HoSE nghẽn lệnh liên tục: Cần nhận trách nhiệm, đứng ra xin lỗi nhà đầu tư
Sự cố nghẽn lệnh tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) có dấu hiệu trầm trọng hơn trong tháng 6 này. Nhiều nhà đầu tư bức xúc, thậm chí nghi ngờ năng lực quản lý của HoSE, đề nghị lãnh đạo từ chức.
Nhà đầu tư chứng khoán phẫn nộ
Bức xúc vì bị thiệt hại do sàn giao dịch tắc nghẽn trong thời gian dài, ngày 9/6, nhiều nhà đầu tư đồng loạt đánh giá "1 sao" cho Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) trên Google. Lãnh đạo sàn bị tố bao biện, trốn tránh trách nhiệm.
Cơn bức xúc này xuất phát từ tình trạng tắc nghẽn liên tục diễn ra trên sàn HoSE, bảng giao dịch "treo cứng" trong thời gian dài khiến nhà đầu tư như bị "bịt mắt" khi giao dịch nên nhiều người ví việc đầu tư chứng khoán như đánh bạc. Để "giải cứu" sàn HoSE, các công ty chứng khoán còn không cho khách hàng của mình sửa/hủy lệnh giao dịch, khiến gia tăng rủi ro đầu tư.
Tình trạng “giao dịch mù” càng khiến cho nhà đầu tư hoảng loạn hơn, thậm chí, thị trường còn ghi nhận nhiều trường hợp phải sử dụng lệnh MP (bán ra bằng mọi giá) làm điểm số giảm sâu hơn, từ đó, gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Đến khi bảng điện hiện thị, cổ phiếu hồi phục thì ngậm ngùi khớp giá sàn vì không thể hủy/sửa lệnh. Theo những nhà đầu tư có kinh nghiệm, điều này tiềm ẩn rủi ro cực lớn, bởi khi thị trường xuống nhà đầu tư sẽ bán bằng mọi giá khi không thể hủy, sửa lệnh.
Tình trạng nghẽn lệnh kéo dài hơn nửa năm nay, đặc biệt, từ đầu tháng 6 đến nay, tình trạng hệ thống HoSE liên tục gặp trục trặc. Dù vậy, đến nay, lãnh đạo sàn HoSE chưa có một lời xin lỗi chính thức khiến hàng loạt nhà đầu tư bày tỏ phẫn nộ, không phục năng lực của những người lãnh đạo sàn HoSE và đề nghị từ chức.
“Đề nghị ông Lê Hải Trà chịu trách nghiệm, kiểm điểm lại bản thân, từ chức vì sự quản lý yếu kém, bảo thủ và lỗi thời. Đề nghị sàn HoSE ngưng ngay hoạt động sàn đến khi sửa xong lỗi tắc nghẽn như sàn UPCoM và HNX. Mỗi giao dịch đều thu phí thì không thể có cái chất lượng kém và thao túng như vậy được”, một người nhà đầu tư bình luận.
“Yêu cầu người đứng đầu sàn Hose nên từ chức. Một thị trường chứng khoán như thế này không những thiệt hại cho nhà đầu tư trong nước mà nước ngoài nhìn vào thì sẽ như thế nào?", một nhà đầu tư khác phẫn nộ.
Trên một kênh khác là Wikipedia, nội dung giới thiệu về HoSE cũng có sự thay đổi theo thời gian. Trước đó, HoSE được mô tả là “sàn chứng khoán có chất lượng dịch vụ thuộc hàng thấp kém nhất thế giới và ban lãnh đạo yếu kém, không có tầm nhìn. HoSE nổi tiếng với việc bị cộng đồng nhà đầu tư đồng loạt đánh giá 1 sao trên Google sau khi không cho hủy/sửa lệnh”.
Tuy nhiên, tính đến chiều 9/6, nhiều công ty chứng khoán đã cho khôi phục tính năng sửa/hủy lệnh giao dịch sau khi bị nhà đầu tư phản ứng gay gắt vì đã vi phạm Quy chế giao dịch chứng khoán, gây thiệt hại lớn cho túi tiền của nhà đầu tư.
Đến sáng nay (10/6), toàn bộ đánh giá và bình luận của người dùng trên Google đã biến mất. Bảng đánh giá cũng thay đổi với xếp hạng trung bình 4,3 sao, nhưng chỉ còn 37 đánh giá. Nội dung trên Wikipedia cũng đã được thay đổi.
Không ai nhận trách nhiệm
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VOV, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, sự cố nghẽn lệnh chính là kết quả của sự yếu kém về năng lực quản trị của HoSE.
“Thị trường chứng khoán bị tổn thương suốt thời gian qua vì tình trạng nghẽn lệnh xảy ra hàng ngày; điều này bắt nguồn từ năng lực quản trị, điều hành của ban lãnh đạo HoSE”, ông Hải chỉ rõ.
Sự cố hệ thống giao dịch không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà có ở nhiều nước trên thế giới. Như cuối năm 2020, Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo phải dừng hoạt động. Ngay lập tức, ông Koichiro Miyahara (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc) nhận trách nhiệm, xin lỗi, sau đó từ chức. Tại Việt Nam, nhiều nhà đầu tư cho hay, muốn nghe lời xin lỗi chính thức vì thiệt hại thật nhưng có vẻ không ai thấy có lỗi.
“Những sự cố kéo dài suốt thời gian qua chủ yếu là do con người. Tuy nhiên, từ hồi đó tới giờ, chưa thấy ai đứng ra xin lỗi hay nhận trách nhiệm”, Chủ tịch VAFI cho hay.
Theo ông Hải, những sự cố xảy ra trên HoSE không những gây ra thiệt hại cho quyền lợi của Sở giao dịch, cho Nhà nước, cho nhà đầu tư mà nó còn ảnh hưởng đến danh tiếng của thị trường chứng khoán Việt Nam, ảnh hưởng đến vấn đề huy động vốn đầu tư các nhà đầu tư nước ngoài.
“Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh không phải chỉ có vấn đề nghẽn lệnh mà còn nhiều tồn tại khác như cho cổ phiếu rác tồn tại suốt 6 năm trời nhưng không xử lý. Hi vọng Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo HoSE, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lãnh đạo ngành phụ trách lĩnh vực chứng khoán nhận trách nhiệm, đứng ra xin lỗi và kiểm điểm nghiêm túc việc này”, ông Nguyễn Hoàng Hải kiến nghị.
Trước đó, vào phiên giao dịch chiều 1/6, HoSE đã phải đóng cửa giao dịch vì quá tải, báo động hệ thống. Hiện tượng quá tải hệ thống giao dịch trên HoSE đã xảy ra từ cuối năm 2020. Trong những phiên gần đây, lượng lệnh và thanh khoản của thị trường đã tăng rất mạnh. Chỉ trong tháng 5, tính bình quân phiên, giá trị giao dịch trên HoSE đã đạt mức khoảng 22.100 tỷ đồng/phiên, gây ra tình trạng tắc, nghẽn.
Tại buổi làm việc với các đơn vị khối thị trường tài chính thuộc Bộ vào ngày 2/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc quán triệt, hiện tượng nghẽn lệnh vừa qua phải được đặc biệt quan tâm, "phải khắc phục, phải làm hết sức quyết liệt và dùng biện pháp mạnh", bởi vì, "ách tắc là thiệt hại".
Về hệ thống mới, đại diện HoSE cho biết, đang tích cực phối hợp với FPT để có thể bàn giao hệ thống cho HoSE vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới. Sau đó, HoSE sẽ có báo cáo các cấp có thẩm quyền để sớm đưa hệ thống này vào vận hành. Tuy nhiên, cách giải thích và thông tin này không thể làm nguội được cái đầu nóng của các nhà đầu tư. Hàng loạt các nhà đầu tư đề nghị ông Lê Hải Trà từ chức do để tình trạng này diễn ra quá lâu, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam, gián tiếp gây thiệt hại cho nền kinh tế./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận