24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Anh Dũng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

HueWaco và cảnh báo căn bệnh độc quyền!

Rõ ràng HueWaco biết là hệ thống kỹ thuật của nhà máy nước cũ nát, thậm chí là mục rữa từ lâu nhưng không xử lý; cùng với đó là nguồn nước không bảo đảm để dẫn đến hậu quả bắt “thượng đế” của mình phải gánh chịu.

Sự kiện Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên - Huế (HueWaco) cung cấp nước bẩn thay nước sạch cho khoảng 8.500 hộ khách hàng với gần 50 ngàn người trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô khiến nhiều người quan tâm, và đáng quan tâm hơn, đó là cách hành xử theo lối “cửa trên” khi xảy ra sự việc khiến cho những lo ngại về sự độc quyền đang có cơ hội trỗi dậy tại doanh nghiệp này.

HueWaco và cảnh báo căn bệnh độc quyền!
Những chiếc ống cắm xuống sông Thừa Lưu để hút lấy nước, xử lý, sau đó HueWaco cung cấp cho người dân Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô dùng. (Ảnh: Đình Toàn)

Nói là “có cơ hội trỗi dậy” là bởi HueWaco vốn là doanh nghiệp có tiếng cầu tiến và đạt được không ít thành tích đáng khích lệ trong mấy năm gần đây, đặc biệt là từ khi được cổ phần hóa vào đầu năm 2017.

Theo những người trong cuộc kể lại, khi đó, HueWaco đã tái cơ cấu tinh gọn bộ máy, giảm 49 cán bộ công nhân viên, trong đó, sáp nhập 8 phòng ban, giảm 27 cán bộ gián tiếp, 22 cán bộ công nhân viên nghỉ việc theo chế độ khi cổ phần hóa. Đồng thời, áp dụng chế độ giao việc và báo cáo công việc theo ngày, tuần và trả lương theo hiệu quả công việc. Với phương châm cán bộ công nhân viên kiêm nhiệm nhiều vị trí “giỏi một việc, biết nhiều việc” thông qua việc đẩy mạnh công tác đào tạo, vì vậy, tuy số lao động giảm nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả công việc, năng suất lao động nâng cao, chỉ tiêu số nhân viên/1.000 đấu nối hiện nay của HueWaco là 1,73 (bình quân cả nước là 7,6). Nhờ vậy, tiết kiệm chi phí tiền lương 7,05 tỷ đồng/năm.

Sau cổ phần hóa tại HueWaco, sản lượng tăng 8,69 triệu m3 (19,02%); tổng doanh thu tăng 141,71 tỷ đồng (31,9%), đặc biệt nộp ngân sách tương ứng với cổ tức của phần vốn Nhà nước tại công ty cổ phần tăng 115 tỷ đồng, gấp 4,1 lần so với năm 2016; lợi nhuận tăng từ 20,71 tỷ đồng lên 95,38 tỷ đồng/năm (tăng 4,6 lần).

HueWaco đã có hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đặc biệt, đã nghiên cứu, tham dự thi và nhận được nhiều giải thưởng danh giá trong các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật, giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ, trong đó đạt 13 giải thưởng Trung ương và 25 giải cao của tỉnh. Riêng trong 4 năm (2017 - 2020), HueWaco đã nghiên cứu thành công 10 đề tài có giá trị thực tiễn cao, làm lợi hàng trăm tỷ đồng.

Mới đây, HueWaco đã được vinh danh tại Chương trình “Thương hiệu tiêu biểu châu Á - Thái Bình Dương” và được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Giải Vàng - Giải thưởng chất lượng Quốc gia năm 2020…

Lược qua những con số và sự kiện trên đây để có cái nhìn công bằng và trân trọng những gì mà HueWaco đã làm được, đồng thời cũng cảnh báo một căn bệnh khá phổ biến của nhiều doanh nghiệp có lợi thế “độc quyền tự nhiên” ở nước ta hiện nay, trong đó có các công ty cấp nước tại những thành phố và các khu đô thị lớn, mà sự việc xảy ra tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đang khiến nhiều người lo ngại.

Ta hãy thử phân tích những diễn biến của sự kiện này.

Đầu tiên, đó là việc biết hệ thống kỹ thuật và nguồn nước có vấn đề về chất lượng nhưng không kiên quyết xử lý. Tại cuộc gặp gỡ đại diện người dân và các cơ quan chức năng, người lãnh đạo cao nhất của công ty cho biết, nhiều hạng mục kỹ thuật của nhà máy bị xuống cấp từ lâu, mà một trong đó là bể lọc số 2. Cụ thể là bể lọc đã mục rữa phía đáy bể lọc ở độ sâu 2m, gây mất liên kết với phần đan lọc inox. Phần bông cặn chưa được lọc đã đi xuyên qua chỗ hỏng vào bể chứa và nhân viên không phát hiện được dẫn đến xảy ra “sự cố nước đục”.

HueWaco và cảnh báo căn bệnh độc quyền!

Cùng với đó, liên quan đến việc lấy nước sông Thừa Lưu tại vị trí hạ nguồn, công ty thừa nhận đây là dòng sông chảy qua ruộng đồng, tù đọng và thấy cả việc người dân vứt rác thải sinh hoạt xuống sông rất phản cảm, nhưng trước tình trạng thiếu hụt nguồn nước công ty “buộc” phải lấy nguồn nước tại hạ lưu dòng sông này.

Đó vốn không phải cách tư duy của một doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng.

Tiếp theo, khi xảy ra sự cố nước sạch thành nước bẩn, bị khách hàng khiếu kiện thì tại HueWaco xuất hiện cách hành xử theo lối “cửa trên”, thiếu tôn trọng với những đối tượng rất đáng được tôn trọng. Theo người dân cho hay, đó là gọi điện thoại để mời họp. Cách mời họp này chỉ nên dùng trong nội bộ của một tổ chức, mà trong một tổ chức cũng chỉ có thể dùng cho cấp trên đối với cấp dưới. Nếu như trước cổ phần hóa, vốn là một doanh nghiệp nhà nước cấp tỉnh, có sự độc quyền tuyệt đối về cả hệ thống hành chính và kinh doanh thì còn có thể hiểu được. Nay đã cổ phần hóa, nếu như HueWaco vẫn tồn tại cách ứng xử với khách hàng như vậy, thật khó chấp nhận.

Tiếp nữa, sự việc đã chứng minh rằng, HueWaco đang tồn tại hành vi “kinh doanh ban ơn”. Sau khi nhận thấy sự thiệt hại rõ ràng về phía khách hàng, công ty có xin lỗi và có mong muốn bù đắp những thiệt hại đó, nhưng lại không đủ dũng cảm và đủ thật lòng để thực hiện những điều chính mình đã cam kết trong hợp đồng cũng như theo quy định của pháp luật. Đáng lẽ nên dùng từ “tự phạt” thì lại dùng từ “hỗ trợ” trong cuộc họp mà công ty đã tổ chức để xử lý sự cố nên không được mọi người chấp nhận. Thật khó khăn để chối bỏ một câu hỏi của người dân như thế này: “Người dân chúng tôi nộp tiền nước trễ 2 - 3 ngày, các anh đã cắt nước và phạt tiền chúng tôi. Bây giờ các anh cung cấp cho chúng tôi nước bẩn thì các anh cũng phải bị xử phạt. Đấy là luật chơi do các anh đặt ra kia mà?”.

Thật ra khi xảy ra câu chuyện trên đây, HueWaco hoàn toàn có thể đàm phán với người dân một cách thiện chí để tìm phương cách tháo gỡ và khắc phục hậu quả với trách nhiệm cao. Tuy nhiên, không phải là với cách hành xử của những hành vi kinh doanh độc quyền.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả