Hệ thống công nghệ, lực cản thị trường chứng khoán
"Cứ đến chiều là Trung tâm môi giới tụi tôi chuẩn bị tâm lý ngồi chơi xơi nước vì biết trước công ty đã hết quota lệnh". Chia sẻ của giám đốc môi giới một công ty chứng khoán lớn đã phần nào phản ánh tâm lý thị trường tuần qua.
Hơn 300.000 lệnh bỏ phí hằng phiên tại HOSE
Từ email trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán cuối tuần qua, có thể tính toán được rất rõ rằng, hiện mỗi phiên giao dịch có hơn 300.000 lệnh bị bỏ phí, tương đương với 1/3 tài nguyên quý giá của hệ thống giao dịch HOSE.
Cụ thể, hệ thống có công suất thiết kế là 900.000 lệnh. Hoạt động theo cơ chế phân bổ đều cho các công ty chứng khoán, trong đó, hệ thống tự động dành 20% cho lệnh dự phòng. 80% còn lại chia cho công ty chứng khoán theo hai vòng. Vòng 1, chia đều mỗi công ty khoảng 3.000 lệnh (các công ty chứng khoán đều được chia như nhau, kể cả công ty đã dừng hoạt động).
Số lượng công ty chứng khoán thành viên của HOSE lúc cao điểm nhất là 105 công ty. Sau các đợt sáp nhập, giải thể, chuyển nhượng, số công ty chứng khoán giảm gần một phần ba, hiện còn 74 đơn vị. Tuy nhiên, do đặc thù của hệ thống, danh sách và mã số (ID) giao dịch đã cung cấp cho các công ty chứng khoán đã giải thể không thể xóa khỏi hệ thống vì sẽ ảnh hưởng đến số mã thành viên nói chung và mã tài khoản của nhà đầu tư.
Như vậy, 31 công ty chứng khoán “hờ”, không còn hoạt động ngốn 93.000 lệnh tại HOSE mỗi phiên.
Giải thích về việc này, HOSE cho biết, ở vòng 2, dung lượng lệnh sẽ được chia theo tỷ trọng lấy số lệnh vào hệ thống bình quân từ 30 ngày gần nhất của từng công ty để làm căn cứ chia lệnh vào mới.Theo dữ liệu thống kê từ các phiên giao dịch bị nghẽn lệnh, từ ngưỡng 550.000 - 600.000 lệnh là hệ thống giao dịch HOSE bắt đầu bị đơ hoặc chuệch choạc. Nếu trừ đi 93.000 lệnh đã bị bỏ phí ở trên, vẫn còn dung lượng hơn 200.000 lệnh nữa không được sử dụng.
Không biết HOSE chia quota ra sao, nhưng rõ ràng là hiện có những công ty không dùng hết lượng lệnh tối đa được phân bổ trong một phiên, trong khi có nhiều công ty đành chịu cảnh “ngồi chơi xơi nước”.
Không biết HOSE chia quota ra sao, nhưng rõ ràng là hiện có những công ty không dùng hết lượng lệnh tối đa được phân bổ trong một phiên, trong khi có nhiều công ty đành chịu cảnh “ngồi chơi xơi nước”, bị khách hàng la ó do không thể đưa lệnh mua bán vào hệ thống như tình cảnh của vị giám đốc môi giới trên mô tả.
Giải thích cho việc chia quota dẫn tới nơi thiếu, chỗ thừa như vậy, HOSE cho biết, phải làm vậy nhằm tối ưu hóa tài nguyên của hệ thống đang vận hành. Việc phân bổ số lượng lệnh dựa trên dữ liệu sử dụng thực tế nhằm ngăn chặn được sự gia tăng đột biến về số lượng lệnh xuất phát từ lỗi hệ thống của một công ty chứng khoán nào đó, có thể gây sập hệ thống của Sở.
HOSE cho rằng, đây là biện pháp tự bảo vệ của hệ thống, và trong tình huống hiện nay đã có hiệu quả tốt. Nếu hệ thống tiếp tục nhận lệnh vượt quá năng lực, kết quả giao dịch sẽ không còn tính chính xác và hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều so với việc một số công ty chứng khoán bị nghẽn lệnh.
Dù vậy, cơ quan này cũng thừa nhận, thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam tăng vọt trong năm 2020 là điều không được lường trước.
Trong các năm trước, giá trị giao dịch bình quân ngày ở mức cao nhất của thị trường tại HOSE là khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng. Trong năm 2020, đặc biệt cuối năm, nhiều phiên giao dịch thanh khoản gần gấp 4 - 5 lần mức cao nhất của quá khứ và 6 - 7 lần mức đầu năm.
Các công ty chứng khoán trong Top 20 có lượng lệnh vào sàn tăng ít nhất là trên 3 lần, bình quân là 5 - 6 lần, cá biệt có một số công ty có số lệnh vào sàn tăng 13 - 18 lần. Số lệnh vào sàn nhiều phiên vượt quá năng lực thiết kế của cả hệ thống, gây hiện tượng nghẽn lệnh.
“Né” ứng xử với sóng phản đối việc nâng lô
Liên quan đến các đề xuất nâng lô giao dịch, HOSE đánh giá việc nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 chứng khoán từ ngày 4/1/2021 nhằm giảm bớt số lượng lệnh vào hệ thống. Giải pháp này đã giảm tải được một phần lệnh vào hệ thống, giúp thanh khoản tăng được 15 - 18%. Tuy nhiên, hiện tượng nghẽn lệnh vẫn chưa xử lý được dứt điểm, nhất là trong các phiên có thanh khoản chạm đến mức 15.000 - 16.000 tỷ đồng.
Trước tình hình này, HOSE đã báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước họp với các công ty chứng khoán để rà soát, hạn chế lỗi phát sinh từ phía công ty, hạn chế giao dịch tự động, hạn chế số lệnh đặt, sửa, hủy... để tối ưu hóa lượng lệnh vào thị trường.
Đồng thời, đề xuất với các cơ quan quản lý cân nhắc hiệu quả của việc áp dụng một số giải pháp. Tăng lô từ 100 lên 1.000 cổ phiếu là một trong những giải pháp HOSE đã nghiên cứu và đề xuất với cơ quan quản lý.
Trước những ý kiến về việc nâng lô giao dịch tối thiểu tại HOSE lên 1.000 cổ phiếu sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư, HOSE vẫn bảo lưu quan điểm: “Vấn đề nâng lô giao dịch đã được HOSE tham khảo thông lệ quốc tế và ý kiến các chuyên gia, báo cáo các cơ quan liên quan để đánh giá tác động cũng như hiệu quả”.
Chuyển đổi số ... ngược
Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ giao dịch từ 2009 trở lại đây, rất nhiều hệ thống của các sở giao dịch chứng khoán trên thế giới và trong khu vực đều phải nâng cấp để đối mặt với những nhu cầu mới về giao dịch bằng robot và giao dịch tần suất cao, lẫn những thuật toán “chẻ lệnh” hết sức tinh vi do phát triển của toán ứng dụng trong lĩnh vực này.
“Thời gian qua, nhiều công ty chứng khoán cũng sử dụng thuật toán, robot để giao dịch. Nó được lập trình khiến lệnh tăng như sóng thần nên chúng tôi không thể kiểm soát", chuyên gia Hồ Quốc Tuấn đã dẫn câu nói của lãnh đạo HOSE khiến ông nhớ mãi để cho thấy sự phản ứng chậm trễ và tư duy “nhàn tản” của cơ quan này.
Phát biểu này cũng đi ngược lại với câu trả lời của HOSE ở trên về việc không lường trước được diễn biến giao dịch và xu hướng phát triển của chứng khoán Việt Nam cũng như thế giới.
Nằm ở đầu não thị trường, chỉ có HOSE mới nhìn được sự chuyển động của các con số trong hệ thống giao dịch, thấy rõ nhất xu hướng giao dịch bằng robot. Vì vậy, hết sức khó hiểu khi HOSE không có bất cứ động thái nào trong việc cải thiện, nâng cấp hệ thống hiện hữu, đặc biệt trong suốt năm 2020.
Có hay không việc VN-Index giảm điểm do ảnh hưởng tâm lý tiêu cực từ những yếu kém của hệ thống giao dịch?
Khi nghẽn lệnh, lại tính chuyện nâng lô giao dịch, vậy liệu đây có phải là giải pháp duy nhất? Có thật là hệ thống hiện tại chỉ có thể đáp ứng được tối đa 900.000 lệnh, nếu vậy tại sao nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị HOSE là ông Trần Đắc Sinh lại cho biết, dung lượng tối đa của hệ thống lên tới 1,8 triệu lệnh?
Và tại sao nguồn tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lại cho biết đang đàm phán mở dung lượng hệ thống HOSE với Thái Lan nhưng chưa đạt được hợp đồng. Với số dư tiền mặt lên tới gần 1.000 tỷ đồng, hiện đang gửi ngân hàng với lãi suất chỉ bằng 1/5 mức trung bình của các ngân hàng thương mại trong nước, HOSE có thiếu tiền không? Nếu không, chưa đạt được thỏa thuận nâng dung lượng hệ thống là vì lý do gì?
Nếu những câu hỏi này quá khó với HOSE, các thành viên thị trường xin được chuyển đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính, cơ quan chủ quản của ngành chứng khoán trả lời.
Tuần qua, các nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam chịu áp lực kép, một mặt là thị trường chứng khoán Mỹ, châu Á chao đảo, giảm điểm mạnh, một mặt là tâm lý mệt mỏi, chán nản khi hệ thống giao dịch chập chờn.
Có hay không việc VN-Index giảm điểm do ảnh hưởng tâm lý tiêu cực từ những yếu kém của hệ thống giao dịch? Khi được hỏi về lo lắng này, một lãnh đạo ngành chứng khoán đã gửi bảng chỉ số đỏ rực của chứng khoán châu Á hôm 4/3 như để giải thích cho việc vì sao chứng khoán Việt Nam giảm mạnh.
Nhưng có lẽ vị này sẽ khó giải thích tại sao trong nhiều phiên trước đó, chứng khoán Mỹ, châu Á tăng vọt tới 600 - 700 điểm mà VN-Index không xanh, thậm chí còn giảm mạnh.
Bởi vậy mà chứng khoán Mỹ đã vượt đỉnh 2018 tới 11.000 điểm (từ chưa đầy 23.000 điểm năm 2018 nay đạt trên 31.000 điểm), mà chứng khoán Việt Nam vẫn chưa vượt qua được 1.200 điểm, mức cao nhất thiết lập được trong cùng năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận