Hơn 6,8 triệu tỉ đồng được người dân gửi ở ngân hàng
7 tháng đầu năm 2024, người dân đã đem hàng trăm ngàn tỉ đồng gửi thêm vào các tổ chức tín dụng.
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tại thời điểm cuối tháng 7/2024, đã có hơn 6,83 triệu tỉ đồng được người dân gửi ở các tổ chức tín dụng, tăng 4,68% so với thời điểm cuối năm 2023. So với tháng 6/2024, lượng tiền gửi của người dân vào các tổ chức tín dụng đã tăng hơn 21.174 tỉ đồng.
So với thời điểm cuối năm 2023, lượng tiền gửi của người dân đã tăng thêm khoảng 305.673 tỉ đồng. Tức là chỉ trong 7 tháng đầu năm 2024, người dân đã đem hàng trăm ngàn tỉ đồng gửi thêm vào các tổ chức tín dụng, trong đó chủ yếu là các ngân hàng.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp; chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Trên cơ sở chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm mạnh, qua đó góp phần hỗ trợ nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Lãi suất đối với các khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm. Đến cuối tháng 6/2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023. Lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so cuối năm 2023.
Trong tháng 8, lãi suất huy động nhích tăng 5-15 điểm tại các kỳ hạn dưới 6 tháng. Như vậy, sau khi tạo đáy vào đầu quý II, lãi suất huy động đã tăng khoảng 30-40 điểm cơ bản tại các kỳ hạn, và chủ yếu tại các ngân hàng thương mại cổ phần vừa và nhỏ. Trong điều kiện kinh tế vĩ mô ghi nhận nhiều yếu tố thuận lợi (lạm phát trong khả năng kiểm soát, áp lực tỉ giá tiếp tục hạ nhiệt), Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng áp lực tăng lên mặt bằng lãi suất có thể giảm bớt trong thời gian tới. Theo đó, VCBS dự báo lãi suất có thể đi ngang trong tháng tới, và về cuối năm có thể điều chỉnh giảm nhẹ theo hướng hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt đặt trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động xấu ít nhiều từ các diễn biến thiên tai gần đây.
Theo báo cáo cập nhật của FiinGroup, bão Yagi đã ảnh hưởng đến 26 tỉnh thành, bao gồm các khu vực kinh tế trọng điểm ở miền Bắc Việt Nam, gây thiệt hại tổng cộng vượt quá 81,50 nghìn tỉ đồng. Nông nghiệp, sản xuất, logistics và du lịch là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ước tính cơn bão sẽ làm giảm 0,15% tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam, với sự suy giảm đáng kể trong nông nghiệp (0,33%), công nghiệp (0,05%) và dịch vụ (0,22%). Các khu vực trọng điểm như Hải Phòng và Quảng Ninh chịu thiệt hại kinh tế lớn nhất.
Ngành ngân hàng đang gặp khó khăn về trả nợ và chất lượng tín dụng cho vay, đặc biệt là ở các khu vực bị bão tàn phá. Trong khi đó, ngành bảo hiểm đang phải đối phó với sự gia tăng yêu cầu bồi thường, gây ra rủi ro cho lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận