24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Sơn Phan
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hiểu rõ về sản phẩm phái sinh thứ 2

Sản phẩm phái sinh thứ 2 - hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ (HĐTL TPCP) do Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và Sở GDCK Hà Nội (HNX) phối hợp xây dựng dự kiến sẽ chính thức giao dịch vào ngày 4/7/2019. Đầu tư Chứng khoán xin giới thiệu bài viết từ VSD để giúp nhà đầu tư hiểu hơn về sản phẩm trước ngày khai trương. 

HÐTL TPCP là một loại chứng khoán phái sinh dựa trên tài sản cơ sở là trái phiếu giả định có các đặc trưng cơ bản của TPCP (kỳ hạn 5 năm, mệnh giá 100.000 đồng, lãi suất danh nghĩa 5%/năm, trả lãi 12 tháng/lần, trả gốc 1 lần khi đáo hạn). Danh sách TPCP có thể chuyển giao được xác định cho từng tháng hợp đồng với mục đích phục vụ cho hoạt động thanh toán đáo hạn. Theo thiết kế này thì giá của HÐTL TPCP sẽ thay đổi theo biến động của giá TPCP trên thị trường cơ sở và có thể sử dụng để phòng vệ rủi ro lãi suất.

Về cơ chế giao dịch, giống như HÐTL chỉ số VN30, trước khi đáo hạn thì tại bất kỳ thời điểm nào trong phiên giao dịch, nhà đầu tư có thể mở và đóng vị thế nhằm hưởng chênh lệch giá (lỗ, lãi vị thế) hoặc mở vị thế và xác định lỗ, lãi vị thế dựa theo giá thanh toán cuối ngày do VSD xác định. Ðối với cơ chế bù trừ, thanh toán thì để việc tham giao dịch được thuận lợi nhất, nhà đầu tư cần lưu ý một số vấn đề.

Hiểu rõ về sản phẩm phái sinh thứ 2

Thứ nhất, về mở tài khoản để giao dịch, ký quỹ và bù trừ, thanh toán:

Theo quy định cũng như thiết kế hệ thống hiện tại thì không đòi hỏi nhà đầu tư phải có bộ tài khoản riêng cho HÐTL TPCP mà có thể sử dụng các tài khoản giao dịch và ký quỹ đã mở cho mục đích giao dịch HÐTL chỉ số VN30 (nếu có) để giao dịch và thanh toán HÐTL TPCP. Trong trường hợp chưa có tài khoản, nhà đầu tư có thể đăng ký tài khoản cho giao dịch và ký quỹ chứng khoán phái sinh theo nguyên tắc tại mỗi thành viên giao dịch, nhà đầu tư được mở một tài khoản giao dịch, tại mỗi thành viên bù trừ, nhà đầu tư được mở một tài khoản ký quỹ để phục vụ cho mục đích ký quỹ và thanh toán chứng khoán phái sinh.

Cho đến tháng 6/2019 đã có 14 công ty chứng khoán được VSD chấp thuận làm thành viên bù trừ, trong đó gồm 3 thành viên bù trù chung là SSI, VDS và ACBS; 11 thành viên bù trừ trực tiếp là HSC, BSC, MBS, VCSC, VPS, KIS, MAS, VDSC, IBS, VCBS, FPTS. 14 công ty chứng khoán này cũng đồng thời là thành viên giao dịch của HNX, do đó nhà đầu tư có thể đến bất kỳ công ty chứng khoán nào trong số 14 công ty trên để làm thủ tục mở và đăng ký tài khoản giao dịch, tài khoản ký quỹ cho HÐTL TPCP.

Riêng đối với nhà đầu tư tổ chức là các ngân hàng thương mại, do hiện chưa có ngân hàng thương mại nào đăng ký làm thành viên bù trừ của VSD nên để tham gia hoạt động giao dịch và bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh, ngân hàng có thể đăng ký làm thành viên giao dịch đặc biệt của HNX để giao dịch HÐTL TPCP và thực hiện bù trừ, thanh toán qua một trong 3 thành viên bù trừ chung nói trên hoặc mở tài khoản tại một thành viên bù trừ bất kỳ để giao dịch như một nhà đầu tư thông thường.

Thứ hai, về cơ chế ký quỹ

Về cơ bản, cơ chế ký quỹ do VSD áp dụng đối với sản phẩm HÐTL TPCP cũng tương tự như sản phẩm HÐTL chỉ số VN30, theo đó dựa trên số lượng vị thế dự kiến giao dịch, nhà đầu tư sẽ nộp ký quỹ cho thành viên bù trừ và thành viên bù trừ nộp ký quỹ cho VSD trước khi nhận lệnh giao dịch của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, do có sự khác biệt về mặt thiết kế sản phẩm cũng như cơ chế thanh toán đáo hạn nên bên cạnh việc phải nộp ký quỹ ban đầu và giám sát tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ tức thời tương tự như đối với HÐTL chỉ số cổ phiếu VN30, trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện thanh toán cuối cùng HÐTL TPCP sẽ phải nộp ký quỹ thực hiện HÐTL TPCP theo hình thức chuyển giao vật chất (DM) thay thế cho ký quỹ ban đầu trong khoảng thời gian từ sau ngày đáo hạn (E: Expiry date) cho đến ngày thực hiện việc thanh toán cuối cùng (E+3).

Về tỷ lệ ký quỹ ban đầu và tỷ lệ ký quỹ chuyển giao vật chất cụ thể sẽ do thành viên bù trừ quyết định, nhưng trên nguyên tắc đảm bảo không thấp hơn tỷ lệ ký quỹ tối thiểu do VSD công bố. Hai loại tỷ lệ ký quỹ này sẽ được VSD tính toán và công bố tối thiểu là 2 ngày làm việc trước khi áp dụng, trong đó tỷ lệ ký quỹ ban đầu sẽ được VSD định kỳ đánh giá lại vào ngày 1, 10 và 20 hàng tháng để có sự điều chỉnh nếu cần thiết.

Hiểu rõ về sản phẩm phái sinh thứ 2

Về tài sản được chấp thuận ký quỹ, theo quy định hiện hành, nhà đầu tư phải nộp ký quỹ 100% bằng tiền đối với ký quỹ ban đầu, riêng đối với ký quỹ chuyển giao vật chất, nhà đầu tư bên mua thực hiện nộp ký quỹ bằng tiền, nhà đầu tư bên bán có thể nộp ký quỹ bằng tiền hoặc chứng khoán là TPCP nằm trong danh sách trái phiếu có thể chuyển giao (mỗi tháng hợp đồng của HÐTL TPCP sẽ có một danh mục TPCP có thể chuyển giao riêng biệt, được VSD phối hợp với HNX xác định và công bố trước khi đưa tháng hợp đồng đó vào giao dịch).

Thứ ba, về cơ chế bù trừ, thanh toán

Tương tự như HÐTL chỉ số VN30, hoạt động bù trừ, thanh toán đối với HÐTL TPCP sẽ bao gồm 2 loại là thanh toán lãi/lỗ vị thế hàng ngày và thanh toán đáo hạn, tuy nhiên việc thanh toán đáo hạn đối với HÐTL TPCP sẽ được thực hiện theo hình thức chuyển giao tài sản cơ sở thay vì thanh toán bằng tiền như HÐTL chỉ số VN30. Theo quy chế của VSD, việc thanh toán đáo hạn HÐTL TPCP sẽ được thực hiện theo chu kỳ E+3, trong đó nhà đầu tư bên bán có trách nhiệm chuyển giao trái phiếu và được thanh toán tiền, nhà đầu tư bên mua có trách nhiệm thanh toán tiền và được nhận trái phiếu.

Xuất phát từ đặc thù của HÐTL TPCP là thanh toán theo hình thức chuyển giao vật chất nên nhà đầu tư khi tham gia vào quá trình thanh toán HÐTL TPCP cần lưu ý trong trường hợp không có kế hoạch nắm giữ vị thế đến khi hợp đồng đáo hạn để tham gia vào hoạt động thanh toán cuối cùng HÐTL TPCP thì cần theo dõi và kịp thời tiến hành mở vị thế đối nghịch để đóng vị thế trước khi kết thúc phiên giao dịch của ngày giao dịch cuối cùng.

Trong trường hợp tham gia vào quá trình thanh toán chuyển giao, trong ngày đáo hạn, sau khi kết thúc giao dịch, nhà đầu tư bên mua có trách nhiệm chứng minh khả năng thanh toán tiền và nhà đầu tư bên bán có trách nhiệm chứng minh khả năng thanh toán chuyển giao TPCP.

Trong trường hợp không chứng minh được khả năng thanh toán tiền, vị thế của nhà đầu tư bên mua sẽ được chuyển sang tài khoản của nhà đầu tư có vị thế đối ứng để đóng vị thế bắt buộc và thanh toán bằng tiền (bồi thường) cho nhà đầu tư đối ứng đó. Nhà đầu tư bên bán được phép tiếp tục vay, mua số lượng TPCP còn thiếu (nếu có) để đảm bảo đủ TPCP cho phân bổ vào ngày E+2 và thanh toán vào ngày E+3. Các trường hợp thiếu TPCP để giao sẽ được chuyển sang thanh toán bằng tiền (bồi thường) theo Quy chế của VSD.

Do tất cả các trường hợp không đủ tiền để thanh toán, thiếu chứng khoán để chuyển giao đều phải bồi thường cho bên liên quan với số tiền không thấp hơn 5% giá trị mất khả năng thanh toán nên nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tham giao dịch sản phẩm này, đồng thời thành viên bù trừ cần xây dựng quy trình vận hành, quản lý rủi ro chặt chẽ, thiết kế hợp đồng cần có cơ chế thường xuyên giám sát, đảm bảo khả năng thanh toán của khách hàng trước và trong giai đoạn thanh toán đáo hạn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả