Hơn 700 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công trong 2023: Động lực hay sức ép?
Trong bối cảnh điều hành chính sách gặp nhiều khó khăn, kế hoạch đầu tư công 2023 với hơn 700 nghìn tỷ đồng sẽ là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Thống kê cho thấy, 11 tháng năm 2022, tổng vốn đầu tư công được giải ngân vào khoảng hơn 338 nghìn tỷ đồng. Đây là con số giải ngân tuyệt đối cao nhất từ trước đến nay.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương, đầu tư công năm 2022 gặp rất nhiều khó khăn, thách thức khi số vốn kế hoạch tăng 26%, trong khi chi phí nguyên vật liệu, logistics tăng cao trước những biến động trên thế giới. Do đó, Thứ trưởng đánh giá, kết quả giải ngân vốn đầu tư công là tương đối tích cực.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 bộc lộ ra sự bấp bênh khi mới chỉ đạt hơn 58% kế hoạch trong 11 tháng. Thực tế, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công so với kế hoạch đang giảm dần kể từ năm 2020.
“Đây không phải vấn đề mới, đã bàn nhiều nhưng chưa giải quyết được căn cơ”, ông Hưng nhấn mạnh.
Về nguyên nhân dẫn đến mức giải ngân đầu tư công thấp hơn đáng kể so với 2 năm trở lại đây, các bộ, ngành và địa phương đã báo cáo với Chính phủ, nêu ra hàng chục khó khăn và vướng mắc.
Các khó khăn tập trung vào 3 nhóm, bao gồm chính sách, thể chế, thủ tục còn phức tạp, chưa đồng bộ; công tác tổ chức thực thi của các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm và những khó khăn đặc thù của năm 2022.
Năm 2023, những khó khăn trong nền kinh tế vẫn sẽ tiếp diễn. Đó là nguy cơ lạm phát, chi phí đầu vào tăng cao, tình hình kinh tế, chính trị, an ninh, xã hội trên toàn thế giới diễn biến phức tạp.
Trong bối cảnh đó, đầu tư công tiếp tục trở thành động lực đặc biệt quan trọng để bổ sung cung tiền cho nền kinh tế, từ đó duy trì mức tăng trưởng, đồng thời tạo ra công ăn việc làm, đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết, tăng vốn đầu tư công 1% sẽ giúp GDP tăng khoảng 0,06%, qua đó cho thấy ý nghĩa của đầu tư công gắn liền với tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 sẽ còn thách thức hơn nhiều so với năm nay, khi kế hoạch đầu tư công đã được Quốc hội thông qua rơi vào khoảng trên 700 nghìn tỷ đồng, cao hơn 25% so với 2022. Đây cũng là năm giải ngân toàn bộ số vốn thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Cộng thêm với khoản vốn chưa được giải ngân, lượng tiền cần được giải ngân năm 2023 có thể lên đến gấp đôi so với năm 2022. Điều này đặt ra áp lực rất lớn cho công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ giải ngân đầu tư công năm 2023, ông Phương đề nghị cần phải khẩn trương rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến các dự án đầu tư công, tập trung vào những bất cập đã bộc lộ trong năm 2022.
Mặt khác, cần phải làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư nhấn mạnh, các đơn vị được giai phải khẩn trương lập kế hoạch phân bổ vốn chi tiết trước ngày 31/12/2022 để công tác giải ngân được thực hiện ngay từ những ngày đầu năm 2023.
Đầu tư công là vấn đề rất “nóng”, do đó cũng cần phải tăng cường kỷ luật, xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm vi phạm, đảm bảo công bằng, minh bạch và chống tham nhũng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận