Hệ thống ngân hàng đang tốt lên
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service mới đây hạ triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam xuống mức tiêu cực. Điều đó đã ảnh hưởng đến tín nhiệm của 18 NHTM, nhưng không phản ánh sức khỏe tài chính của các ngân hàng yếu đi.
Ngân hàng mong đợi một bản xếp hạng tốt hơn
Bản thân hãng xếp hạng tín nhiệm này cũng khẳng định: Quyết định này được đưa ra sau khi định chế này đã hạ triển vọng nợ có chủ quyền của Việt Nam xuống mức “tiêu cực” dù vẫn giữ nguyên xếp hạng Ba3.
“Các hành động xếp hạng ngày hôm nay đối với các ngân hàng cũng tuân theo xác nhận của Moody’s vào ngày 18/12/2019 về xếp hạng nợ có chủ quyền của Việt Nam và thay đổi vào cùng ngày về triển vọng xếp hạng nợ có chủ quyền thành tiêu cực”, Moody’s cho biết.
Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc OCB cho biết, những bản xếp hạng tín nhiệm phân loại quốc gia không phản ánh các tiêu chí đánh giá ngân hàng. Thực tế, trong mấy năm gần đây hệ thống ngân hàng Việt Nam có những cải thiện rõ rệt. Từ góc độ kinh doanh ai cũng nhìn thấy kết quả của các ngân hàng đã tốt hơn những năm trước kia rất nhiều. Hệ thống quản trị của các ngân hàng cũng cải thiện nhiều các tiêu chuẩn quản lý rủi ro cách tiếp cận thị trường, cách thức kinh doanh càng ngày được chuẩn hóa.
Đặc biệt, đến nay đã có 18 ngân hàng được NHNN chấp thuận được áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN với các quy định về an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn Basel II trước hạn. Trong đó có 16 ngân hàng nội và 2 ngân hàng ngoại. Tổng giám đốc OCB cho rằng, một hệ thống ngân hàng có đến 18 ngân hàng đang trên đường hoạt động theo thông lệ quốc tế là một sự cải thiện ngoài mong đợi của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Thậm chí theo ông, “khi điều kiện kinh doanh thuận lợi, báo cáo tài chính của các ngân hàng lành mạnh hơn, chuẩn mực quản lý rủi ro của ngành Ngân hàng được nâng cấp, tôi nghĩ rằng năm 2020 có những ngân hàng có thể đạt chuẩn Basel III. Cho nên những tác động của bản xếp hạng tín nhiệm của Moody’s vừa qua chưa phản ánh được sức khỏe ngân hàng và các ngân hàng Việt Nam mong đợi một đánh giá khác tích cực hơn từ các tổ chức xếp hạng quốc tế”.
Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục lấy lại “ngôi vua”
Trong 18 NHTM (ABBank, ACB, Agribank, BIDV, HDBank, LienVietPostBank, MBBank, MSB, Nam A Bank, OCB, SeABank, SHB, Techcombank, TPBank, VIB, Vietcombank, VietinBank và VPBank) bị tác động bởi Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, hầu hết đều là các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán.
Thời gian qua, nhiều ngân hàng có kết quả kinh doanh phục hồi tích cực, đi kèm với chất lượng tài sản cải thiện, các cổ phiếu vua “ngân hàng” đang trên đà quay trở lại thời kỳ hoàng kim. Điển hình như giá cổ phiếu VCB (của Vietcombank) đang tiếp cận với cột mốc 100.000 đồng/cp; cổ phiếu ACB đang có mức giá cao gấp 2 lần so với trước đây hay cổ phiếu BID của BIDV gây sốt khi tăng vọt 46% chỉ trong vòng 6 tháng qua.
Song, kinh tế vĩ mô tăng trưởng vượt dự báo, dòng vốn FDI đổ vào mạnh mẽ nên các ngân hàng đang kinh doanh khả quan. Điển hình là báo cáo tài chính quý III năm 2019 của Vietcombank cho thấy thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt mức 25.938 tỷ đồng, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước, hệ số NIM (thu nhập/chi phí) tiếp tục được mở rộng lên mức 3,07% từ mức 2,78% của cuối năm 2018. Lợi nhuận từ mảng kinh doanh ngoại hối và lợi nhuận dịch vụ của Vietcombank cũng tăng trưởng mạnh, qua đó giúp lợi nhuận ròng của Vietcombank cán mức 14.116 tỷ đồng, tăng ấn tượng 50%.
Đến hết tháng 9/2019 dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank đến cuối năm 2019 đạt 708.096 tỷ đồng, tăng 12,06% so với đầu năm, huy động tiền gửi từ khách hàng đạt 902.184 tỷ đồng (tăng 12,5%). Tỷ lệ LDR thuần tiếp tục được giữ vững ở mức an toàn là 76,9%, thấp hơn đáng kể so với mức giới hạn 90% theo quy định hiện hành.
“Vietcombank vẫn còn dư địa cho vay trong các năm tới mà không chịu áp lực quá lớn về khả năng huy động, đồng thời cải thiện NIM một cách tương đối trong trường hợp Vietcombank tiếp tục mở rộng tín dụng vào khách hàng cá nhân thay cho thị trường liên ngân hàng”, Công ty chứng khoán Phú Hưng nhận định. Dự báo lợi nhuận Vietcombank năm nay sẽ chạm ngưỡng 1 tỷ USD đây sẽ là dấu mốc quan trọng trong hiệu quả kinh doanh của một ngân hàng Việt Nam.
Trường hợp tương tự xảy ra ở TPBank khi chứng kiến lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay đạt 1.620 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Từng rơi vào trường hợp cực kỳ khó khăn, ACB đang quay trở lại mạnh mẽ với lợi nhuận 9 tháng tăng 18% khi đạt 4.448 tỷ đồng.
Tuy tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhưng các ngân hàng nhìn chung vẫn đang chú trọng nhiệm vụ giám sát và xử lý nợ xấu. Điều này cơ bản giúp cho tỷ lệ nợ xấu đang ở mức khá thấp tại một số ngân hàng. Điển hình như tỷ lệ nợ xấu của ACB giảm từ 0,73% xuống còn 0,67%. Hay nợ xấu của Vietcombank tiếp tục duy trì ở mức thấp xấp xỉ 1,08%...
Đặc biệt cho chú trọng trích lập dự phòng, quy mô của độ bao phủ nợ xấu LLR (quỹ dự phòng rủi ro/nợ xấu) tại ngân hàng này tăng dần qua các năm và hiện đạt mức 185% trong 9 tháng đầu năm 2019. Đây là tỷ lệ LLR cao nhất trong toàn bộ hệ thống ngân hàng cho thấy chất lượng nợ của Vietcombank hoàn toàn được kiểm soát chặt chẽ, đồng thời dư địa cho việc thu hồi nợ xấu trong tương lai là rất lớn cũng như giảm chi phí trích lập là khả thi.
Trong báo cáo của NHNN Việt Nam gửi Quốc hội kỳ họp cuối năm 2019, có nêu tổng vốn điều lệ của hệ thống các TCTD đến cuối tháng 8/2019 đạt 591.800 tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2018 và tăng 15,5% so với cuối năm 2017; vốn chủ sở hữu toàn hệ thống ngân hàng đạt trên 856.100 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cuối năm 2018 và tăng 29,7% so với cuối năm 2017; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của toàn hệ thống ở mức 11,9%. Tổng dư nợ toàn hệ thống đạt trên 8 triệu tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động gần 10 triệu tỷ đồng.
Triển vọng tăng trưởng ổn định hơn của hệ thống ngân hàng trong các năm tới đang kích thích nhiều nhà đầu tư ngoại quan tâm. Theo ngân hàng đầu tư Mỹ JP Morgan, các ngân hàng Việt Nam đang trở thành một trong những ví dụ ít thấy trong việc kết hợp được 2 yếu tố tăng trưởng lợi nhuận cao và ổn định trong một giai đoạn dài. Điều này cùng với một chu kỳ tín dụng thuận lợi sẽ mang đến lợi nhuận đáng kể cho các ngân hàng trong những năm tới.
“Cơ hội đầu tư ngành Ngân hàng Việt Nam tương đương với giai đoạn của Indonesia 2005-2013 và Ấn Độ 2010-2017”, JP Morgan nhận định.
Liên quan đến việc Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam xuống mức tiêu cực, ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định, nguyên nhân không phải Việt Nam thiếu tiền trả nợ quốc tế mà là quá trình, trình tự thủ tục hành chính trong lĩnh vực này cần phải cải thiện. Giám đốc Quốc gia của WB đưa ra 3 cách cải thiện tình hình của Việt Nam: (1) quy định, luật pháp Việt Nam cần phải hài hòa, thống nhất hơn; (2) quy trình, trình tự thủ tục hành chính cần phải đơn giản hóa và hiệuquả hơn; (3) Chính phủ đã mở Cổng dịch vụ công trực tuyến cần phải được mở nhiều hơn ở các địa phương.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận