HoREA vạch 'chiêu' cam kết lợi nhận khủng Condotel của các chủ đầu tư
Theo HoREA, các chủ đầu tư dự án Condotel ngoài đưa ra cam kết cho khách hàng được cấp “Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ Condotel và quyền sử dụng đất ổn định lâu dài (không hình thành đơn vị ở)” trái với quy định của Luật đất đai, thì “miếng mồi" chính là việc các chủ đầu tư cam kết trả lợi nhuận rất cao, phổ biến từ 8-12%/năm, cá biệt lên đến 15%/năm.
"Chiêu" cam kết lợi nhuận khủng Condotel từ các chủ đầu tư
Tại văn bản gửi Thủ tướng và các Bộ ngành mới đây, ngoài những kiến nghị sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý để phát triển bền vững thị trường căn hộ du lịch (Condotel) và bảo đảm lợi ích hợp pháp của khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, bên cạnh cam kết đảm bảo cho khách hàng mua Condotel sẽ được cấp “Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ condotel và quyền sử dụng đất ổn định lâu dài (không hình thành đơn vị ở)” trái với quy định của Luật Đất đai, thì “chiêu” và cũng là “miếng mồi” được các chủ đầu tư đưa ra chính là cam kết trả lợi nhuận rất cao, phổ biến từ 8-12%/năm, cá biệt lên đến 15%/năm, trong 08-12 năm.
Theo HoREA, "miếng mồi" các chủ đầu tư Condotel đưa ra chính là cam kết trả lợi nhuận rất cao, từ 8%-12% một năm, cá biệt lên đến 15% một năm, trong 8-12 năm.
Theo HoREA, vào tháng 8/2019, dự án Condotel Bavico Nha Trang “vỡ trận”, không thực hiện được cam kết trả lợi nhuận 15%/năm và mới đây là dự án Condotel ở Đà Nẵng được xem là một “cú sốc” nặng và cũng gây thiệt hại rất lớn trực tiếp đối với các khách hàng tại hai dự án Condotel trên, đồng thời cũng là “hồi chuông cảnh báo” đối với các chủ đầu tư, khách hàng tại các dự án Condotel khác.
HoREA cũng đã "lật tẩy" 5 nguyên nhân dẫn đến việc hầu hết chủ đầu tư condotel đều đưa ra mức cam kết lợi nhuận rất cao khi chào bán loại hình bất động sản này:
Thứ nhất, cách làm này giúp chủ đầu tư dự án condotel đạt tiêu chí 3 nhanh: bán nhanh, thu hồi vốn nhanh, chốt lời nhanh; thứ hai, nhà đầu tư có thêm nguồn vốn bổ sung thay thế một phần vốn vay tín dụng;
Thứ ba, khách hàng khi mua Condotel thường phải giao chủ đầu tư quyền quản lý, khai thác condotel để được nhận mức lợi nhuận cam kết hằng năm, vì vậy chủ đầu tư lại được quyền kinh doanh căn hộ Condotel đã bán cho nhà đầu tư thứ cấp.
Thứ tư, việc cam kết lợi nhuận rất có lợi so với đi vay ngân hàng, mặc dù phải trả lợi nhuận cao cho nhà đầu tư thứ cấp; thứ năm, chủ đầu tư được nhà đầu tư thứ cấp cùng gánh chịu, chia sẻ rủi ro trong quá trình khai thác, kinh doanh về sau.
Đẩy rủi ro cho khách hàng
Trong khi đó, HoREA cho rằng khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp lại có thể bị nhiều rủi ro và thua thiệt khi mua căn hộ Condotel với cam kết lợi nhuận khủng.
Cụ thể, việc chủ đầu tư bán căn hộ Condotel với giá bán rất cao, tương đương với giá bán căn hộ cao cấp tại TP HCM, nên gần như chủ đầu tư không bị rủi ro vì đã thu hồi ngay vốn đầu tư và thu được cả lợi nhuận. Rủi ro trong kinh doanh Condotel về sau, chủ yếu thuộc về khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp.
Trong các hợp đồng mua bán căn hộ Condotel, chủ đầu tư không đưa ra các giải pháp bảo đảm thực hiện đúng cam kết trả lợi nhuận, dẫn đến rủi ro thuộc về khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp.
Chủ đầu tư cũng không có thỏa thuận cụ thể nào về việc hỗ trợ nhà đầu tư thứ cấp kinh doanh căn hộ condotel sau khi hết hạn cam kết lợi nhuận (sau 8 - 12 năm) để nhà đầu tư thứ cấp yên tâm, vì mỗi khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp” không thể tự mình kinh doanh căn hộ Condotel trong khu du lịch.
HoREA cho rằng, để xảy ra tình trạng này nguyên nhân chủ yếu do có lỗ hổng pháp luật và thiếu hành lang pháp lý để điều chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh loại hình Condotel.
"Luật Kinh doanh bất động sản có “lỗ hổng”, bởi vì Luật chỉ quy định chặt chẽ các điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, nhưng lại không quy định chặt chẽ các điều kiện bán các loại bất động sản khác hình thành trong tương lai, trong đó có Condotel. Ví dụ, Luật Kinh doanh bất động sản không quy định các hành vi có liên quan đến bán nhà ở hoặc Condotel hình thành trong tương lai trước thời điểm giao kết hợp đồng, như đặt cọc, hứa mua hứa bán, góp vốn đầu tư, hợp tác đầu tư… nên các chủ đầu tư dự án nhà ở, dự án Condotel hình thành trong tương lai, đã “tận dụng tối đa” các quy định của pháp luật dân sự để huy động vốn với giá trị rất lớn, thậm chí đến hơn 90% giá trị hợp đồng, gây rủi ro cho khách hàng", HoREA dẫn chứng.
Nhiều chủ đầu tư condotel (căn hộ khách sạn) hoạt động như kinh doanh đa cấp, quảng cáo không trung thực, gây áp lực với Nhà nước…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận