Hơn 1 triệu người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tính đến hết tháng 11/2023, tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là hơn 1 triệu người, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Sáng 26/12, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, thị trường lao động năm 2023 tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm tiếp tục tăng so với năm trước.
Các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định; tình trạng hàng trăm nghìn lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý 4/2022 đã giảm nhiệt trong các tháng cuối năm 2023; các chỉ số về lực lượng lao động, tỉ lệ thất nghiệp, tỉ lệ lao động qua đào tạo, lao động có việc làm, thu nhập của người lao động cơ bản ổn định.
Bộ dẫn báo cáo nhanh từ các địa phương cho biết số lao động nghỉ, giãn việc cả nước quý 3 khoảng 54.200 người, chủ yếu trong ngành da giày, dệt may. Tuy nhiên, số mất việc quý 3/2023 trên 118.000 người, giảm tới hơn 99.000 người so với quý trước, tập trung ở Bình Dương và Tp.HCM.
Kết quả này là do ngành lao động giới thiệu việc làm cho người mất việc tại Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương ngay sau khi doanh nghiệp cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng.
"Tình trạng hàng trăm nghìn lao động bị buộc nghỉ - giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý 4/2022 đã giảm nhiệt trong các tháng cuối năm 2023", Bộ LĐ-TB&XH nhận định.
Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM, thành phố giải quyết việc làm cho trên 315.000 lượt người, đạt 105,3% kế hoạch năm. Trong đó, số việc làm được tạo mới là 141.000, kéo giảm tỉ lệ thất nghiệp dưới 4%.
Ông Dương Anh Đức cho hay năm 2023, nhiều doanh nghiệp lớn phải cắt giảm lao động do tình trạng thiếu đơn hàng. Để gỡ khó, thành phố chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ người lao động mất việc, giảm việc ổn định cuộc sống qua tìm việc mới, chi trợ cấp thất nghiệp, qua đó hạn chế đình công, lãn công, ngừng việc tập thể.
Còn bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, cho biết thành phố đã tạo việc làm mới cho trên 214.000 lượt người, đạt trên 132% so với kế hoạch, tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị dưới 3%.
Nguyên nhân là địa phương phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để giới thiệu việc làm cho người lao động song song với tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp kết hợp online với các địa phương lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên...
Về thị trường lao động ngoài nước, năm qua, các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh; công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ hơn.
Năm 2023, ngành LĐ-TB&XH đã đưa hơn 150.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 129% so với kế hoạch năm, tăng 8,55% so với năm 2022, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Về khía cạnh an sinh xã hội, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Cả năm, tỉ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH khoảng 39,25%; tỉ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên 31,58%, đạt và vượt các mục tiêu đề ra.
Các chính sách BHTN được tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời. Tính đến hết tháng 11/2023, tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp hơn 1 triệu người, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 955.058 người, tăng 9,5%.
Ngành LĐ-TB&XH đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách trợ cấp thường xuyên cho hơn 1,1 triệu đối tượng với kinh phí thực hiện cả năm khoảng 29.000 tỷ đồng; trợ cấp một lần cho 2.332 người với tổng kinh phí 100 tỷ đồng.
Thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng cho hơn 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội và 354.340 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hàng tháng.
Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em được đẩy mạnh; bảo đảm duy trì các dịch vụ trợ giúp xã hội và kịp thời phát hiện, giải quyết, thông tin về các vấn đề, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em và liên quan đến quyền trẻ em về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111).
Ngành cũng đã huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tính đến nay Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vận động được 110 tỷ đồng; hỗ trợ trực tiếp cho 68.011 lượt trẻ em với kinh phí 50,605 tỷ đồng; hỗ trợ gián tiếp cho 57.489 lượt trẻ em với kinh phí 48,485 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung yêu cầu đánh giá sâu sắc những kết quả đạt được, tìm ra nguyên nhân trong thời gian tới, đặc biệt tìm ra giải pháp giải quyết các vấn đề tồn tại trong năm 2024.
Ông Đào Ngọc Dung nhận định, 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, bản lề, được đánh giá là có ý nghĩa rất quan trọng. Trong một năm đầy khó khăn, thách thức, với lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp, với quyết tâm của cán bộ công chức, người lao động toàn ngành, Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; kịp thời xử lý, phản ứng chính sách; vừa thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, vừa chú trọng xử lý những tồn đọng, những vấn đề mới phát sinh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận