Hơn 50% trái phiếu phát hành trong quý I không có tài sản đảm bảo
Lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu cũng đang tăng lên sẽ gia tăng rủi ro cho nhà đầu tư
Thị trường giảm nhiệt, tỷ trọng phát hành ra công chúng tăng
Một Báo cáo thị trường phát hành trái phiếu vừa công bố cho thấy, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý I/2021 đạt 37,4 nghìn tỷ đồng, giảm 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, có gần 7 nghìn tỷ đồng là trái phiếu phát hành ra công chúng, tương đương 18,7% tổng lượng phát hành toàn thị trường, cao hơn nhiều mức bình quân chỉ 5,1% của cả năm 2020.
Các tổ chức phát hành ra công chúng trong quý I/2021 gồm: Vingroup (VIC); Masan Group (MSN); CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG); CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (SBT); Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB); CTCP Giao nhận Vận tải Ngoại thương (VNT).
Đây đều là các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán, đã tuân thủ các quy định về công bố thông tin nên việc phát hành ra công chúng sẽ giúp tiếp cận được nguồn tiền đầu tư từ các cá nhân.
Khối bất động sản vẫn chiếm ngôi vương
Trong quý I/2021, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 23.150 tỷ đồng trái phiếu, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chiếm tới 61,9% tổng lượng phát hành toàn thị trường.
Trong khi các ngân hàng thương mại chỉ phát hành 1.240 tỷ đồng (chiếm 3,3%). Các công ty chứng khoán và định chế tài chính phi ngân hàng phát hành 2.538 tỷ đồng (chiếm 6,8%). Doanh nghiệp phát triển hạ tầng phát hành 1.150 tỷ đồng (chiếm 3,1%); doanh nghiệp năng lượng và khoáng sản phát hành 1.693 tỷ đồng (chiếm 4,5%); còn lại là các doanh nghiệp khác.
Kỳ hạn bình quân các trái phiếu bất động sản phát hành trong quý I/2021 giảm mạnh xuống 2,9 năm (từ mức bình quân 3,9 năm của cả 2 năm 2019 và 2020) nên kéo kỳ hạn bình quân trái phiếu phát hành toàn thị trường giảm từ 4.23 năm (2020) xuống 3,26 năm (quý I/2021).
Mặc dù kỳ hạn trái phiếu ngắn hơn nhưng lãi suất bình quân của trái phiếu bất động sản nhích tăng 14 điểm cơ bản so với quý IV/2020, lên mức 10,41%/năm và hiện là nhóm có lãi suất cao nhất thị trường. Nhóm ngân hàng có lãi suất bình quân thấp nhất (chỉ 4,67%/năm) do VPB phát hành 1.150 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2-3 năm lãi suất chỉ 3,9%/năm.
Rủi ro
Trong tổng lượng phát hành quý I/2021, chỉ có 17,4% được bảo đảm bằng bất động sản; 17,2% được đảm bảo bằng tài sản; 14,7% được đảm bảo bằng một phần tài sản/bất động sản và một phần là cổ phiếu; còn lại 50,2% là các trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu.
Cụ thể, có 15,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo (chiếm 41%) gồm 3,58 nghìn tỷ trái phiếu ngân hàng và công ty chứng khoán. 7 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản; 2,2 nghìn tỷ đồng các trái phiếu phát hành ra công chúng của MSN, VNT, SBT và một số lô trái phiếu khác.
Có 3,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (chiếm 9,2%) có tài sản đảm bảo hoàn toàn là cổ phiếu gồm trái phiếu của các công ty niêm yết PDR, KDC, KBC, APH, DXG và một số công ty chưa niêm yết khác.
Báo cáo của SSI cũng dự báo, lượng phát hành trái phiếu sẽ gia tăng trong quý 2 do quý 1 là quý thấp điểm phát hành trong năm do có Tết Nguyên đán và là giai đoạn xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính của các doanh nghiệp.
Lượng phát hành quý 2 các năm 2019 và 2020 đều tăng 111-160% so với quý liền trước.
Có nhiều hơn các doanh nghiệp lựa chọn phát hành ra công chúng trong đó có một số đợt phát hành trái phiếu quốc tế.
Các doanh nghiệp niêm yết vốn đã tuân thủ các yêu cầu về kinh doanh có lãi và công bố thông tin nên việc chuyển từ hình thức phát hành riêng lẻ sang phát hành ra công chúng sẽ không quá khó khăn.
Bởi vậy, lượng phát hành ra công chúng kỳ vọng sẽ tăng khá. Một số doanh nghiệp cũng đã, đang tiến hành phát hành trái phiếu quốc tế.
Chẳng hạn, Vingroup đã phát hành thành công 500 triệu USD trái phiếu niêm yết và giao dịch tại SGD chứng khoán Singapore vào ngày 13/4/2021, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) dự kiến phát hành tối đa 500 triệu USD trái phiếu quốc tế chia làm 2 đợt (300 triệu USD kỳ hạn 3-5 năm và 200 triệu USD trái phiếu tăng vốn cấp 2).
Các doanh nghiệp bất động sản vẫn là tổ chức phát hành lớn nhất và lãi suất phát hành có thể tăng lên.
Tín dụng bất động sản tại cuối quý 1/2021 đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2020 và cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành (2,93%).
Đại diện NHNN cho biết, sẽ kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán. Bởi vậy, nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản vẫn khá cao, đặc biệt là các doanh nghiệp hạn chế về tài sản đảm bảo cho các khoản vay.
Lãi suất trái phiếu bất động sản có thể nhích tăng và sẽ hấp dẫn hơn so với các nhóm trái phiếu khác nhưng NĐT nên hết sức thận trọng vì thị trường bất động sản đang khá nóng, lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu cũng đang tăng lên sẽ gia tăng rủi ro cho nhà đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận