menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
TS Quách Mạnh Hào

Hiểu và dùng phân tích cơ bản

Trong đầu tư chứng khoán, có hai trường phái phân tích truyền thống là cơ bản và kỹ thuật. Phân tích cơ bản sử dụng kiến thức kinh tế và tài chính doanh nghiệp rồi đưa vào mô hình định giả đế tìm ra giá trị cổ phiếu, từ đó so sánh với giá thị trường để ra quyết định.

Phân tích kỹ thuật sử dụng đồ thị và các chỉ số để tìm ra giá mua vào và giá bán ra phù hợp. Trong khi phân tích cơ bản đòi hỏi hiểu sâu về doanh nghiệp, phân tích kỹ thuật có thể áp dụng cho bất cứ tài sàn nào có giao dịch.

Hầu hết các sách dạy về đầu tư đều là phân tích cơ bản. Họ sẽ nói rằng bạn cần phải có cách tiếp cập trên xuống, hoặc dưới lên, nhưng tựu trung lại, cuối cùng bạn sẽ ngồi mày mò tính toán cho một cổ phiếu cụ thể. Nó rất mất thời gian. Và nó cũng không phải là việc dễ dàng, ngay cả đối với chính doanh nghiệp đó, huống hồ bạn là người ngoài. Rút cục, bạn sẽ chẳng bao giờ có một câu trả lời đúng.

Hãy tưởng tượng ngay cả phương pháp đơn giản nhất là so sánh chỉ số PE, bạn cũng sẽ thấy là việc ước lượng EPS trong tương lai gần là một việc vô cùng khó. Vậy thì những phương pháp phức tạp như chiết khấu dòng tiền thì bạn sẽ còn cảm thấy bế tắc thế nào khi bạn phải ước lượng dòng tiền cho một tương lai xa 5, 10 năm và sau đó. Những thứ đó lại chỉ có thể làm được khi bạn cần hiểu về kinh tế, về ngành, thị trường, về lãnh đạo, mô hình kinh doanh, đạo đức này kia... Nói cách khác, bạn không thể làm được. Doanh nghiệp cũng không thể làm được. Vậy tại sao bạn lại dùng nó?

Tôi đã cho sinh viên làm rất nhiều bài định giá, vừa là bài học, vừa là để dùng cho quỹ đầu tư sinh viên. Một điều tôi luôn yêu cầu sinh viên làm là: đối với mô hình định giá mà các em đang sử dụng, hãy thử cho từng biến số thay đổi, rồi các biến số cùng thay đổi, xem kết quả định giá thế nào. Kết cục là kết quả thay đổi rất nhiều đến mức nó chẳng có ý nghĩa gì vì khoảng giá quá lớn.

Nói cách khác, khi bạn chỉ là một người thợ số liệu, kết quả mà bạn có được thực ra chỉ là một phỏng đoán hoang đường, nó phụ thuộc vào tâm trạng của bạn. Khi phấn khích, bạn thường có xu hướng phóng đại con số, còn khi lo lắng bạn lại thường bi quan quá mức. Vậy tức là định giá của bạn đã phụ thuộc tâm lý thị trường rồi. Ngay kể cả khi bạn là người có kinh nghiệm hơn, thậm chí là một người trong ngành, trong chính doanh nghiệp bạn định giá, thì bạn cũng thường gặp vấn đề tâm lý này, mặc dù khoảng phỏng đoán của bạn có thể sẽ hẹp hơn.

Nói như vậy để thấy rằng trên thị trường, tất cả chúng ta là người ngoài cuộc và chỉ là thợ số liệu. Nhưng thật may, vì tất cả chúng ta đều như vậy, nên nó lại có điểm chung. Đó là chúng ta thường tin vào những gì đơn giản nhất, dễ nhìn nhất. Đó chính là lý do tại sao mà chỉ số PE với EPS trong quá khứ được sử dụng rộng rãi, mặc dù nó không nói nhiều về tương lai nhưng nó lại so sánh được ở hiện tại. Đó cũng là lý do tại sao mà các bản tin ngắn gọn viết về doanh nghiệp lại thu hút hơn là các mô hình dòng tiền phức tạp.

Nhưng cái gì cũng có tình hai mặt. EPS và PE có thể làm đẹp bằng các thủ thuật kế toán lợi nhuận trong kỳ, chẳng hạn thông qua việc bán tài sản. Các bản tin về doanh nghiệp cũng có thể đưa những thông tin không đáng tin hoặc không thể kiểm chứng. Bởi vậy, bạn cần một chút kiến thức kế toán để tìm hiểu EPS đến từ các hoạt động thường xuyên. Còn các doanh nghiệp cũng cần có chiến lược quan hệ nhà đầu tư (IR) bài bản và nghiêm túc để thông tin được tin dùng.

Nói dông dài như vậy nhưng cuối cùng tôi trở lại câu hỏi “vậy tại sao bạn dùng phân tích cở bản?”. Theo quan sát của tôi, sai lầm lớn nhất của các nhà đầu tư giao dịch chứng khoán là dùng kết quả phân tích cơ bản như một con số đứng im. Nghĩa là, họ chỉ so sánh giá hiện tại của một cổ phiếu với kết quả định giá để ra quyết định. Những câu khuyến nghị truyền thống kiểu như “chúng tôi khuyến cáo mua cổ phiếu x ở mức giá y với giá mục tiêu z trong khoảng thời gian t” thực ra là vô nghĩa đối với người giao dịch bởi vì bạn thường ra vào theo chu kỳ thị trường. Tôi thậm chí không mấy khi để ý tới kết quả định giá, nhưng tôi lại đọc rất kỹ các thông tin và giả định được đưa ra bởi nó cho tôi cảm nhận và thông tin về doanh nghiệp. Tất nhiên, nếu bạn nói rằng bạn nắm giữ dài hạn thì tôi không đề cập.

Nhưng phân tích cơ bản không phải là vô nghĩa, nó phụ thuộc cách bạn dùng. Tôi luôn quan tâm tới các chu kỳ kinh tê, thị trường và tâm lý; quan tâm tới sự luân chuyển của dòng tiền và nhận thấy rằng tại mỗi giai đoạn của thị trường luôn có một lớp cổ phiếu được tìm kiếm, và trong mỗi lớp cổ phiếu, thị trường lại tìm cổ phiếu an toàn hơn. Điều này có nghĩa là nếu bạn dùng phân tích cơ bản để xếp hạng cổ phiếu trong cùng một lớp thì có thể sẽ hữu ích hơn.

Giả sử nếu định giá so với giá thị trường (không cần phải cao hơn) của cổ phiếu A là tốt so vơi B, thì A nên được chọn trước trong cùng lớp cổ phiếu. (Bạn nên đọc lại 3 bài trước bài này để hiểu về nội dung này). Việc xếp hạng này sẽ tốt hơn nếu do bạn tự định giá (vì nó cùng một kiểu rủi ro) hoặc nếu bạn không có thời gian, bạn nên sử dụng ít nhất là cùng một nguồn (ví dụ cùng 1 cty chứng khoán). So sánh 2 cổ phiếu từ 2 nguồn khác nhau thường rất ít có ý nghĩa.

Như vậy, nếu bạn là một người không có thời gian, không chuyên hoặc không phải dân kinh tế, bạn hoàn toàn có thể dùng phân tích cơ bản theo cách của mình. Những điều đơn giản, nhiều người biết, thường có tác động nhiều hơn là những gì phức tạp. Phân tích cơ bản tưởng chừng là phức tạp, nhưng thực ra nó lại đơn giản để dùng trong thực chiến hàng ngày. Vì vậy, hãy chuẩn bị cho mình một tâm lý khỏe (Bài 1), một cách nhận diện chu kỳ thị trường (Bài 2), một danh sách cổ phiếu theo từng lớp được xếp hạng (Bài 3 và 4), bạn sẽ trở nên tự tin hơn với quyết định của mình.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
TS Quách Mạnh Hào

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

1 Yêu thích
2 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại