IMF bất ngờ nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc
Việc điều chỉnh triển vọng này phản ánh sự tăng tốc của nền kinh tế Trung Quốc hồi đầu năm nay và các biện pháp kích cầu mới của Chính phủ nước này...
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đạt 5% trong năm nay, từ mức dự báo 4,6% cách đây chỉ vài tuần. Việc điều chỉnh triển vọng này phản ánh sự tăng tốc của nền kinh tế Trung Quốc hồi đầu năm nay và các biện pháp kích cầu mới của Chính phủ nước này.
Trong một thông cáo báo chí ngày 29/5, IMF còn nâng dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc năm 2025 lên 4,5% từ 4,1% đưa ra trong lần dự báo trước.
Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay. Quý 1, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt mức tăng trưởng cao hơn dự báo 5,3% dù cuộc khủng hoảng bất động sản tiếp tục gây áp lực đối với nhu cầu tiêu dùng trong nước.
“Tiêu dùng ở Trung Quốc chắc chắn là đang phục hồi, nhưng vẫn còn một chặng đường phải đi. Sức mạnh trong lĩnh vực đầu tư công vẫn duy trì. Đầu tư của khu vực tư nhân còn yếu, chủ yếu do khủng hoảng bất động sản tiếp diễn”, Phó giám đốc điều hành Gita Gopinath của IMF nhận định.
Thời gian qua, IMF đã kêu gọi Bắc Kinh cung cấp thêm hỗ trợ thông qua chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ cho nền kinh tế, bao gồm đẩy mạnh các biện pháp nhằm giải quyết khủng hoảng bất động sản - cuộc khủng hoảng dai dẳng bất chấp nhiều nỗ lực nhà chức trách nhằm cắt đà giảm của giá nhà và thúc đẩy nhu cầu.
Trong thông cáo báo chí ngày 29/5, bà Gopinath nói Trung Quốc cần ưu tiên “huy động các nguồn lực của Chính phủ trung ương để bảo vệ người mua những ngôi nhà chưa hoàn thiện đã được bán, đồng thời đẩy nhanh việc hoàn thiện các dự án còn dang dở, mở đường để vực dậy các chủ đầu tư vỡ nợ”.
Đầu tháng này, giới chức Trung Quốc đã công bố một kế hoạch mới để cứu thị trường bất động sản, bao gồm giảm mức đặt cọc khi mua nhà và cung cấp 300 tỷ nhân dân tệ (tương đương 42 tỷ USD) tiền vốn từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) để giúp chính quyền các địa phương mua bớt số nhà tồn tại các dự án bất động sản.
Bà Gopinath cho rằng Trung Quốc cần hành động nhiều hơn thế mới giải quyết được vấn đề. “Chính sách tài khóa nên ưu tiên việc cung cấp hỗ trợ tài chính một lần của chính phủ trung ương cho lĩnh vực bất động sản”, và lạm phát thấp đồng nghĩa với việc Trung Quốc vẫn còn dư địa để nới lỏng tiền tệ hơn nữa - nhà kinh tế này khuyến nghị.
IMF cho biết vẫn đang đánh giá tác động của kế hoạch thuế quan mà Mỹ đưa ra mới đây đối với hàng hoá Trung Quốc. Bà Gopinath nhận định các chính sách làm gia tăng sự phân mảnh - như việc Mỹ áp thuế quan lên hàng hoá Trung Quốc - là tiêu cực đối với toàn thế giới.
“Các quốc gia đang ngày càng có thêm nhiều chính sách hạn chế thương mại”, với khoảng 3.000 hạn chế thương mại mới được áp dụng vào năm 2023 - gấp 3 lần con số vào năm 2019, theo bà Gopinath.
“Rủi ro đối với hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng gia tăng và chúng ta đang thấy những dấu hiệu ban đầu của sự phân mảnh. Thương mại giữa các quốc gia có liên kết tốt hơn về mặt địa chính trị sẽ được duy trì tốt hơn so với thương mại giữa các quốc gia ít liên kết về mặt địa chính trị”, bà Gopinath nói.
Theo nhà kinh tế học này, các quốc gia cũng đang ngày càng dựa vào các chính sách trợ cấp công nghiệp và điều này có thể dẫn đến việc phân bổ sai nguồn lực và ảnh hưởng lan toả đến các đối tác thương mại khác.
“Khi bất kỳ khu vực nào trong số ba khu vực là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc áp dụng trợ cấp, chúng tôi nhận thấy rằng trong vòng 12 tháng tiếp theo, có khả năng 75% khu vực kia cũng sẽ trả đũa bằng một khoản trợ cấp khác”, bà Gopinath nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận