menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thành Vương.

HSBC: Việt Nam không thể “ngủ quên trên chiến thắng”

HSBC cho rằng với tăng trưởng GDP cả năm đạt hơn 8,0% trong năm 2022, Việt Nam đã sẵn sàng trở thành một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á một lần nữa. Mặc dù vậy, ngân hàng này cho rằng Việt Nam không thể “ngủ quên trên chiến thắng” khi những khó khăn trong thương mại đang bủa vây nền kinh tế.

"Chúng tôi kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải 5,8% trong năm 2023 do sự suy yếu của lĩnh vực bên ngoài và hiệu ứng mở cửa trở lại dần phai nhạt”, báo cáo Vietnam At A Glance của HSBC vừa công bố ngày 5/1 nhận định.

hsbc viet nam khong the ngu quen tren chien thang

Kết quả này một lần nữa sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng thuộc hàng “top” ở châu Á.

Thật vậy, Việt Nam rõ ràng đã hưởng lợi nhờ mở cửa trở lại hoàn toàn từ giữa tháng Ba. Các ngành dịch vụ hướng đến người tiêu dùng và liên quan đến du lịch bao gồm bán lẻ, ăn uống, lữ hành và lưu trú đã bùng nổ đáng kể và thúc đẩy tăng trưởng.

Vẫn có nhiều lý do để lạc quan cho 2023. Một trong số đó là ngành du lịch của Việt Nam còn nhiều cơ hội để tiếp tục phục hồi. Cụ thể, Trung Quốc mở cửa trở lại từ 8/1 và nhiều khả năng sẽ mang lại cú hích cần thiết.

Thêm nữa, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn FDI, phần nào bù đắp cho những khó khăn trong thương mại hiện tại. Không chỉ những "ông lớn" trong ngành công nghệ truyền thống như Samsung và LG tiếp tục kế hoạch mở rộng mà cả những nhà đầu tư mới như Apple cũng đã thêm dây chuyền sản xuất ở Việt Nam trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, bất chấp một năm 2022 tươi đẹp, 2023 sẽ là một năm thách thức. Rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng là những khó khăn trong thương mại đang gia tăng. Động lực bên ngoài của Việt Nam đã giảm tốc mạnh trong vài tháng qua và triển vọng không chắc chắn trong năm mới khi tăng trưởng của các đối tác thương mại lớn được dự báo sẽ chậm lại.

“Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng sẽ chậm lại ở mức 5,8% và lạm phát bình quân tăng lên 4% trong năm 2023”, báo cáo HSBC dự báo.

Báo cáo cũng khuyến nghị Việt Nam không nên "ngủ quên trên chiến thắng" vì ẩn dưới con số tăng trưởng đẹp đẽ này là những rủi ro tiềm ẩn đối với tăng trưởng của năm 2023.

Tương tự quý III/2022, nhu cầu trong nước phục hồi ổn định thúc đẩy phát triển dịch vụ mạnh mẽ trong quý IV. Doanh thu bán lẻ tiếp tục đà tăng trưởng trong quý IV, tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ thị trường lao động được cải thiện, tiêu dùng cá nhân của Việt Nam đã lấy lại tốc độ như thời trước đại dịch là khoảng 7%.

Mặc dù vậy, những dấu hiệu ban đầu đang cho thấy những yếu tố thuận lợi trong nước đang giảm dần. Tổng mức bán lẻ đã đạt đỉnh và đà tăng trưởng của tháng 12/2022 cho thấy sự giảm nhẹ. Một phần nguyên nhân dẫn tới sự suy yếu này là do tốc độ phục hồi chậm của ngành du lịch.

hsbc viet nam khong the ngu quen tren chien thang

Sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam đã và đang chậm so với các nước khác trong khu vực. Trong năm 2022, Việt Nam đón khoảng 3,6 triệu lượt khách, đạt 70% chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Tuy nhiên, mức này chỉ bằng 20% so với năm 2019, thấp hơn mức 28% của Singapore (5 triệu lượt khách trong tháng 11) và mức 25% của Thái Lan (hơn 11 triệu lượt khách).

Mặc dù không quá phụ thuộc vào du lịch như Thái Lan, Việt Nam không thể xem nhẹ tầm quan trọng của ngành này đối với thị trường việc làm trong nước. Khoảng 25% lực lượng lao động làm việc trong các ngành liên quan đến ăn uống và lưu trú và đặc biệt, thị trường việc làm phi chính thức của Việt Nam còn chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ du lịch.

hsbc viet nam khong the ngu quen tren chien thang

Mới đây, Trung Quốc thông báo mở cửa trở lại kể từ ngày 8/1, đây có thể là cú hích cần thiết cho du lịch Việt Nam. Cũng giống như Thái Lan, nguồn khách du lịch lớn nhất của Việt Nam chủ yếu đến từ Trung Quốc đại lục với tỷ trọng là 30%.

Một trong những rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng chính là những khó khăn trong thương mại. Sản lượng sản xuất quý IV/2022 vừa qua chỉ tăng có 3% so với cùng kỳ năm trước là hình ảnh phản chiếu của lĩnh vực bên ngoài đang yếu đi bởi Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi nhu cầu dao động của các nước phương Tây.

Xuất khẩu sụt giảm 14% trong tháng 12/2022 so với cùng kỳ năm trước, sự suy yếu diễn ra trên diện rộng ở các ngành hàng chính, đặc biệt là điện tử. Trong khi đó, nhập khẩu cũng giảm mạnh 8,1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là ở nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến công nghệ.

Điều này có thể được hiểu là Việt Nam đang ở thế “đứng mũi chịu sào” bị ảnh hưởng từ chu kỳ công nghệ toàn cầu đang “hạ nhiệt” với bản chất hoạt động sản xuất hàng điện tử đòi hỏi nhập khẩu nhiều. Thật vậy, triển vọng sản xuất của Việt Nam đang bắt đầu nhìn thấy thách thức với bằng chứng là chỉ số sản xuất (PMI) mới nhất tiếp tục lao dốc xuống 46,4 điểm trong tháng 12, mức thấp nhất trong vòng 1,5 năm qua.

hsbc viet nam khong the ngu quen tren chien thang

Trong khi thặng dư thương mại cải thiện trong quý IV/2022, lợi thế về cán cân thương mại nói chung của Việt Nam lại một lần nữa thu hẹp do tình hình xuất khẩu chậm lại và nhập khẩu năng lượng tăng cao trong nửa đầu năm 2022.

hsbc viet nam khong the ngu quen tren chien thang

Việt Nam nhiều khả năng sẽ chứng kiến thâm hụt nhẹ tài khoản vãng lai năm thứ hai liên tiếp (khả năng rơi vào khoảng 1,4% GDP), ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi đồng VND. Thật vậy, đồng VND đã chịu áp lực giảm giá lớn trước đồng USD mạnh, khiến tài khoản vãng lai suy yếu và làm suy giảm lợi thế về chênh lệch lợi suất. Để bảo vệ đồng nội tệ, các nhà chức trách đã bán bớt ngoại tệ dự trữ, dự trữ ngoại tệ vốn đã giảm mạnh 20% tính tới quý III/2022 so với thời điểm đạt đỉnh vào cuối năm 2021.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh tỷ giá đồng USD gần đây cùng với thanh khoản USD được cải thiện đã giúp đồng VND bớt áp lực hơn một chút. Mặc dù vậy, việc tăng giá đồng VND nhiều khả năng sẽ là một quá trình từ từ từng bước một.

Về lạm phát, trong khi lạm phát bình quân cả năm 2022 tương đối thấp ở mức 3,2%, Việt Nam tiếp tục chứng kiến áp lực lạm phát mạnh lên. Tháng 12 là tháng thứ ba liên tiếp lạm phát vượt mức trần 4%.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
6 Yêu thích
2 Bình luận 3 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại