“Hẹp cửa” tiếp cận tín dụng
Tín dụng năm nay nhiều khả năng sẽ không đạt mục tiêu 14% khi mà hiện nay không ít ngân hàng cạn room tín dụng, trong khi một số khác thiếu nguồn vốn.
Theo NHNN, tính đến cuối tháng 9, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt gần 7,89 triệu tỷ đồng, tăng 9,4% so với cuối năm 2018, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (10,33%).
Bức tranh trái chiều
Diễn biến nói trên xem ra khá trái ngược với bức tranh tín dụng thực tế tại không ít ngân hàng. Quả vậy, báo cáo tín dụng 9 tháng của nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng khá đột biến với tốc độc cao gấp tới 2- 3 lần mức tăng trưởng tín dụng chung. Chẳng hạn như Techcombank, dư nợ cho vay khách hàng tăng tới 28,4% trong 9 tháng đầu năm; VIB tăng 28,17%; OCB tăng 20,7%; TPBank tăng 20,43%...
Theo một chuyên gia ngân hàng, nguyên nhân lớn nhất khiến tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng tăng trưởng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái là do các ngân hàng quốc doanh không dám đẩy mạnh tín dụng khi mà hệ số an toàn vốn (CAR) đã ở sát ngưỡng tối thiểu.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng từng thừa nhận, CAR của các NHTM có vốn nhà nước trên 50% (BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank) đang ở sát ngưỡng tối thiểu theo quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Chính vì vậy, trong trường hợp không tăng được vốn, các ngân hàng này sẽ phải hạn chế, thậm chí ngừng cấp tín dụng.
Mặc dù BIDV đã được công nhận đạt chuẩn Basel II từ ngày 1/12 sau khi ngân hàng này bán thành công 15% cổ phần cho KEB Hanna Bank để tăng vốn điều lệ lên 40,22 nghìn tỷ đồng, nhưng quãng thời gian còn lại của năm 2019 là quá ngắn ngủi để thay đổi được cục diện chung.
Căn cứ vào số liệu trên, có thể thấy nếu không có gì đột biến trong những tháng cuối năm, thì chắc chắn tín dụng năm nay sẽ thấp hơn nhiều so với năm 2018 (13,89%).
Tín dụng khó cán đích
Theo một nguồn tin, để thúc đẩy tín dụng trong quãng thời gian ít ỏi còn lại của năm 2019, NHNN có thể san bớt room tín dụng từ các ngân hàng quốc doanh sang cho các ngân hàng cổ phần tư nhân, đặc biệt là những ngân hàng đã đạt chuẩn Basel II.
Tuy nhiên, giải pháp nói trên sẽ không phát huy hiệu quả như mong muốn. Bởi tín dụng của nhiều ngân hàng cổ phần còn tăng nhanh hơn nhiều so với nguồn vốn huy động.
Đơn cử như OCB, tính đến cuối tháng 9, dư nợ cho vay khách hàng đã tăng tới 20,7% so với cuối năm 2018, nhưng tiền gửi của khách hàng chỉ tăng 10,6%...
Cũng do tín dụng tăng nhanh hơn huy động, nên không ít ngân hàng đã gặp khó khăn thanh khoản kể từ giữa tháng 11 khi NHNN bất ngờ kéo giảm trần lãi suất huy động. Việc giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn đã làm giảm khả năng cạnh tranh bằng lãi suất của các ngân hàng nhỏ, đồng thời làm suy giảm phần nào dòng vốn từ các ngân hàng lớn dồi dào thanh khoản sang các ngân hàng nhỏ có nhu cầu.
Với các ngân hàng cổ phần tư nhân lớn, dù chưa gặp khó khăn, song chắc chắn thanh khoản cũng không dư thừa do tín dụng đã tăng rất cao. Dù có được nới thêm room tín dụng, các ngân hàng này cũng không dám tăng thêm, nhất là khi chỉ còn ít ngày nữa là Thông tư 41/2016/TT-NHNN sẽ có hiệu lực thi hành.
Trong bối cảnh hiện nay, giải pháp khả thi nhất đối với các nhà băng là phải tích cực thu hồi nợ cũ rồi mới nghĩ đến chuyển cho vay mới. Thế nhưng, điều này chỉ làm tăng doanh số cho vay chứ không thể làm tăng dư nợ tín dụng.
Theo dự báo của vị chuyên gia nói trên, ngay cả trong trường hợp tín dụng khởi sắc hơn trong những tháng cuối năm thì tín dụng cả năm cũng sẽ rất thấp, khó cán đich. Lẽ đương nhiên, cánh cửa tín dụng khép lại sẽ khiến cho các doanh nghiệp khó lách qua để tiếp cận tín dụng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận