24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thu Miên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hợp tác công nghệ Mỹ - Trung: khi niềm tin chiến lược đổ vỡ

Vào tháng 4-2018, khi ZTE - một tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc - bị Mỹ tuyên bố cấm mua bán thiết bị với các công ty Mỹ, mọi bình luận đều cho rằng đó là do ZTE vi phạm lệnh cấm vận Mỹ áp đặt lên Iran và để gây sức ép buộc Trung Quốc thay đổi chính sách thương mại.

Từ thay đổi về lập pháp

Các hoạt động “vây ráp” các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc có thể được coi là ngẫu nhiên nhằm phục vụ mục đích gây áp lực lên chính sách thương mại và bảo hộ thị trường của Trung Quốc. Nhưng nếu các chính sách ấy được tiến hành với sự hỗ trợ là những thay đổi căn bản từ trong hoạt động lập pháp, thì đó phải được coi là một sự chuẩn bị lâu dài và nghiêm túc cho một cuộc cạnh tranh dài hạn.

Vào tháng 7-2018, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn những sửa đổi “sâu sắc và toàn diện” trong Đạo luật Hiện đại hóa đánh giá rủi ro đầu tư nước ngoài (FIRRMA) do những quan ngại trước việc nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm nhiều công ty công nghệ hiện đại của Mỹ. Đây là nền tảng pháp lý quan trọng cho việc ban hành chính sách của các cơ quan công quyền Mỹ.

Chính trên nền tảng thay đổi FIRRMA, Mỹ đã mạnh tay cải cách chức năng và nhiệm vụ của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS). Chức năng của CFIUS hiện nay tập trung vào việc thẩm tra một số loại giao dịch do nhà đầu tư nước ngoài tiến hành nhằm đánh giá ảnh hưởng, tác động của giao dịch đó lên an ninh quốc gia Mỹ.

Đến tháng 8-2019, Thượng viện Mỹ thông qua Đạo luật Cấp thẩm quyền quốc phòng quốc gia (NDAA) cho năm tài khóa 2019, sau đó đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump phê chuẩn. Theo đó, NDAA 2019 cấm chính quyền liên bang mua hoặc gia hạn hợp đồng với bất cứ thể chế nào sử dụng thiết bị, hệ thống hoặc dịch vụ viễn thông của hai công ty ZTE và Huawei.

Đến triển khai bằng chính sách

Cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc sẽ tạo ra nhiều lựa chọn chính sách khó khăn hơn cho các nước.

Đó thực sự là một lựa chọn mang tính chính trị và chiến lược hơn là một lựa chọn thuần túy công nghệ.

Với những thay đổi từ nền tảng pháp lý nêu trên, Mỹ có thể cùng lúc ngăn chặn các công ty Trung Quốc tiếp cận với công nghệ phương Tây bằng ba công cụ chính sách quan trọng là (i) các lệnh hành chính liên quan đến cấm xuất khẩu công nghệ cho các thực thể Trung Quốc; (ii) kiểm tra định kỳ hoạt động đầu tư của Trung Quốc ở Mỹ; và (iii) sử dụng các cáo trạng hình sự với cá nhân Trung Quốc liên quan đến các lệnh cấm của Mỹ.

Trên thực tế, cả ba công cụ trên đã được sử dụng tổng lực để gây sức ép lên Trung Quốc không chỉ trong vấn đề thuế quan mà còn cả vấn đề mở cửa thị trường trong nước. Theo cách dùng từ của Tổng thống Donald Trump, đó là nhóm công cụ để Mỹ có thể gây “sức ép tối đa” lên Trung Quốc.

Vào tháng 8-2018, Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung 44 thực thể Trung Quốc vào danh sách kiểm soát xuất khẩu của mình vì lý do việc xuất khẩu gây ra rủi ro đáng kể đối với an ninh quốc gia. Đến tháng 5-2019, Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ (BIS) đã thêm Huawei và 68 chi nhánh quốc tế vào Danh sách thực thể, yêu cầu các công ty phải xin giấy phép bổ sung từ BIS khi xuất khẩu cho các thực thể đó.

Tháng 6-2019, Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung một số công ty công nghệ cao của Trung Quốc vào “danh sách thực thể” an ninh quốc gia, cấm họ mua các thiết bị từ Mỹ nếu không có sự chấp thuận của chính phủ. Tháng 10-2019, Mỹ đã đưa vào danh sách cấm thêm 28 thực thể Trung Quốc vào danh mục cấm mua sắm hàng hóa công nghệ do Mỹ sản xuất với lý do bị cáo buộc vi phạm quyền con người.

Như vậy, ít nhất 80 thực thể (doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học...) Trung Quốc đã trở thành đối tượng của lệnh cấm xuất khẩu hàng công nghệ của Chính phủ Mỹ.

Đối với việc kiểm tra và thẩm định hoạt động đầu tư của Trung Quốc ở Mỹ, số giao dịch bị CFIUS “đưa vào tầm ngắm đánh giá thẩm định” liên quan đến Trung Quốc đã tăng mạnh từ năm 2015-2017. Số giao dịch đầu tư do công ty Trung Quốc tiến hành chiếm 26% trong tổng số 552 giao dịch bị theo dõi trong ba năm đó. Nó vượt xa con số 12% của nước đứng thứ hai trong danh sách là Canada.

Tương lai hợp tác công nghệ Mỹ - Trung: khi niềm tin chiến lược đổ vỡ

Năm 2018, Trung Quốc đã chi khoảng 300 tỉ đô la cho nghiên cứu và phát triển (R&D), gần 2,2% GDP, mang lại cho Trung Quốc một lợi thế so với các nước công nghiệp nhỏ hơn, chi tiêu ít hơn. Tính theo phần trăm GDP, chi tiêu R&D của Trung Quốc đã vượt qua EU (2,1%). Trung Quốc đang đẩy mạnh điều phối tập trung trong việc thực hiện Chiến lược Chế tạo tại Trung Quốc 2025 (MIC 2025) và các chính sách công nghiệp liên quan.

Mặc dù chiến tranh thương mại buộc Chính phủ Trung Quốc phải ngừng mọi tuyên truyền về MIC 2025 trên các phương tiện truyền thông, nhưng lại làm Trung Quốc đẩy mạnh thực thi trong thực tế hơn trước.

Vào tháng 10-2019, Trung Quốc tuyên bố sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ 5G thương mại với dự kiến sẽ có 130.000 trạm gốc vào cuối năm, tăng từ 80.000 vào thời điểm đó, và người dùng sẽ được cung cấp các gói 5G với giá khởi điểm từ 128 nhân dân tệ/tháng (khoảng 18 đô la Mỹ).

Sự ra mắt của 5G thương mại Trung Quốc đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng và giới lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng dự định sử dụng thông báo này như một biểu tượng quốc gia về năng lực công nghệ đang gia tăng và khả năng chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Huawei.

Nhưng Mỹ vẫn có nhiều thế mạnh. Các công ty Mỹ có thể thống trị các ứng dụng và dịch vụ chạy trên 5G, giống như họ đã làm với 4G. Điều này có nghĩa là tập trung nhiều hơn vào phát triển phần mềm, đặc biệt là mã liên kết các thiết bị với tháp phát sóng.

Chính quyền Mỹ dường như đang đi theo một chiến lược như vậy. Chris Krebs, Giám đốc Cơ quan An ninh Cơ sở hạ tầng và An ninh mạng (Mỹ), đã đưa ra một kế hoạch đổi mới ở rìa mạng 5G. Điều này có nghĩa là đầu tư và nghiên cứu lớn hơn về các mạng truy cập vô tuyến mở (O-Rans), liên kết giữa các thiết bị và các trạm cơ sở trong mạng 5G.

Rõ ràng, những thế mạnh mà Mỹ đang có (i) khả năng thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu; (ii) mức độ minh bạch trong quan hệ giữa doanh nghiệp và chính phủ; (iii) khả năng điều phối và thương lượng đa phương đang giúp quốc gia này duy trì một lợi thế nhất định để dẫn dắt sự phát triển công nghệ toàn cầu trong 10 năm tới.

Cạnh tranh công nghệ sẽ quyết định lợi thế trong tương lai của quốc gia. Mỹ đã thay đổi không chỉ nhận thức mà còn cả hành động với Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng đã dồn sức cho khẩu hiệu “tự lực cánh sinh không mù quáng”.

Do đó, cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc sẽ tạo ra nhiều lựa chọn chính sách khó khăn hơn cho các nước. Đó thực sự là một lựa chọn mang tính chính trị và chiến lược hơn là một lựa chọn thuần túy công nghệ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả