menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hùng Dũng

Hối lộ kiểm toán dưới hai triệu đồng có thể bị phạt đến 40 triệu

Cá nhân mua chuộc, hối lộ tiền, tài sản các thành viên đoàn kiểm toán dưới hai triệu đồng sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng, còn tổ chức là 20-40 triệu.

Nội dung này được nêu tại dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước, được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tại phiên họp thứ 20, sáng 12/2.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt hành chính, gồm phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Theo đó, hành vi cá nhân mua chuộc, hối lộ tiền, tài sản và các lợi ích vật chất khác giá trị dưới hai triệu đồng với các thành viên đoàn kiểm toán, hoặc cản trở việc của Kiểm toán Nhà nước sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng. Trường hợp cá nhân che giấu vi phạm về tài chính, tài sản công bị phạt 20-30 triệu đồng; phạt 30-50 triệu đồng nếu can thiệp trái pháp luật vào hoạt động, kết quả kiểm toán và không thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.

Tổ chức có cùng hành vi vi phạm trên sẽ phải chịu mức phạt tiền gấp đôi.

Ngoài ra, hành vi đưa hối lộ, mua chuộc hoặc vi phạm về tài chính công, tài sản công bị áp dụng thêm biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, cá nhân buộc phải nộp lại số tiền, tài sản tương ứng đã hối lộ, hoặc số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm.

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban này tán thành với các quy định trên, nhưng đề nghị bổ sung rõ hơn về buộc khắc phục hậu quả với hành vi vi phạm mua chuộc, hối lộ.

Về hành vi hối lộ, mua chuộc, Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế có vấn đề là không hối lộ, mua chuộc trực tiếp, mà qua trung gian. "Lỗi đã có rồi, nhưng người nhận khoản tiền hối lộ, mua chuộc này thì chưa, tức là bước từ người trung gian đến người bị tác động chưa có. Trường hợp này có xử lý không và xử lý thế nào? Cái này chưa rõ, sau này rất khó khả thi", ông đề cập.

Ông cũng đặt vấn đề, cần rà soát nội dung nào quy định trong Pháp lệnh, nội dung nào giao Tổng Kiểm toán Nhà nước quy định, và phải quy định kỹ về mức độ, hành vi vi phạm, gắn với đó là "ngang bằng về quyền và trách nhiệm của người thực thi nhiệm vụ kiểm toán, các đơn vị có liên quan".

Ngoài ra, ông nói cũng cần làm rõ hơn về phạm vi quy định xử phạt, làm rõ giữa xử phạt theo quy định của Pháp lệnh này với xử phạt theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Nếu không "quy định ban hành ra không áp dụng được".

Hối lộ kiểm toán dưới hai triệu đồng có thể bị phạt đến 40 triệu

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Phú Cường băn khoăn về quy định xử phạt với hành vi vi phạm về tài chính công, tài sản công, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán.

Theo ông, phạm vi, nội hàm tài chính công, tài sản công rất lớn, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp rất khó. Ví dụ, chỉ tiêu ngân sách địa phương, cơ quan này bán tài sản công sơ ý chứ không phải chiếm đoạt, vụ lợi không có tiền nộp lại...

"Như vậy khi nộp tiền phạt thì ai nộp? Nếu dự toán sai, cá nhân nộp hay quỹ cơ quan đơn vị nộp?. Quy định nộp lại số lợi bất hợp pháp nhưng một số trường hợp không hưởng lợi, vô tình sẽ xử lý thế nào?, ông Cường nêu.

Về quy định xử phạt vi phạm khi thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, ông Cường nhận xét, có chỗ phạt quá nặng nhưng có chỗ lại quá nhẹ.

Chẳng hạn, hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán bị phạt 30-50 triệu đồng, nhưng không nêu rõ "sẽ phạt ai". Ông phân tích, can thiệp vào kết luận kiểm toán, các cán bộ ở địa phương như Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng Bộ Tài chính không can thiệp được, chỉ có Tổng kiểm toán, Phó tổng kiểm toán hoặc người trong ngành cao hơn trưởng đoàn kiểm tra can thiệp được.

"Trưởng đoàn có thẩm quyền ra quyết định xử phạt. Vậy phạt ai và đưa ra vậy có khả thi không?", ông nói thêm.

Góp ý thêm, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu, dự thảo Pháp lệnh chỉ quy định áp dụng khắc phục hậu quả, buộc cải chính trong trường hợp cung cấp chưa đầy đủ, không chính xác có sai lệch thông tin tài liệu... là chưa triệt để, không đáp ứng yêu cầu khôi phục trật tự quản lý hành chính Nhà nước do hành vi hành chính vi phạm gây ra.

Dẫn điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính, một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử lý một lần, ông Cường cho rằng, quy định như dự thảo Pháp lệnh thì cơ quan ra quyết định xử phạt, người vi phạm nộp phạt là xong và họ không có trách nhiệm phải gửi báo cáo, phải trả lời hay cung cấp thông tin...

"Đây chính là việc phạt cho tồn tại, không hợp lý, thiếu răn đe và tạo kẽ hở để cá nhân, tổ chức không cung cấp thông tin, nhằm che đậy vi phạm khác", ông nhận xét, và đề nghị bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp với từng hành vi vi phạm để trật tự quản lý hành chính Nhà nước được thực thi.

Kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành về nguyên tắc giao Kiểm toán nhà nước và Ủy ban Pháp luật bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội rà soát và trình Chủ tịch Quốc hội xem xét, ký ban hành trong tháng 2. Dự kiến Pháp lệnh có hiệu lực từ 1/5 tới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
4 Bình luận 8 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại