“Ì ạch” nông, lâm, thủy sản vào Trung Quốc
Trung Quốc hiện đã đưa ra những chính sách, quy định nhập khẩu nông, lâm, thủy sản khá đầy đủ, tuy nhiên các mặt hàng này của Việt Nam xuất khẩu vào đây theo đường chính ngạch vẫn chưa được như kỳ vọng.
Có quy mô dân số 1,4 tỉ người, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản rất lớn của thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam đến nay vẫn chưa khai thác tốt thị trường này.
Tại hội thảo “Giới thiệu về thị trường Trung Quốc: kinh nghiệm hợp tác và cơ hội kinh doanh” được tổ chức mới đây ở Cần Thơ, ông Trần Văn Công, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết trong năm 2018 Trung Quốc đã chi đến hơn 160 tỉ đô la Mỹ nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trên thế giới. Nhưng trong đó, các mặt hàng này của Việt Nam xuất vào Trung Quốc chỉ đạt 8,64 tỉ đô là Mỹ. “Riêng ba quí đầu năm nay, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của chúng ta sang Trung Quốc đạt hơn 6 tỉ đô la Mỹ, giảm 6,7% so với cùng kỳ”, ông Công cho biết thêm.
Theo ông Công, việc Trung Quốc chi đến hơn 160 tỉ đô la Mỹ mua hàng nông, lâm, thủy sản, trong khi Việt Nam xuất sang đây chỉ đạt 8,64 tỉ đô la Mỹ (năm 2018) cho thấy dư địa để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang quốc gia này còn rất lớn. Tuy nhiên, sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam dường như chưa thâm nhập mạnh vào thị trường đầy tiềm năng này.
Khung pháp lý đã rõ ràng
Thời gian qua, Trung Quốc đã thay đổi chính sách nhập khẩu theo hướng chuyển từ mua bán tiểu ngạch sang chính ngạch. Song song đó, Trung Quốc cũng ban hành những chính sách, những thỏa thuận có liên quan để các nước đối tác, trong đó có Việt Nam, áp dụng.
Chẳng hạn với ngành lúa gạo, Trung Quốc hiện đã ban hành quy định điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về vùng trồng, nhà máy xay xát, quy định việc ghi nhãn mác…, và khi doanh nghiệp đáp ứng quy định sẽ được cấp chứng thư đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia này.
Ông Công nhận xét, cơ sở để triển khai các hoạt động thương mại nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc khá hoàn chỉnh và dựa trên nền tảng các thỏa thuận đã ký kết để thực hiện. Ông dẫn ra hàng loạt thỏa thuận như thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, ký vào tháng 9-2016; nghị định thư kiểm dịch gạo xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, ký lại vào tháng 6-2016; thỏa thuận hợp tác kiểm soát an toàn thực phẩm, sản phẩm thủy sản xuất nhập khẩu giữa hai nước, ký lại vào tháng 9-2012; thỏa thuận về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm cám gạo làm thức ăn chăn nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc ký tháng 6-2016…
Bên cạnh những chính sách, thỏa thuận nêu trên, ông Công cho biết, Trung Quốc cũng ban hành các điều kiện chung buộc doanh nghiệp phải đáp ứng nếu muốn xuất khẩu vào thị trường này, ví dụ điều kiện về máy móc, trang thiết bị, nhà xưởng, phòng kiểm nghiệm… “Các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam như Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad) được ủy quyền và có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận theo quy định của Việt Nam và Trung Quốc”, ông nói.
Ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán kinh tế thương mại thuộc Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, khi trao đổi với TBKTSG bên lề hội thảo cũng cho biết, khi Trung Quốc có những thay đổi liên quan đến nhập khẩu nông, lâm, thủy sản thì toàn bộ quy định mới đều được công bố trên Internet. Vì vậy, theo ông, doanh nghiệp cần nắm bắt kịp thời, cần thường xuyên truy cập thông tin.
Đâu là nguyên nhân?
Với những chính sách liên quan đến nhập khẩu nông, lâm, thủy sản được phía Trung Quốc đưa ra khá đầy đủ, chỉ cần doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ là có thể đưa sản phẩm sang thị trường này. Nhưng trên thực tế, việc xuất khẩu các mặt hàng nông lâm sản của Việt Nam vào Trung Quốc đến nay vẫn chưa được như kỳ vọng.
Trao đổi với TBKTSG, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phương Đông, cho rằng những quy định, ví dụ như quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm là chuyện bình thường, không nên đổ lỗi cho họ là làm khó. Theo ông, việc doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu phía Trung Quốc đưa ra là do doanh nghiệp chưa quan tâm đến thị trường này.
Ông Việt Anh dẫn chứng, để được cấp chứng thư xuất khẩu gạo sang Trung Quốc thì doanh nghiệp phải đầu tư, nhưng lúc đó công ty đang tập trung vào những thị trường khác. “Trong khi để bổ sung thêm các điều kiện thì phải bỏ tiền đầu tư, thành ra mình không tham gia”, ông giải thích.
Cũng có nguyên nhân xuất phát từ việc doanh nghiệp chưa cập nhật kịp thời những thay đổi về chính sách của Trung Quốc, dẫn đến hàng hóa khi tới biên giới nhưng không được thông quan. “Có lần, phía Trung Quốc đã thay đổi quy định việc ghi nhãn sản phẩm, nhưng do chúng tôi chưa cập nhật đầy đủ nên hàng hóa bị ách tắc tại biên giới”, một doanh nghiệp tại hội thảo nêu trên cho biết và gợi ý khi giao thương, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật quy định mới được phía Trung Quốc đưa ra.
Trong khi đó, việc chậm đàm phán mở cửa thị trường để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc cũng là lý do dẫn đến chuyện nông, lâm, thủy sản của Việt Nam rơi vào cảnh “không được phép thông quan” khi ra tới biên giới. Về điều này, khi trao đổi với TBKTSG mới đây, TS. Lương Ngọc Trung Lập, chuyên gia nghiên cứu độc lập về thị trường nông sản, nhận định tiến độ đàm phán mở cửa thị trường Trung Quốc, nhất là với trái cây, khá chậm chạp.
Theo ông Trần Văn Công, cho đến nay cơ quan thẩm quyền của Trung Quốc chỉ mới cấp phép xuất khẩu chính ngạch cho 9 loại trái cây của Việt Nam, gồm thanh long, chôm chôm, dưa hấu, xoài, vải, nhãn, chuối, mít và măng cụt. Trong khi đó, các loại sản phẩm có tiềm năng khác như sầu riêng, bơ, thậm chí là khoai lang tím được Trung Quốc rất ưa chuộng, nhưng vẫn chưa được xuất chính ngạch vào thị trường này.
“Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường, trong đó, ưu tiên sầu riêng, khoai lang tím”, ông Công cho biết và nói rằng, các sản phẩm khác như chanh leo, dừa… mới ở giai đoạn gửi hồ sơ hoặc đang xây dựng hồ sơ.
Rõ ràng, việc chậm trễ trong đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch cho nhiều loại sản phẩm nông, lâm, thủy sản cũng là lý do chủ quan gây khó khăn trong việc mở rộng xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận