Hơn 19,2 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư đăng ký vào Bình Thuận
Sáng ngày 22-9, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Bình Thuận năm 2019, UBND tỉnh Bình Thuận đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 22 dự án với tổng vốn kỷ lục hơn 450.000 tỉ đồng (tương đương hơn 19,2 tỉ đô la Mỹ).
Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Thuận năm 2019 với mục tiêu mời gọi trực tiếp các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, có uy tín và năng lực cao đầu tư vào các dự án trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị trong tỉnh.
Cụ thể, tại Hội nghị, UBND tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án, với tổng số vốn đầu tư 21.800 tỉ đồng (khoảng 920 triệu đô la). Trong đó, có 5 dự án đô thị dịch vụ với số vốn hơn 15.800 tỉ đồng; 3 dự án công nghệp với số vốn hơn 5.300 tỉ đồng; 2 dự án nông nghiệp với 456 tỉ đồng và 1 dự án y tế là Trung tâm điều trị tim mạch và Ung thư chất lượng cao với tổng vốn là 150 tỉ đồng.
Bên cạnh trao quyết định chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã ký ghi nhớ đầu tư cho 11 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 435.000 tỉ đồng (tương đương 18,5 tỉ đô la). Trong đó, chiếm số lượng vốn đăng ký nhiều nhất là 2 dự án liên quan đến công nghiệp với số vốn đăng ký hơn 392.000 tỉ đồng; 3 dự án liên quan đến nông nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 880 tỉ đồng và 6 dự án liên quan đến du lịch với tổng số vốn đăng ký hơn 42.000 tỉ đồng.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định Bình Thuận có kết cấu hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, tiềm năng phát triển điện gió, điện mặt trời là rất lớn, tiền năng du lịch phong phú, nhất là du lịch về biển đảo, sinh thái nghỉ dưỡng, bờ biển có cảnh quan thiên nhiên đẹp, di tích lịch sử văn hóa phong phú. Mũi Né được xác định là trung tâm du lịch của khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương. Tiềm năng đất còn rất lớn và đã có hệ thống thủy lợi khá đồng bộ, sẽ là thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao.
Nhờ việc nỗ lực trong đẩy mạnh thực hiện thu hút đầu tư, đến nay tỉnh Bình Thuận có 1.525 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 303 nghìn tỉ đồng, trong đó có khoảng 106 dự án FDI có hiệu lực với tổng vốn đăng ký 3,24 tỉ đô la.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, Hội nghị ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, có uy tín và năng lực cao trong 3 lĩnh vực: du lịch, công nghiệp “xanh, sạch” và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần thúc đẩy phát triển đô thị trong tỉnh. Đặc biệt, Bình Thuận đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, thu hút khoảng 14 triệu lượt khách, tăng hơn 8 triệu lượt so với hiện tại.
Mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng Bình Thuận còn không ít khó khăn, thách thức trong việc tổ chức sản xuất, tái cấu trúc để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển một cách tương xứng, trong đó có hệ thống kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực, vướng mắc trong quy hoạch khoáng titan với các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị, Bình Thuận khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế phấn đấu xây dựng Bình Thuận trở thành tỉnh có trình độ phát triển cao trong Vùng duyên hải Nam Trung Bộ; tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các nghị quyết của Đảng bộ, HĐND tỉnh, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra, đóng góp vào kết quả chung của đất nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận