'Hù' tiền mất giá để... bán đất
Để dụ khách hàng đổ tiền vào bất động sản (BĐS), đầu tư đất nền, chốt nhanh đất đai tại dự án... không ít doanh nghiệp kinh doanh BĐS và giới cò đất hiện đánh vào nỗi lo lạm phát, "hù" đồng tiền mất giá.
Trong khi đó, phân tích từ tình hình thực tế, các chuyên gia cho rằng lạm phát tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Do đó người dân cần cẩn trọng trong các lựa chọn đầu tư, nhất là vào lĩnh vực đất đai, tránh sập bẫy thổi giá, ôm nợ khi thị trường lặng sóng.
Đánh vào tâm lý lo trượt giá
Vào các ngày cuối tuần, ông Trần Minh Tuấn (ngụ quận 7, TP.HCM) thường xuyên nhận được nhiều cuộc gọi của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS mời đi xem đất dự án tại các tỉnh xung quanh TP.HCM, thậm chí mời xem dự án tận Bình Thuận.
Theo ông Tuấn, bên cạnh "chiêu" cũ là điểm danh các dự án hạ tầng giao thông, sân bay sắp triển khai hoặc đang hoàn thiện sẽ nâng giá đất đai, các nhân viên môi giới BĐS đều thông tin giá cả đang ngày một leo thang, giá xăng dầu tăng cao sẽ khiến chỉ số lạm phát tăng mạnh, đồng tiền mất giá trong khi đầu tư BĐS sẽ sinh lời lớn, không lo rớt giá, thậm chí còn lãi lớn nếu đầu tư sớm, đúng thời điểm", ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, các nhân viên môi giới còn cho rằng để tiền trong ngân hàng sẽ có tỉ suất lợi nhuận thấp, thậm chí không bù nổi trượt giá khi thực tế đã thấy giá xăng dầu tăng cao, hàng hóa bắt đầu tăng giá.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thảo (môi giới BĐS) thường xuyên chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội để kéo khách đi xem đất tại Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước... Tất nhiên, ngoài những "lời đường mật" phổ biến, không thể thiếu cách thủ thỉ việc gửi ngân hàng chỉ có lãi suất trên dưới 6%/năm, trong khi "lướt sóng" BĐS có thể "ngon ăn" khi lãi đến 20-30%, thậm chí mức cao hơn. Với cách tư vấn này, bà Thảo cho hay nhiều khách hàng đã nhanh chóng đặt cọc, mua đất với niềm tin giá đất sẽ tăng mạnh, bù lại trượt giá đồng tiền.
Tương tự, ông K. (giám đốc một sàn giao dịch BĐS tại TP.HCM) cho biết doanh nghiệp này hiện phát triển dự án ở các tỉnh Nam Trung Bộ, để thu hút khách mua các sản phẩm của dự án, một trong những nguyên tắc tư vấn của doanh nghiệp đó là tư vấn cho khách hàng kênh đầu tư dòng tiền hiệu quả. Trong bối cảnh áp lực lạm phát, ông K. cho hay các nhân viên sẽ xoáy sâu vào nỗi lo này trong khi giá hàng hóa đã tăng trên thực tế, khiến khách hàng quyết định nhanh hơn khi đổ tiền tỉ vào dự án.
Coi chừng phá sản trên đất!
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM - cho biết trong những năm qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giữ ổn định dưới 4%. Song những tác động tiêu cực bởi tình hình giá xăng dầu khiến không ít người lo lắng lạm phát sẽ tăng.
Từ đó, những cò đất, đầu nậu và các "doanh nghiệp bất lương" đã lợi dụng tâm lý này để đẩy giá, thổi giá đất đai. "Hệ quả là những nhà đầu tư thứ cấp non tay sẽ lãnh đủ hệ lụy, thậm chí thiệt hại tài sản, chôn vốn ở các dự án hoặc ôm một cục nợ nếu chạy theo những lời đồn thổi này", ông Châu nói.
Theo ông Châu, trong cơn đồn thổi hiện nay, nếu người dân đầu tư sai, "ôm" vào lô đất mà sau này không trở thành đất xây dựng nhà ở, đất đô thị mà chuyển sang đất cho các lợi ích công cộng thì giá trị thu hồi sẽ thấp. Trong trường hợp người dân vay mượn, kể cả vay nóng bên ngoài sẽ đối mặt nhiều rủi ro hơn. Thậm chí, có những trường hợp đi vay tiền bên ngoài xã hội với lãi suất "cắt cổ" sẽ rất nguy hiểm bởi khả năng "lướt sóng" để hưởng chênh lệch giá ngay lập tức không dễ.
"Nếu không am hiểu, trở thành người đầu tư cuối cùng và khi thị trường lắng xuống, người dân sẽ vừa ôm đất, vừa ôm cục nợ nên cần phải hết sức cảnh giác. Người dân không nên lao vào các đợt sốt đất ở các địa phương bởi các đầu nậu đã đi thâu tóm đất đai, nếu bây giờ người dân nhảy vào các vùng này sẽ sập bẫy", ông Châu cảnh báo.
Trong khi đó, TS Sử Ngọc Khương - giám đốc cấp cao Savills Việt Nam - cảnh báo người dân, nhà đầu tư BĐS cần cẩn trọng, tránh rơi vào tình trạng phải bán tháo tài sản hoặc "chết trên đống tài sản". Ông Khương cảnh báo nếu mua BĐS để xem như một kênh giữ tiền thời điểm này, người dân không nên vay bởi nếu giá cả tăng cao nhưng không bán được, tính thanh khoản không có, ngay cả cho thuê cũng khó khăn... sẽ dẫn đến gánh nặng cho nhà đầu tư.
"Trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, việc cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng các đòn bẩy tài chính để đầu tư BĐS là đặc biệt quan trọng, tránh lặp lại tình trạng "chết trên đống tài sản" đã từng xảy ra", ông Khương nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận