24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Mai Lan
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

'Hoà bình ở Biển Đông cần thiết cho phục hồi kinh tế toàn cầu'

Các chuyên gia, học giả quốc tế cho rằng Biển Đông cần có hòa bình và ổn định, giúp phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Ngày 16/11, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 với chủ đề "Biển hòa bình - phục hồi bền vững" được tổ chức tại tại Đà Nẵng. Hội thảo quy tụ gần 40 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ gần 20 quốc gia ở các châu lục khác nhau; gần 50 đại biểu từ các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam (trong đó có 8 Đại sứ), cùng khoảng 400 đại biểu tham dự trực tiếp và online.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Hiệu cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Biển Đông là trung tâm của cục diện quốc tế đang thay đổi. Nguyên tắc trên Biển Đông sẽ góp phần định hình nguyên tắc ở các biển và đại dương khác.

Năm 2023 đánh dấu 40 năm ký kết Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS); 20 năm ASEAN và Trung Quốc ký kết Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC). Thứ trưởng Hiệu nhấn mạnh, chính sách của Việt Nam về Biển Đông là tôn trọng đầy đủ, thiện chí thực thi các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

"Việc duy trì một trật tự trên biển, trong đó sự tuân thủ, tin tưởng và hợp tác, hơn bao giờ hết là điều cần thiết để đảm bảo cho sự phục hồi bền vững. Việt Nam coi trọng việc bảo tồn đại dương, biển và các nguồn tài nguyên trên biển", ông Hiệu nhấn mạnh.

Chuẩn đô đốc Juergen Ehle, Cố vấn quân sự cấp cao, Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu của EU, đánh giá Biển Đông là khu vực trọng yếu, chiếm 12% lượng cá toàn cầu và một nửa lượng tàu cá trên thế giới. Đối với EU, 40% thương mại quốc tế đi qua khu vực Biển Đông. Khu vực này chiếm 60% GDP và đóng góp 2/3 vào tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trước dịch Covid-19.

"Chúng tôi có những lợi ích rất rõ ràng trong việc duy trì hòa bình ở khu vực này", ông nói và cho biết phần lớn thương mại quốc tế đi bằng đường biển, 80% nhập khẩu đi qua khu vực này.

Theo Chuẩn đô đốc Juergen Ehle, trong bối cảnh hiện nay, Biển Đông là trung tâm của cục diện quốc tế đang thay đổi. Do đó, việc duy trì một trật tự trên biển với sự tuân thủ, tin tưởng và hợp tác là rất cần thiết để đảm bảo cho sự phục hồi bền vững sau đại dịch. EU, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cần thúc đẩy hợp tác, cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu.

Thẩm phán Kriangsak Kittichaisaree (Tòa án quốc tế về Luật biển) cho rằng, nếu trong COC không có sự hiếu chiến của các bên tranh chấp, từ tuyên bố chủ quyền của bất kì bên nào, thì có thể đảm bảo không có hành động đơn phương và không có gia tăng căng thẳng, thay vào đó là những hành động hợp lý với luật pháp quốc tế.

Lấy ví dụ về tranh chấp giữa Indonesia và Malaysia, hay Ghana và Côte d’lvoire (Bờ Biển Ngà), ông Kriangsak Kittichaisaree cho biết các quyết định của trọng tài đều đã cho một nguyên tắc là tự kiềm chế. Mỗi bên không tăng cường căng thẳng mà phải hợp tác và bàn luận với nhau tốt hơn, không ảnh hưởng đến quan hệ và ảnh hưởng chung của từng nước. Vậy nên các bên phải nỗ lực nhiều hơn để có sự hiểu biết chung, giải quyết hòa bình tranh chấp.

Ngư dân Việt Nam với nguồn lợi thuỷ sản sau chuyển đánh bắt trên Biển Đông. Ảnh: Nguyễn Đông

Thẩm phán Kriangsak Kittichaisaree cũng cho rằng, các nước Đông Nam Á không nên phớt lờ khía cạnh nhân đạo vì lợi ích của người dân đã được bảo vệ theo điều khoản của Công ước về Luật biển. Nhân quyền ở trên biển rất quan trọng và đã được ghi tại Điều 73 của UNCLOS. Vi phạm luật đánh cá không được dẫn đến việc bỏ tù, giam giữ ngư dân, hoặc bất kì hình thức phạt về vật lý trên cơ thể của ngư dân.

"Nhiều trường hợp gần đây, ngư dân bị giam giữ khi đi đánh cá, họ không có quyền hay khả năng thương lượng với quốc gia bên kia. Trong trường hợp này, Chính phủ hay lực lượng có ngư dân treo cờ phải vào cuộc", ông nói.

Trao đổi với VnExpress bên lề hội thảo, Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP HCM, nói bản thân ông và nhiều học giả mong muốn nhân kỷ niệm 40 năm UNCLOS, Công ước này phải đóng vai trò quan trọng giải quyết các bất đồng, tranh chấp trên Biển Đông.

Ông Việt cho rằng, bối cảnh khát năng lượng như hiện nay rất dễ dẫn tới nhiều nước dòm ngó đến trữ lượng được dự báo rất nhiều ở Biển Đông. Ông mong đợi Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông sẽ có những bước tiến mới, giúp các bên có thể kiềm chế, giảm sự căng thẳng trong khu vực. "Hòa bình, an ninh và ổn định sẽ đóng góp rất lớn trong hồi phục kinh tế ở từng quốc gia, từ đó góp phần vào phục hồi kinh tế toàn cầu", ông Việt nói.

Thạc sĩ Luật biển Hoàng Việt bên lề hội thảo. Ảnh: Nguyễn Đông

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông diễn ra trong hai ngày 16/11-17/11, do Học viện Ngoại giao phối hợp cùng các đối tác đồng bảo trợ trong và ngoài nước tổ chức.

Hội thảo hướng tới mục tiêu tìm hiểu những thay đổi địa chính trị toàn cầu mới nhất trên Biển Đông, xác định các rủi ro tiềm ẩn và tìm cách khôi phục lòng tin, thúc đẩy đối thoại và hợp tác; xem xét vai trò của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển sau 40 năm và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông sau 20 năm...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả