Hoàn thiện pháp lý, đặt nền móng cho sự phát triển thị trường chứng khoán
Cùng với sự phát triển của thị trường, thể chế thị trường chứng khoán từng bước được hoàn thiện. Sau 25 năm, thị trường chứng khoán có sự tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô, sản phẩm đa dạng, hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước...
Vụ Pháp chế, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, khác với nhiều nước trên thế giới, khi thị trường chứng khoán được hình thành và đi vào hoạt động một thời gian thì sau đó cơ quan quản lý nhà nước mới xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh các hoạt động trên thị trường.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước được thành lập và xây dựng cơ chế chính sách cho thị trường chứng khoán trước khi thị trường chính thức đi vào hoạt động.
BẤT CẬP VỀ PHÁP LÝ, ĐIỂM NGHẼN CỦA THỊ TRƯỜNG
Từ đầu những năm 1990, quan điểm về việc hình thành thị trường chứng khoán nhằm tạo kênh huy động vốn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được Đảng và Nhà nước đặt ra và xác định cụ thể.
"Sau một thời gian thị trường đi vào hoạt động, những bất cập trong khung khổ pháp lý là một trong những rào cản khiến thị trường chứng khoán non trẻ của Việt Nam không có nhiều chuyển biến mang tính bứt phá, khó phát triển" - Vụ Pháp chế, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Ngày 11/7/1998, Chính phủ ban hành Nghị định số 48/1998/NĐ-CP về chứng khoán và thị trường chứng khoán, đặt nền móng xây dựng khung khổ pháp lý cho thị trường chứng khoán.
Trên cơ sở đó, các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành, bước đầu tạo cơ sở pháp lý cho việc khai trương và đi vào vận hành thị trường chứng khoán ở Việt Nam từ tháng 7/2000 với sự ra đời của Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh.
Để tạo lòng tin cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, thu hút được dòng vốn, tạo đà phát triển cho thị trường, vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu xây dựng, ban hành Luật Chứng khoán, bảo đảm tính hiệu lực pháp lý cao, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật trong điều chỉnh hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Cách đây hơn 15 năm, Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 ngày 29/6/2006. Đây là dấu mốc quan trọng nhất trong quá trình xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán, kể từ khi thị trường chứng khoán đi vào hoạt động.
Thời gian sau đó, việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do cùng với việc hình thành Cộng đồng ASEAN trong năm 2015 mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Sau 30 năm đổi mới, thế và lực của nước ta lớn mạnh hơn nhiều và có thêm kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Vì vậy, trong bối cảnh mới, cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức để thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán nhanh, bền vững.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là nghiên cứu, tổng kết thực tiễn thi hành, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán.
Với mục đích hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý, bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững, an toàn của thị trường chứng khoán, đáp ứng yêu cầu hội nhập, Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Đến nay, Chính phủ ban hành 05 Nghị định và Bộ Tài chính ban hành 15 thông tư quy định chi tiết thi hành và hướng dẫn thực hiện.
Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, bảo đảm thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.
MỞ RỘNG PHẠM VI, BAO QUÁT TOÀN DIỆN MỌI HOẠT ĐỘNG
Luật Chứng khoán năm 2019 gồm 10 chương, 135 điều. Vụ Pháp chế, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho hay Luật này được mở rộng phạm vi theo hướng bao quát toàn diện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
"Luật Chứng khoán năm 2019 và các văn bản quy định chi tiết thi hành và hướng dẫn thực hiện tạo khung khổ pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ, góp phần thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát sinh và thông lệ quốc tế. Bảo đảm nền tảng pháp lý cần thiết cho giai đoạn phát triển mới của thị trường chứng khoán"- Vụ Pháp chế, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Đồng thời, mở ra cơ hội để các Sở Giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có thể chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần khi điều kiện cho phép.
Tăng cường cơ chế phối hợp giám sát giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với các cơ quan khác như thuế, đăng ký kinh doanh, với các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán các nước, nâng mức phạt tiền hành chính tối đa đối với các hành vi vi phạm về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Vụ Pháp chế, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá, việc thi hành pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán hiện hành góp phần cải thiện chất lượng hàng hóa, chất lượng các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.
Từ đó, thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước trên thị trường chứng khoán, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường. Đồng thời, tăng tính công khai, minh bạch, bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động bền vững, an toàn, chuyên nghiệp, hiện đại.
Bên cạnh đó, cũng tạo cơ sở nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tăng niềm tin của thị trường.
Qua đó, khuyến khích mạnh mẽ tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân tham gia đầu tư và hoạt động trên thị trường chứng khoán, tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, góp phần nâng tầm thị trường chứng khoán Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển, yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trong tình hình mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận