24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoa Thanh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hỗ trợ sản xuất kinh doanh phải như chống dịch Covid-19

Trao đổi với báo giới, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nói rằng: Không chủ quan ngơi nghỉ chống virus corona và cũng phải khẩn trương chống “loại virus mang tên phụ thuộc”, khẩn trương lập Tổ công tác của Chính phủ trợ giúp DN đối phó với dịch Covid-19.

Ông có thể cho biết “sức khỏe” và khả năng chống chọi của DN thế nào?

Dịch bệnh này đang gây những tác động đan xen, tích hợp: hàng hóa ứ đọng, nhất là hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, sản xuất thì thiếu nguyên liệu, nhất là vật tư nhập khẩu từ Trung Quốc, thị trường du lịch vận tải, dịch vụ bị thu hẹp... Từ đó dẫn tới nguy cơ mất khách hàng, mất đơn hàng, không có thêm đơn hàng mới. Nhiều DN rất khó khăn để cầm cự và duy trì sản xuất. Nếu tình hình không sáng sủa hơn thì họ sẽ khó có khả năng cầm cự đến cuối quý I.

Nguyên nhân thì đã rõ: con virus gây ra căn bệnh kinh tế này mang tên “phụ thuộc” – phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc và các nền kinh tế ở Đông Bắc Á ở cả đầu ra lẫn đầu vào của nhiều ngành kinh tế và các chuỗi giá trị toàn cầu.

Vẫn biết rằng chúng ta đang sống trong một thế giới hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau và chuỗi giá trị toàn cầu là mô thức phổ biến của các ngành công nghiệp. Nhưng chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam là một mắt khâu đang trở nên mong manh và dễ bị tổn thương.

Chúng ta hãy nhìn lại các con số: Khách du lịch Trung Quốc chiếm tới 30% tổng lượng khách nước ngoài; Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 35% kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam; nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, túi xách, điện tử… nhập từ Trung Quốc chiếm tới 50-60% tổng giá trị đầu vào cho sản xuất.

Với tình trạng này thì khó có thể yên ổn được, khi DN Trung Quốc “hắt hơi”, DN Việt Nam không “sổ mũi” thì mới là chuyện lạ và tác động của Covid -19 chỉ là một ví dụ.

Vậy theo ông cần phải làm gì để không bị phụ thuộc và tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế?

Những diễn biến hiện nay cho thấy thị trường thế giới ngày càng trở nên bất định, khó lường. Và không ai có thể bảo đảm rằng trong tương lai không chỉ Hoa Kỳ, Trung Quốc mà ngay cả Nhật Bản, Hàn Quốc... khi gặp khó khăn họ sẽ không tìm cách quay trở lại bảo vệ thị trường nội địa.

Chúng ta ngày càng ngộ ra rằng muốn vươn ra thị trường thế giới thì phải đứng vững trên thị trường nội địa. Với 100 triệu dân và tầng lớp trung lưu bùng nổ, với một nền kinh tế đang lên, thị trường trong nước phải là điểm tựa, là tài nguyên lớn nhất cho sự phát triển quốc gia. Các cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam” cần có thêm những xung lực mới...

Đồng thời đa dạng hóa thị trường quốc tế, định hình lại các chuỗi giá trị thông qua tái cấu trúc nền kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào bất kỳ thị trường nào.

Cũng cần chú trọng hơn việc xây dựng và điều hành chính sách công nghiệp quốc gia, tập trung vào những ngành, những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh và phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết, tận dụng tối đa các thị trường mới mở ra từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng các kênh cung ứng và đa dạng hoá thị trường.

Chính phủ đã liên tục có nhiều cuộc họp phân tích đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới phát triển kinh tế-xã hội và bàn các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Những biện pháp cấp bách này là gì, thưa ông?

Nhiều DN, cơ sở sản xuất kinh doanh đang ở trong tình trạng cấp bách đòi hỏi những giải pháp khẩn cấp để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Phải xác định hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, giải quyết thủ tục hành chính cũng phải khẩn trương, quyết liệt như chống dịch đồng thời phải cố gắng giảm được chi phí cho DN để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Chúng tôi đề nghị thành lập Tổ công tác của Chính phủ trợ giúp DN đối phó với dịch cúm Covid-19. Tổ công tác vừa tham mưu cho Thủ tướng về giải pháp vừa đôn đốc kiểm tra việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ DN của các bộ, ngành địa phương, các hiệp hội DN...

Thủ tướng bày tỏ mong muốn được nghe đề xuất về một “liều vaccine kép” để có thể đạt mục tiêu vừa chống dịch Covid-19, vừa giữ được nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Vậy, liều vaccine này cần những thành phần nào?

Theo tôi, để hỗ trợ DN cần thực hiện 12 giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát để thu hút đầu tư và duy trì tăng trưởng, cố gắng đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra.

Thứ hai, tập trung đẩy nhanh giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh ở tất cả mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực để đẩy nhanh tiến độ giải ngân và huy động mọi nguồn vốn xã hội vào sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời những vướng mắc gây ách tắc các hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc. Đồng thời giải quyết linh hoạt các thủ tục sau thông quan để hỗ trợ DN hoán đổi mã vật tư nguyên liệu để khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo đảm vật tư cho sản xuất kinh doanh, duy trì đơn hàng và công ăn việc làm cho người lao động.

Thứ tư, các TCTD nghiêm túc thực hiện giải pháp hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như chỉ đạo của NHNN.

Thứ năm, nên miễn, giảm có thời hạn các khoản thuế và phí, giãn tiến độ nộp, giảm tiền thuê đất và mặt bằng sản xuất kinh doanh; giãn, hoãn và giảm các khoản đóng góp quỹ BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế cho các DN chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh. Cơ quan BHXH nghiên cứu hỗ trợ DN chi trả tiền lương cho người lao động phải nghỉ việc do bất khả kháng từ dịch bệnh Covid-19.

Thứ sáu, tạm thời không thu một số loại phí, lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính. Chưa tăng các loại giá các dịch vụ và giá vật tư đầu vào cho sản xuất kinh doanh do nhà nước quản lý. Chưa thu phí C/O từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Thứ bảy, để thu hút khách, giúp du lịch phục hồi nên mở rộng diện miễn visa cho các quốc gia và vùng lãnh thổ, miễn visa du lịch, kéo dài thời hạn visa, giảm lệ phí visa...

Thứ tám, khuyến khích các DN cung ứng không tăng giá dịch vụ, giá cước vận tải, giá vật tư trong thời gian tới và cố gắng giảm giá, cước phí cho DN.

Thứ chín, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, tăng cường kết nối phát triển thị trường nội bộ giữa các DN và hiệp hội DN trong tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, tìm nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu, chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm quản lý.

Thứ mười, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường, đa dạng thị trường, khai thác tận dụng các thị trường mới mở ra từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA, CPTPP…

Mười một, hiệu ứng của dịch cúm Covid-19 không chỉ đặt ra cho chúng ta yêu cầu tái cấu trúc về thị trường, mà việc tiết giảm hội họp, giảm lễ hội, giảm đi lại, giảm các hoạt động phô trương, giảm chi phí trong thời gian dịch bệnh đã chỉ cho chúng ta những dư địa và gợi ý về những mô hình và cách thức tổ chức lại cuộc sống và công tác, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả các hoạt động của xã hội, của các cơ quan nhà nước, DN và các gia đình.

Mười hai, năm nay là năm chúng ta đối phó với dịch bệnh, cũng là năm triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và là năm chúng ta chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Vì thế, chúng tôi kiến nghị tiếp tục phát động một đợt sóng cải cách mới trong thể chế kinh tế mang tên “Chương trình nghị sự 25-20” cho năm 2020 với nội dung trọng tâm là tập trung xử lý dứt điểm 25 điểm chồng chéo trong pháp luật kinh doanh và đầu tư, tiếp tục cắt giảm đơn giản hóa ít nhất 20% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong kiểm tra chuyên ngành.

Việc hoàn thiện hệ thống thể chế tích hợp với thực hiện Chính phủ điện tử và nỗ lực của cộng đồng DN trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh doanh, phát triển bền vững chắc chắn sẽ khơi nguồn cho những động lực mới trong nền kinh tế. Đây vừa là biện pháp cấp bách trước mắt vừa là biện pháp cơ bản và lâu dài.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả