HoREA đề xuất chủ khu nhà trọ được vay ưu đãi lãi suất 4,8%/năm
Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trong đó, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét thực hiện ưu đãi tín dụng lãi suất 4,8%/năm cho một số đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội, trong bối cảnh nguồn cung nhà ở xã hội chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân lao động.
Dẫn số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, HoREA cho biết, trong giai đoạn 2015 - 2020, cả nước đã thực hiện 248 dự án nhà ở xã hội với khoảng 100.000 căn hộ, chỉ đạt 41,4% kế hoạch. Các kết quả phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 vẫn còn rất hạn chế so với nhu cầu.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước hoàn thành 13 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 6.000 căn, với tổng diện tích khoảng 300.000 m2 sàn xây dựng.
Riêng TP Hồ Chí Minh thực hiện được 15.000 căn hộ nhà ở xã hội đạt 75% kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và đã khởi công 5 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong 6 tháng đầu năm 2022 với kế hoạch phát triển 35.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2025.
Tuy nhiên, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn và cấp bách của xã hội. Bởi lẽ, TP Hồ Chí Minh có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với 1.062 doanh nghiệp, với tổng số lao động là 285.000 người, chủ yếu là lao động nhập cư. Trong khi đó, các khu nhà lưu trú mới chỉ giải quyết chỗ ở cho khoảng 15% công nhân lao động các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Chưa kể, nếu tính cả các cụm công nghiệp, TP Hồ Chí Minh còn có thêm 538 doanh nghiệp và khoảng 95.000 công nhân lao động. Đặc biệt, Công ty Giày PouYuen là doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, có quy mô tương đương một khu công nghiệp, với trên 80.000 công nhân, không có nhà lưu trú công nhân.
Mặt khác, kết quả khảo sát của Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy, công nhân lao động ngành may mặc chỉ có thu nhập bình quân 6,8 triệu đồng/tháng. Trong đó, có đến 41% cho biết thu nhập không đủ sống. Đa số công nhân lao động chỉ có thể thuê phòng trọ với giá thuê khoảng trên dưới 1 triệu đồng/tháng và chi phí thuê chỗ ở chiếm khoảng trên dưới 20% tổng thu nhập.
Do vậy, để tháo gỡ khó khăn phân khúc nhà ở xã hội, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 1 Thông tư 20/2021/TT-NHNN theo hướng vẫn giữ nguyên nội dung quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 25/2015/TT-NHNN quy định các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định (Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV) được cho cá nhân, hộ gia đình vay vốn tín dụng ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Qua đó, để các ngân hàng này được tham gia thực hiện hiệu quả việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỷ đồng cho cá nhân, hộ gia đình mua, thuê mua nhà ở xã hội từ nay đến hết ngày 31/12/2023. Bởi đây là 4 ngân hàng thương mại có năng lực và có kinh nghiệm thực hiện cấp tín dụng nhà ở xã hội.
HoREA cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng xem xét cho phép các cá nhân, hộ gia đình đã ký hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội nhưng đã phải vay thương mại với lãi suất cao, khoảng 9%/năm, do trong giai đoạn 2015 - 2020, Nhà nước chưa bố trí đủ nguồn ngân sách để hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội thì được phép thanh lý hợp đồng vay tín dụng với ngân hàng thương mại.
Đồng thời, được chuyển sang vay vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất 4,8%/năm để thanh toán phần tiền mua, thuê mua nhà ở xã hội còn lại tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều này cũng là nhằm mục đích tăng lượng giải ngân gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỷ đồng.
Song song đó, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội cho chủ khu nhà trọ được vay vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất 4,8%/năm trong gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỷ đồng, để đầu tư xây dựng, hoặc cải tạo nâng cấp khu nhà trọ, phòng trọ để đảm bảo chất lượng xây dựng, an toàn phòng cháy chữa cháy và tăng thêm tiện ích phục vụ công nhân lao động thuê trọ.
Ngoài ra, HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét sửa đổi, bổ sung thêm quy định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải dành 20% đất ở trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội để đảm bảo phù hợp với các quy định trong Luật Nhà ở 2014.
Chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được lựa chọn hình thức hoặc dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án hoặc hoán đổi quota 20% quỹ nhà ở hoặc quỹ đất ở của dự án nhà ở thương mại bằng số lượng nhà ở xã hội tương đương tính theo căn hộ, hoặc diện tích sàn xây dựng căn hộ, hoặc diện tích đất ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% tại thời điểm hoán đổi để sử dụng làm nhà ở xã hội…
Đồng thời, Hiệp hội này cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét thực hiện giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án nhà ở xã hội cho thuê theo quy định của pháp luật về thuế đối với nhà ở xã hội hiện hành.
Bởi lẽ hiện nay, Tổng Cục Thuế đã có văn bản trả lời chỉ thực hiện "giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp", do pháp luật về thuế đối với nhà ở xã hội hiện hành chỉ quy định mức giảm thuế 50%...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận