24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lưu Duy Quang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hết sốt lãi suất, tiền đổ vào đâu?

Lãi suất bớt phần hấp dẫn, nhiều người kỳ vọng dòng tiền tiết kiệm sắp đáo hạn sẽ chuyển dịch sang các tài sản rủi ro cao hơn như bất động sản và chứng khoán.

Chứng khoán vắng dòng tiền... mới

Từ tháng 3 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành. Trong đó, từ ngày 25/5, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 5,5% xuống 5%. Dữ liệu giao dịch trong quá khứ cho thấy, sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất, VN-Index thường tăng nhẹ trong 3 tháng đầu và mạnh dần lên. Tính trung bình giai đoạn 6 tháng sau đợt nâng lãi suất, VN-Index tăng khoảng 13,6%.

Cũng như xu hướng vận động của thị trường ở những lần trước, đến nay, sau hơn 1 tuần Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, VN-Index tăng khoảng 27 điểm (2,5%). Thanh khoản liên tục gia tăng, dòng tiền có dấu hiệu quay lại thị trường chứng khoán. Phiên hôm nay (2/6), thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 21.240 tỷ đồng, cao nhất từ đầu năm.

Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, chứng khoán VNDirect - nhận định, về trung và dài hạn, việc lãi suất hạ nhiệt sẽ có tác động tích cực tới thị trường chứng khoán. Lãi suất hạ nhiệt giúp giảm chi phí cơ hội khi đầu tư chứng khoán, đồng thời làm giảm chi phí tài chính của doanh nghiệp, từ đó cải thiện lợi nhuận của thị trường. Xu hướng lãi suất và thu nhập thị trường vận động tích cực hơn sẽ tạo sức bật cho thị trường chứng khoán.

Hết sốt lãi suất, tiền đổ vào đâu?

Sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất, VN-Index thường tăng nhẹ trong 3 tháng đầu và mạnh dần lên (Dữ liệu: BSC).

Xét về ngành, theo số liệu của Chứng khoán BIDV (BSC), trong 3 lần Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành gần đây, nhìn chung, các ngành đều có phản ứng tích cực trong ngắn và trung hạn. Tuy nhiên, mức độ tích cực của mỗi ngành khác nhau trong từng giai đoạn. Trong đó, dịch vụ tài chính và viễn thông là hai nhóm tăng trưởng tích cực nhất.

Dù lãi suất tiết kiệm giảm, nhưng theo ông Bùi Văn Huy - Giám đốc chi nhánh TPHCM, Công ty Chứng khoán DSC - trong ngắn hạn, việc tiền chảy vào chứng khoán sẽ khó xảy ra. “Thị trường không có tiền mới tham gia, mà chủ yếu là tiền cũ và có xu hướng dùng margin cao hơn hoặc tăng thêm tỷ trọng. Kênh chứng khoán và tiết kiệm hiện tại có một bức tường ngăn cách lớn, mà lớn nhất là tâm lý ám ảnh thua lỗ của nhà đầu tư”, ông Huy phân tích.

Các khoản tiết kiệm hồi đỉnh lãi suất sắp đáo hạn, nhưng lãi suất huy động lại giảm sâu. Theo ông Huy, điều kiện để tiền từ tiết kiệm chảy vào chứng khoán, là lãi suất tiết kiệm phải cực thấp trong thời gian đủ lâu (kỳ hạn 6 tháng khoảng dưới 5%). Mặt khác, cảm nhận của nhà đầu tư về xác suất lỗ khi chơi chứng khoán phải xuống thấp, triển vọng nền kinh tế, vĩ mô sáng trở lại.

Chuyên gia của Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Sản xuất và tiêu dùng là hai lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, và hiện tại cả hai lĩnh vực đều đối mặt với sự suy giảm hoạt động.

Bất động sản chờ chính sách

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, lãi suất hạ là tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản, giải quyết được vấn đề về thanh khoản. Bởi trong thời gian dài qua, lãi suất tăng cao khiến tâm lý người mua e ngại xuống tiền, từ đó kéo sụt giảm thanh khoản.

Ông Nguyễn Văn Đính dự báo, thị trường bất động sản sắp tới sẽ có nhiều thay đổi thông qua các chính sách mới được ban hành nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở bình dân, dự án hỗ trợ dòng vốn thị trường bất động sản (đặc biệt là các dự án đang thi công dở), cải thiện dòng tiền cho người vay mua nhà ở xã hội.

Ông Đính cũng đặt kỳ vọng về việc thông qua Luật Đất đai sửa đổi 2023 để tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý trong việc phê duyệt nhà ở mới, dần phục hồi nguồn cung nhà ở. "Nhìn chung, mặc dù chưa sôi động nhưng thị trường bất động sản trong thời gian gần đây đã có giao dịch trở lại" - ông Đính nói.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản thời gian tới vẫn tiếp tục gặp khó khăn khi vướng mắc lớn nhất về pháp lý chưa được khơi thông. Dòng tiền sẽ chảy vào phân khúc chung cư vì nhu cầu ở thật lớn.

Hết sốt lãi suất, tiền đổ vào đâu?

Chuyên gia cho rằng, dòng tiền sẽ chảy vào phân khúc có nhu cầu ở thực.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Cương Quyết - Tổng Giám đốc Cty Địa ốc Đất Xanh miền Bắc chia sẻ, thị trường bất động sản vẫn khó khăn do nguồn cung chưa được cải thiện, thanh khoản một số phân khúc gặp khó. Tuy nhiên, phân khúc chung cư vẫn là lựa chọn của nhiều người trong thời điểm này.

Ông Quyết cho biết thêm, bản thân doanh nghiệp trong 2 tháng qua đã cải thiện tình hình thanh khoản với phân khúc chung cư. "Hiện, lãi suất cho vay mua nhà hạ nhiệt, nhu cầu người dân ở thật với phân khúc chung cư cao nên phân khúc này cải thiện thanh khoản sớm. Cụ thể, một tuần, doanh nghiệp bán khoảng 30- 100 căn hộ có mức giá 25 triệu đồng/m2 tại Hoài Đức, Hà Nội”, ông Quyết nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả