Indonesia quyết tâm vượt Việt Nam về sản lượng cà phê
Đứng thứ 4 thế giới về sản xuất cà phê, Indonesia hiện đang quyết tâm vượt Việt Nam để vươn lên vị trí thứ hai.
Cà phê là chương trình kinh tế quốc gia của Indonesia
Tại Hội thảo trực tuyến "Indonesia trên bản đồ cà phê thế giới: Cơ hội và triển vọng", Bộ trưởng Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia, ông Bambang Brodjonegoro cho biết, cà phê là một trong những chương trình kinh tế quốc gia của Indonesia và Indonesia quyết tâm nâng cao năng suất cà phê và giành lại vị trí số hai thế giới về sản xuất cà phê mà Việt Nam đang nắm giữ.
Theo ông Bambang, hiện nay, 96% sản lượng cà phê Indonesia thu hoạch từ các đồn điền cà phê quy mô nhỏ của người nông dân. Mỗi năm, sản lượng trồng cà phê trung bình của Indonesia đạt 600.000 tấn trên diện tích 1,2 triệu ha. Như vậy, Indonesia chỉ sản xuất được 700 kg cà phê trên 1 ha. Trong khi đó, Việt Nam có 650.000 ha nhưng đã đạt sản lượng 2,3 tấn cà phê trên 1 ha. 45% sản lượng cà phê Indonesia được thị trường trong nước hấp thụ, phần còn lại được xuất khẩu.
Bộ trưởng Bambang Brodjonegoro cho rằng tổng diện tích trồng cà phê của Indonesia lớn hơn Việt Nam, nhưng Việt Nam có nhiều đòn bẩy hơn trong việc phát triển cà phê để vượt Indonesia và nông dân Indonesia vẫn đang gặp khó khăn về đất đai hạn hẹp của nông dân và cà phê vẫn chỉ là cây trồng phụ.
Trong khi đó, người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp và Xuất khẩu Cà phê Indonesia (AEKI) ông Irfan Anwar cho rằng: “Không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam vươn lên trở thành nhà sản xuất cà phê số hai thế giới và nhà sản xuất số một thế giới vẫn bị Brazil chiếm giữ, số ba Colombia và Indonesia ở vị trí thứ tư”. Bởi lẽ theo ông, hiện nay việc tăng năng suất của các đồn điền cà phê Indonesia cũng đang gặp phải nhiều trở ngại do sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Trong nước, tiêu thụ cà phê nội địa giảm mạnh do các nhà hàng, quán cà phê đóng cửa. Ở cấp độ quốc tế, chuỗi cung ứng cà phê cũng đang gặp gián đoạn do hạn chế xuất khẩu, đóng cửa các cảng biển và hàng không. Chưa kể đến việc thắt chặt xã hội đã gây ra sự chậm trễ trong việc thông quan ở một số quốc gia khiến kim ngạch xuất khẩu cà phê giảm hơn 30% so với cùng kì năm ngoái. Hiện nay, giá cà phê đặc sản, một trong những mặt hàng được ưa chuộng hàng đầu của Indonesia, vẫn tiếp tục tăng. Theo ông Irfan, nếu có thể tăng cả sản lượng cà phê thì 2 triệu nông dân Indonesia phụ thuộc vào kinh doanh đồn điền cà phê sẽ thịnh vượng hơn, bao gồm cả những người kinh doanh cà phê từ thượng nguồn đến hạ nguồn.
Để giúp nông dân trong giai đoạn sau thu hoạch, Bộ Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia đã phối hợp với Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia để phát triển các công nghệ khác nhau cho nông dân trồng cà phê. Một trong những chương trình hỗ trợ công nghệ đã được thực hiện ở Tây Nam Sumba sản xuất loại cà phê có tên gọi Aroma Kopi Sumba và đã đạt quán quân cà phê quốc gia năm 2017-2018.
Bộ trưởng Indonesia yêu cầu các trường đại học nghiên cứu, thành lập tập đoàn đa ngành nghề trong việc phát triển cà phê Indonesia với sự tham gia của các chuyên gia từ các ngành khoa học khác nhau.
Tiềm năng trở thành trụ cột ngoại giao
Tại hội thảo, Chuyên viên chính Bộ Ngoại giao Indonesia, Đại sứ Cà phê Indonesia, ông Prayitno Atiyono hy vọng rằng các nhà ngoại giao sẽ trở thành nhà tiếp thị chính cho các sản phẩm cà phê của Indonesia vì cà phê là một trong những thế mạnh kinh tế của Indonesia, đồng thời có tiềm năng là trụ cột của ngoại giao Indonesia. "Vai trò của các nhà ngoại giao Indonesia là thực hiện tiếp thị thông tin trong lĩnh vực cà phê, xây dựng sức mạnh ở cộng đồng người Indonesia và kết nối các doanh nhân cà phê Indonesia với các doanh nhân ở quốc gia nơi họ làm việc."
Việc tiếp thị thông tin bao gồm tìm kiếm thông tin về các quy định thương mại cà phê hiện có, theo dõi đối thủ cạnh tranh và tìm kiếm thông tin về thị hiếu cà phê ở các quốc gia. Trong khi đó, việc kết nối bao gồm hợp tác với các doanh nghiệp địa phương, tích cực quảng bá cà phê Indonesia thông qua cộng đồng người Indonesia nước sở tại.
Đại sứ cà phê Indonesia cũng yêu cầu các nhà sản xuất cà phê trong nước lưu ý thị trường Mỹ Latinh đầy tiềm năng. Hiện nay, Đại sứ quán Indonesia tại Argentina, Chile và 1 số quốc gia khác đã sẵn sàng thúc đẩy cà phê Indonesia tại địa bàn.
Đại sứ Indonesia tại Phần Lan và Estonia, ông Ratu Silva Gayatri cho biết, Phần Lan là 1 thị trường tiềm năng cho cà phê Indonesia khi mức tiêu thụ cà phê của nước này đạt 12 Kg/người/năm. Trong khi Indonesia có sẵn các sản phẩm cà phê có đặc điểm khác biệt với các quốc gia khác như Toraja, Gayo, Ijen...
Tuy nhiên, để đưa sản phẩm cà phê vào thị trường châu Âu thì phải chú ý đến quá trình sản xuất cà phê. Người dân phải có văn hóa trồng cà phê có yếu tố thân thiện với môi trường vì người châu Âu rất nhạy cảm với việc bảo tồn thiên nhiên.
Tổng lãnh sự tại Dubai Ridwan Hasan đề xuất ngoài việc phát triển cà phê đặc sản Indonesia hiện đã có lên tới 24 loại, Indonesia cũng cần phải nghĩ đến loại cà phê mà người dân trên thế giới dễ dàng nhận biết. Chẳng hạn như ở Colombia, có loại cà phê đặc biệt được đóng gói độc đáo và có in biểu tượng Joan Valdez để người sành cà phê dễ dàng nhận ra cà phê Colombia. Lãnh sự quán Indonesia tại Dubai cũng đề xuất mở các cửa hàng cà phê của Indonesia tại các nước như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất là trung tâm thương mại quốc tế, hoặc mở tại sân bay quốc tế Dubai, nơi kết nối của nhiều hãng hàng không thế giới.
Theo Ban điều hành Nền tảng cà phê bền vững của Indonesia (SCOPI), Indonesia phải chú trọng trước hiện tượng tăng tiêu thụ cà phê quốc gia. Nguyên nhân là do sản lượng cà phê trong nước đang có xu hướng trì trệ trong 10 năm qua. Mức độ tiêu thụ trong thời gian dài không đi kèm với việc tăng năng suất sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu cà phê có xu hướng tăng lên. Hơn nữa, sự tăng trưởng nhân khẩu học của quốc gia quần đảo có xu hướng phát triển nhanh chóng đã thu hút tất cả các nhà sản xuất cà phê trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Dựa trên Thống kê Cà phê Indonesia, trong giai đoạn 2008–2018, mức sản xuất cà phê trong nước chỉ tăng 3,5% từ 698.018 tấn lên 722.461 tấn. Trong khi đó, tiêu thụ nội địa tăng 102,5% từ 155.000 tấn lên 314.000 tấn trong cùng kỳ./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận