó, Inventec và Foxconn đã di rời một số dây chuyền sản xuất về Đài Loan hoặc các nước khác tại châu Á như Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia nhằm tránh hàng rào thuế quan của Mỹ.
Không chỉ có các nhà cung ứng, lắp ráp của Apple, nhiều doanh nghiệp quốc tế cũng như của Trung Quốc đã tìm đến Việt Nam như một nơi tránh “bão” thuế quan gia tăng.
Hãng điện tử hàng đầu Nhật Bản và thế giới Sharp từng thông báo loại bỏ kế hoạch sản xuất màn hình LCD bán cho thị trường Mỹ tại Trung Quốc và thay vào đó, chuyển sang Việt Nam nhằm tránh thuế quan gia tăng.
Một nhà máy theo kế hoạch sẽ xây dựng tại Việt Nam và Sharp sẽ thành lập công ty con 100% sở hữu Sharp Manufacturing Vietnam để quản lý hoạt động của nhà máy này.
Công ty trên dự kiến được thành lập tháng 2/2020 với mức vốn 25 triệu USD, tọa lạc tại khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Theo nghiên cứu của chuyên gia kinh tế Rob Subbaraman, Sonal Varma và Michael Loo thuộc Nomura Holdings giữa năm ngoái, Việt Nam là một trong những nền kinh tế hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại.
Trong vòng một năm tính đến hết quý I/2019, chuyển hướng thương mại đã mang lại lợi ích cho Việt Nam tương đương 7,9% GDP, bỏ xa các nền kinh tế khác trong nhóm hưởng lợi như Đài Loan, Chile, Malaysia.
Tuy nhiên, sự dịch chuyển từ Trung Quốc cũng nhận không ít lo ngại khi nhiều chuyên gia cho rằng nguồn vốn đến Việt Nam gia tăng nhưng chủ yếu từ các công ty tầm trung với công nghệ tương ứng.
Thời gian qua, phân tích dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc cho thấy dù lượng tăng lên nhưng số dự án có quy mô nhỏ lại tăng thêm, đặt ra nhiều nghi ngại về vấn đề chuyển giao công nghệ và sử dụng lao động.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận