HSBC Việt Nam dự báo tiếp tục sụt giảm lợi nhuận do Covid-19
Là đơn vị đầu tiên trong số 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam công bố báo cáo tài chính năm 2019, HSBC Việt Nam ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm gần 4%. Trong xu hướng dịch bệnh leo thang, tăng trưởng trong năm 2020 của ngân hàng này dự báo sẽ chậm lại.
HSBC công bố báo cáo tài chính tóm tắt cho năm tài chính kết thúc ngày 31-12-2019 đã được kiểm toán với lợi nhuận trước thuế và sau thuế đạt 2.981 tỉ đồng và 2.375 tỉ đồng, giảm 3,7% so với 1 năm trước đó.
Trong các năm trước đó, HSBC Việt Nam đã ghi nhận các mức tăng trưởng cao trong lợi nhuận sau thuế, như mức tăng trưởng gần 39% trong năm 2018 hay gần 24% trong năm 2017.
Nhìn sâu hơn vào cơ cấu doanh thu của ngân hàng này, thu nhập từ lãi thuần tăng 6.7% lên 3.707 tỉ đồng trong năm 2019, cùng với đó là thu nhập từ hoạt động dịch vụ và hoạt động từ kinh doanh ngoại hối lần lượt tăng gần 7% và 1% so với năm 2018. Trong khi ngân hàng này không ghi nhận khoản lãi nào từ mua bán chứng khoán đầu tư trong năm 2019 (năm 2018 là 184 tỉ đồng), lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 112% và lãi thuần từ các hoạt động khác tăng 107%.
Ông Tim Evans, Tổng giám đốc của Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho biết do danh mục đầu tư chứng khoán năm 2019 của ngân hàng này đã đáo hạn nên không có khoản lãi hay lỗ nào phát sinh trong năm.
Cùng với đó là chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong năm 2019 tăng lần lượt gần 12% và 90%, lợi nhuận của HSBC Việt Nam trong năm ngoái như vậy đã bị ảnh hưởng với mức giảm sau nhiều năm tăng trưởng.
“Tổng chi phí hoạt động là 2.264 tỉ đồng, tương đương 242 tỉ đồng hay 12% tăng hơn so với năm ngoái. Khoản chi phí tăng thêm này đến từ khoản đầu tư vào công nghệ, con người, quy trình, sản phẩm và dịch vụ khi chúng tôi tìm cách tăng cường hơn nữa hiện diện của HSBC tại Việt Nam và chủ động đầu tư cho sự phát triển của thị trường trong tương lai” ông Tim Evans lý giải.
Đánh giá về kết quả kinh doanh của HSBC Việt Nam so với các ngân hàng con khác trong khu vực, vị tổng giám đốc này cho biết HSBC hiện đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam với các mức tăng trưởng đáng kể trong 3 năm vừa qua. Với các cơ hội trong tương lai, ngân hàng này sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ, quy trình và sản phẩm sáng tạo để duy trì vị thế là ngân hàng quốc tế hàng đầu hoạt động trên thị trường.
Ngoài ra, xem xét tới các tác động của dịch bệnh, ngân hàng này cho rằng đầu tư vào một nền tảng kỹ thuật số tốt nhất chính là yếu tố cần để hỗ trợ khách hàng giao dịch và duy trì hoạt động thuận lợi nhất trong mùa dịch
“Việt Nam tiếp tục là một thị trường quan trọng đối với Tập đoàn HSBC và việc chúng tôi tiếp tục đầu tư vào thị trường này là một phần của chiến lược rộng lớn hơn đối với chiến lược châu Á và ASEAN mà chúng tôi đang theo đuổi ở cấp độ Tập đoàn.”
Trong năm 2019, ngân hàng này ghi nhận biến động lao động nhẹ, giảm từ 1.438 người trong năm 2018 xuống 1.408 người năm 2019. Tiền lương bình quân của một cán bộ, nhân viên tăng từ 439 triệu đồng/người/năm lên 494 triệu/người/năm. Thu nhập bình quân cũng cải thiện từ 604 triệu đồng/người/năm lên 652 triệu đồng/người/năm.
Vốn chủ sở hữu của HSBC Việt Nam tăng từ 12.143 tỉ đồng năm 2018 lên 12.878 tỉ đồng năm 2019, mức tăng 6%. Tổng tài sản của ngân hàng này trong năm 2019 tăng 24% so với năm trước, lên 125.167 tỉ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn của HSBC Việt Nam đạt 14%, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 0,34% so với năm 2018.
Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của HSBC Việt Nam đạt 1,89 và 18,44. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính tới quí 3, 2019, toàn hệ thống ngân hàng ghi nhận mức ROA đạt 0.82 và ROE đạt 10.37. Trong đó khối ngân hàng liên doanh và nước ngoài ghi nhận mức ROA đạt 0.96 và ROE đạt 6,51. Khối ngân hàng thương mại nhà nước và cổ phần ghi nhận lần lượt ROA ở mức 0,72 và 0,79 và ROE 13,46 và 10,29.
Đối với triển vọng tăng trưởng của HSBC trong năm 2020, tính tới các tác động của dịch Covid-19, ông Tim Evans cho biết tốc độ tăng trưởng của ngân hàng này có thể giảm so với các kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên chiến lược của ngân hàng này vẫn sẽ được giữ nguyên thông qua việc tiếp tục thực hiện các kế hoạch kinh doanh dựa trên những nỗ lực liên tục để cải thiện trải nghiệm của khách hàng. Điều này được triển khai thông qua quy trình được đơn giản hóa, tận dụng ưu thế để tăng cường tài trợ và tập trung vào cho vay rủi ro thấp trong ngắn hạn.
Tác động của Covid-19 trong quí 2 đối với nền kinh tế Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp sẽ rất đáng kể. Rõ ràng với các điều kiện vĩ mô bất lợi, tác động đến các doanh nghiệp và cá nhân mà chúng tôi hỗ trợ, ngành ngân hàng sẽ không tránh khỏi những thách thức và điều này cũng sẽ xảy ra với HSBC Việt Nam. Không cần phải bàn cãi trong ngắn hạn, điều này sẽ có tác động đến kết quả tài chính của các ngân hàng nhưng trọng tâm của chúng tôi không tập trung nhiều vào kết quả mà là quá trình chúng tôi tiếp tục vận hành một ngân hàng dịch vụ xuyên suốt và hỗ trợ khách hàng của mình trong giai đoạn khó khăn này.
Dẫu sẽ có một giai đoạn thách thức khi tăng trưởng GDP chậm lại, nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn có thể tiếp tục duy trì mạnh mẽ trong trung hạn trên kịch bản cơ sở. Do đó, chúng tôi trông chờ vào sự phục hồi sau khi đại dịch được ngăn chặn hiệu quả. Chúng tôi ý thức được về ảnh hưởng tới lợi nhuận, nhưng hiện tại, trọng tâm chính của đội ngũ quản lý tại HSBC Việt Nam là: sự an toàn và bảo mật của khách hàng và nhân viên, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bằng các biện pháp hỗ trợ có thể và tiếp tục nâng cao trải nghiệm khách hàng và số hóa để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận