Hiểu thế nào về miễn trách nhiệm hình sự từ vụ cựu giám đốc CDC Bình Dương
VOV.VN - Trong vụ Việt Á, cựu giám đốc CDC Bình Dương là một trong số ít bị cáo từ chối nhận tiền và là bị cáo duy nhất được tuyên miễn trách nhiệm hình sự. Trong vụ án này ông Danh được ghi nhận là "trường hợp khác biệt" đã "không tư lợi" khi nhiều lần kiên quyết từ chối nhận tiền của Công ty Việt Á. Ông cũng nhiều lần cảnh báo cấp dưới tránh sai phạm trong quá trình chống dịch.
Ngày 12/1, TAND TP Hà Nội đã tiến hành tuyên án 38 bị cáo trong "đại án" Việt Á. Trong số 38 bị cáo, HĐXX chỉ tuyên miễn trách nhiệm hình sự cho duy nhất một người là ông Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc CDC Bình Dương.
Trong vụ án này, ông Danh được ghi nhận là "trường hợp khác biệt" đã "không tư lợi" khi nhiều lần kiên quyết từ chối nhận tiền của Công ty Việt Á. Ông cũng nhiều lần cảnh báo cấp dưới tránh sai phạm trong quá trình chống dịch...
Vậy hiểu thế nào là miễn trách nhiệm hình sự? Về vấn đề này luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, về nguyên tắc, người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Nếu hành vi vi phạm pháp luật đến mức được xác định là nguy hiểm cho xã hội thì người thực hiện hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, xác định là phạm tội và phải chịu hình phạt.
Tuy nhiên, để phân hóa hành vi phạm tội, thể hiện chính sách khoan hồng nhân đạo của pháp luật, khuyến khích người thực hiện hành vi phạm tội khắc phục hậu quả, sửa chữa lỗi lầm, giảm bớt thiệt hại cho xã hội, pháp luật có quy định những trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện (án treo)... Khoản 2, Điều 8 BLHS quy định "Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác".
Cụ thể, theo luật sư Cường, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm pháp luật sẽ quyết định đến trách nhiệm hình sự. Nếu tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì hành vi vi phạm pháp luật đó sẽ được xử lý bằng các biện pháp khác mà không phải là chế tài hình sự.
"Điều 29, Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự. Theo đó, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây: Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Khi có quyết định đại xá. Ngoài ra, người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây: Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận"- Luật sư Cường phân tích.
Cùng với đó, người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Bởi vậy, nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 29 Bộ luật hình sự nêu trên thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể ban hành quyết định miễn trách nhiệm hình sự.
Trong đó có 6 trường hợp miễn nhiệm sau: Thay đổi chính sách, pháp luật khiến hành vi không còn nguy hiểm (hành vi không còn được xác định là tội phạm nữa, đã được "phi hình sự hóa" trong quá trình sửa đổi bộ luật hình sự); có quyết định đặc xá; quá trình thực hiện thủ tục tố tụng hình sự mà có chuyển biến tình hình khiến hành vi không còn nguy hiểm; trong quá trình tố tụng người bị buộc tội mắc bệnh hiểm nghèo không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, Khiến vụ việc được giải quyết nhanh chóng, dứt điểm, giảm bớt hậu quả thiệt hại cho xã hội, Lập công lớn hoặc có thành tích đặc biệt đối với xã hội; trường hợp hành vi phạm tội với lỗi vô ý, hậu quả không đáng kể hoặc với lỗi cố ý nhưng thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, hậu quả đã được khắc phục, người bị hại có đơn xin miễn trách nhiệm hình sự thì cũng có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự.
Vì vậy, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại điều 29 bộ luật hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ quyết định miễn trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo.
Liên quan đên vụ Việt Á, luật sư Cường cho hay, chiều (12/1), Viện Kiểm sát bất ngờ đưa ra một số đề nghị mới. Trong đó, đáng chú ý viện kiểm sát bất ngờ đề nghị tòa tuyên miễn trách nhiệm hình sự cho ông Nguyễn Thành Danh (cựu giám đốc CDC Bình Dương) và Trần Thanh Phong (cựu phó phòng tài chính kế toán CDC Bình Dương).
Theo cơ quan công tố, cả hai người này đều không có yếu tố vụ lợi trong vụ án Việt Á. Khi công bố bản án, hội đồng xét xử áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt tuyên miễn trách nhiệm hình sự đối với ông Nguyễn Thành Danh. Bị cáo Trần Thanh Phong bị tuyên phạt 24 tháng tù cho hưởng án treo. Theo bản án, ông Danh nhận thức rõ hành động của mình khi đó có thể dẫn tới việc bị xử lý, xong vẫn "dám nghĩ dám làm" và không ngại vất vả "vì sức khỏe đồng bào". Trong vụ án này ông Danh được ghi nhận là "trường hợp khác biệt" đã "không tư lợi" khi nhiều lần kiên quyết từ chối nhận tiền của Công ty Việt Á. Ông cũng nhiều lần cảnh báo cấp dưới tránh sai phạm trong quá trình chống dịch.
Luật sư Cường thông tin thêm, theo nội dung kết luận điều tra và cáo trạng của vụ án này thì có nhiều người thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Sở y tế, UBND ở nhiều địa phương có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh nhưng hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm hoặc có dấu hiệu tội phạm nhưng được miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 29 BLHS. Trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay thì không ít những cán bộ bị xử lí do "vượt rào", làm trái công vụ, gây thiệt hại đến nhà nước.
Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp làm trái công vụ nhưng không vì vụ lợi, mục đích chỉ để làm tốt hơn công việc phải phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Chính vì vậy, khi thực hiện chính sách hình sự, Đảng và Nhà nước ta cũng có sự phân loại, phân hóa để khuyến khích cán bộ đổi mới sáng tạo, đột phá vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Đó là chủ trương chung của Đảng và Nhà nước trong công cuộc đổi mới hiện nay. Với tinh thần ấy, ngày 29/9/2023 Chính phủ cũng đã ban hành nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Cụ thể, theo luật sư Cường, Nghị định này có phạm vi áp dụng với cán bộ, công chức lãnh đạo cơ quan, tổ chức hành chính cả nước; viên chức quản lý đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp Theo đó, trong quá trình thực hiện công vụ, nhiệm vụ, cán bộ được khuyến khích và bảo vệ phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng, ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan mà không vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, không có động cơ vụ lợi. Nghị định này quy định cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo được đánh giá là hoàn thành thì không bị xử lý trách nhiệm pháp luật. Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra, nhưng được cơ quan đánh giá đúng chủ trương, động cơ trong sáng, vì lợi ích chung, thì được loại trừ trách nhiệm pháp luật.
Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra và gây thiệt hại, nhưng được cơ quan đánh giá đúng chủ trương, động cơ trong sáng, vì lợi ích chung cũng được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.
"Điều 11. Biện pháp bảo vệ cán bộ 1. Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định này thì không bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật có liên quan. 2. Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra nhưng được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, đánh giá đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định này thì được loại trừ trách nhiệm theo quy định của pháp luật có liên quan. 3. Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra và gây ra thiệt hại nhưng được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, đánh giá đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định này thì được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định của pháp luật có liên quan.". Trước đó, tháng 9/2021, Bộ Chính trị ban hành kết luận yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách.
Theo luật sư Cường, việc này tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có, nhưng không phù hợp với thực tiễn; mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung. Có thể thấy rằng chính sách pháp luật về quá trình thực hiện nhiệm vụ công vụ của cán bộ liên quan đến đổi mới sáng tạo dám nghĩ dám làm, cách làm đột phá vì lợi ích nhà nước, lợi ích quốc gia, không vụ lợi trong thời gian qua đã có những thay đổi quan trọng.
Đây là chính sách pháp luật mới, là tình hình mới là căn cứ để áp dụng điều 29 Bộ Luật hình sự miễn trách nhiệm hình sự cho những cán bộ vượt rào gây thiệt hại nhưng không vì vụ lợi. Sở dĩ một số cán bộ có liên quan đến phòng chống dịch bệnh được miễn trách nhiệm hình sự, không bị khởi tố trong vụ án này là do kết quả xác minh ban đầu xác định đủ điều kiện để áp dụng điều 29 bộ luật hình sự nên cơ quan điều tra không khởi tố. Còn đối với ông Danh, cựu Giám đốc trung tâm kiểm soát bệnh tật Bình Dương thì hành vi có dấu hiệu tội phạm nên cơ quan điều tra đã khởi tố, tạm giam để tiến hành điều tra, truy tố, xét xử là có căn cứ.
"Trong suốt quá trình điều tra truy tố xét xử bị cáo này không kêu oan, không khiếu nại các quyết định hành vi tố tụng. Tại phiên tòa sơ thẩm thì bị cáo cũng nhận tội nhưng chỉ đề nghị xem xét trách nhiệm pháp lý sao cho phù hợp giữa công và tội và xem xét đến bối cảnh phòng chống dịch bệnh thời điểm đó, luật sư đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Về bản chất pháp lý thì hành vi của bị cáo này thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm nên việc điều tra truy tố xét xử và thực hiện biện pháp ngăn chặn là tạm giam là có căn cứ. Quá trình giải quyết vụ án, viện kiểm sát đề nghị tòa án xét xử bị cáo bằng thời hạn tạm giam, sau đó viện kiểm sát thay đổi quan điểm luận tội đối với một số bị cáo, trong đó đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho hai bị cáo, trong đó có ông Danh. Sau khi nghị án thì hội đồng xét xử quyết định miễn trách nhiệm hình sự đối với ông Danh theo đề nghị của viện kiểm sát và luật sư bào chữa là có căn cứ, đúng pháp luật"- luật sư Cường thông tin thêm.
Việc miễn trách nhiệm hình sự đối với bị cáo, dựa trên tinh thần của đảng và nhà nước về đấu tranh phòng chống tham nhũng, về bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm theo các Nghị quyết của đảng và Nghị định của chính phủ. Theo luật sư Cường, đây là sự thay đổi của chính sách pháp luật, làm chuyển biến tình hình khiển hành vi của bị cáo không còn nguy hiểm nữa nên căn cứ vào chính sách pháp luật mới, chính sách hình sự, chính sách xét xử hình sự trong thời điểm hiện nay thì việc tòa án miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo này là có căn cứ, thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo của pháp luật, khuyến khích cán bộ đổi mới sáng tạo vì lợi ích của quốc gia, của công cộng. Đây là tinh thần xuyên suốt trong chính sách hình sự của đảng và nhà nước ta.
Trước đó thì bộ luật hình sự năm 2015 cũng đã có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với một số trường hợp, trong đó có trường hợp rủi ro trong nghiên cứu khoa học, thực hiện theo mệnh lệnh cấp trên... Chính sách pháp luật ở Việt Nam trong đó có chính sách hình sự luôn luôn hoàn thiện trên cơ sở thực tiễn, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn để bảo vệ những quan hệ pháp luật quan trọng, chủ yếu, bảo vệ những người cán bộ dám nghĩ dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì sự nghiệp chung của đảng và nhà nước, của nhân dân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận