Hoạt động sản xuất của Trung Quốc thu hẹp 4 tháng liền vì thương chiến leo thang
Khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang căng thẳng, các nhà sản xuất ở Trung Quốc vẫn còn lắm bi quan về triển vọng, trong đó hoạt động sản xuất thu hẹp tháng thứ bốn liên tiếp trong tháng 8/2019.
Trong dữ liệu mà Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố, chỉ số PMI sản xuất ở mức 49.5 trong tháng 8/2019, giảm từ mức 49.7 trong tháng 7/2019 và dưới mức kỳ vọng của các chuyên viên phân tích.
Chỉ số PMI là thước đo tâm lý của các chủ nhà máy, trong đó 50 là lằn ranh giữa mở rộng và thu hẹp trong lĩnh vực cụ thể. Trong cuộc khảo sát, các nhà sản xuất được yêu cầu đưa ra quan điểm về các vấn đề kinh doanh như số đơn hàng xuất khẩu, mua bán, sản xuất và hậu cần.
Trong 8 tháng đầu năm 2019, chỉ số PMI dao động dưới 50 trong 6 tháng. Điều này cho thấy tác động của hàng rào thuế quan Mỹ đang dần “ngấm” vào nền kinh tế Trung Quốc. Chỉ số PMI sản xuất chỉ thể hiện sự mở rộng trong tháng 3 và tháng 4/2019.
Hàng rào thuế quan mới và việc Mỹ nâng thuế dự kiến có hiệu lực vào ngày 01/09, 01/10 và 15/12. Điều này có thể cung cấp một số cú huých tạm thời cho hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc và dĩ nhiên là cả nhà sản xuất, nếu các hàng rào này thôi thúc các công ty Mỹ tranh thủ mua hàng trước khi có hiệu lực. Tuy nhiên, triển vọng dài hạn khá tiêu cực, trong đó nhiều nhà sản xuất xem xét hoặc đã chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Cũng trong ngày thứ Bảy (31/08), Trung Quốc đưa ra chỉ số PMI phi sản xuất - khảo sát lĩnh vực xây dựng và dịch vụ. Chỉ số PMI phi sản xuất ở mức 53.8, tăng từ mức 53.7 trong tháng 7/2019, qua đó cho thấy hai lĩnh vực này vẫn còn vững mạnh khi đối mặt với đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc. Những chuyên viên phân tích tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg dự báo chỉ số PMI phi sản xuất giữ nguyên trong tháng 8/2019.
Chỉ số PMI tổng hợp - kết hợp giữa sản xuất và phi sản xuất - ở mức 53, giảm từ mức 53.1 trong tháng 7/2019.
Đà giảm của chỉ số PMI tháng 8/2019 “cho thấy áp lực suy giảm trong nền kinh tế”, Zhang Liqun, Chuyên viên phân tích tại Liên đoàn Hậu cần và Mua hàng Trung Quốc, cho hay.
“Dự báo của các công ty về triển vọng thị trường khá ảm đạm, đồng thời tỏ ra cẩn trọng về hoạt động sản xuất của họ”, Zhang cho biết. Chỉ số PMI cho thấy sự suy giảm về số lượng đơn hàng mới - một điều cũng thể hiện sự thiếu vắng nhu cầu trong nước. Xét trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang, áp lực suy giảm về nhu cầu bên ngoài cũng rõ ràng, ông Zhang cho biết.
Tháng 8 là tháng đáng quên đối với các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh, khi xuất hiện hàng loạt dữ liệu tiêu cực cho thấy những thách thức kinh tế nghiêm trọng trong nền kinh tế. Trong cuộc thương chiến đe dọa đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái, Trung Quốc vẫn còn bị tác động rất nặng nề.
Mặc dù xuất khẩu tăng trưởng 3.3% trong tháng 7/2019 - một tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp tranh thủ nhập khẩu trước khi hàng rào thuế quan có hiệu lực, nhưng nhập khẩu lại giảm 5.6%, cho thấy lượng tiêu thụ của Trung Quốc đang có vấn đề. Vấn đề này cũng thể hiện rõ trong con số bán lẻ, chỉ tăng trưởng 7.6% trong tháng 7/2019, giảm từ mức 9.8% của tháng 6/2019. Sản xuất công nghiệp - một thước đo về sản lượng trong ngành sản xuất và khai khoáng của Trung Quốc - tăng trưởng 4.8% trong tháng 7/2019, thấp nhất kể từ tháng 2/2002.
Tổng sản lượng nội địa (GDP) của Trung Quốc tăng trưởng 6.2% trong quý 2/2019, thấp nhất kể từ khi dữ liệu hàng quý của NBS được ghi nhận trong năm 1992.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận