Hệ lụy từ chiến sự Nga-Ukraine: Nguy cơ lạm phát đình đốn
COVID-19 và chiến sự Nga-Ukraine đã và đang đẩy áp lực lạm phát tăng mạnh, đồng thời làm chậm đà phục hồi của nhiều nền kinh tế, có nguy cơ đẩy một số nền kinh tế rơi vào tình trạng lạm phát đình đốn.
Giá lúa mì đã từng tăng lên mức cao kỷ lục trong hơn 10 năm qua do chiến sự Nga-Ukraine leo thang, và hiện đang ở 1.039 UScents/bu.
Chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang phục hồi trong bối cảnh dịch bệnh, lại hứng chịu một đòn mạnh nữa từ chiến sự Nga-Ukraine.
Đứt gãy thêm chuỗi cung ứng
Việc một số tàu chở hàng bị trúng tên lửa ở Biển Đen đang làm ngưng trệ gần như toàn bộ hoạt động của cảng biển của Ukraine và những cảng khác trong khu vực. Theo tờ Wall Street Journal, có khoảng hơn 200 tàu chở hàng cùng trên 3.500 thủy thủ đang mắc kẹt trên Biển Đen, đây là lần có số tàu mắc kẹt lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Đáng quan ngại hơn, Trung Đông và đặc biệt là Châu Phi lệ thuộc nhiều vào nguồn lúa mì, ngô của Ukraine và Nga. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, cộng với áp lực tăng giá dầu và giá gas đã khiến việc sản xuất phân bón bị đình trệ. Điều này sẽ gây ra khủng hoảng lương thực trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, sự đứt gãy chuỗi cung ứng còn bắt nguồn từ việc loại Nga ra khỏi hệ thống SWIFT. Điều này có nghĩa là mọi giao dịch thương mại của Nga với các đối tác trên toàn cầu bị tê liệt hoàn toàn.
Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài ở Nga và các nhà đầu tư Nga ở nước ngoài cũng rất khó tiến hành hoạt động như bình thường.
Lệnh cấm vận nói trên làm trầm trọng thêm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong ba lĩnh vực: dầu thô, lương thực và kim loại. Điều này gây ra sự khan hiếm hàng hóa và giá cả leo thang.
Giá dầu thô nhẹ ngọt có thời điểm leo lên mức 130USD/thùng do căng thẳng Nga-Ukraine.
Áp lực lạm phát tăng cao
Năm 2021, Nga và Ukraine chiếm 14% sản lượng và 30% tổng xuất khẩu lúa mỳ toàn cầu. Cả hai nước này chiếm khoảng 17% xuất khẩu ngô toàn cầu (Ukraine 15% và Nga khoảng 2%), gần 35% xuất khẩu lúa mạch toàn cầu. Do đó, sự đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực thế giới do xung đột Nga-Ukraine đã góp phần làm tăng giá lương thực toàn cầu hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Về dầu lửa, Nga là nước xuất khẩu dầu lớn thứ ba thế giới với tỷ trọng 10,53% lượng dầu xuất khẩu toàn cầu, sau UAE (chiếm 16,13%) và Ả-rập Xê út (11,54%). Mỹ và Anh đã cấm vận nhập khẩu dầu của Nga trong khi EU vẫn chưa thể làm được điều này vì lệ thuộc nhiều vào nguồn dầu lửa (25% năm 2021) và khí gas (45% năm 2020) từ Nga. Lệnh cấm vận của Mỹ và Anh và việc loại Nga ra khỏi SWIFT đã khiến giá dầu thô vượt xa ngưỡng 100 USD/thùng trước khi hạ nhiệt sau khi có tin rằng Mỹ có thể nới lỏng cấm vận dầu lửa đối với Venezuela và Iran.
Trong khi đó, giá kim loại cũng chịu áp lực tăng. Bởi Nga là nước xuất khẩu lớn các kim loại như đồng, kền, nhôm...
Đứt gãy chuỗi cung ứng gây ra tình trạng khan hiếm hàng nguyên liệu và lương thực, khiến nguy cơ lạm phát ngày càng cao hơn. Lạm phát ở EU được dự báo có thể tới 3% tính đến hết năm 2022 trong điều kiện giá dầu như hiện nay. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tháng 2 đã tăng vọt lên 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái- mức cao nhất kể từ tháng 1/1982.
Một số nền kinh tế mới nổi có thể rơi vào trạng thái lạm phát đình đốn, bởi vì họ vẫn đang đối phó với đại dịch, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và áp lực lạm phát tăng mạnh, trong khi phục hồi kinh tế còn mong manh.
Ứng phó tác động kép
Trong bối cảnh giá cả leo thang và nguy cơ lạm phát ngày càng mạnh, FED đã tăng lãi suất lên 0,5% bất chấp biến cố ở Ukraine. FED hoàn toàn có thể tăng đáng kể lãi suất vì kinh tế Mỹ đang ở trong tình trạng tốt. Tăng trưởng GDP năm 2021 rất ấn tượng trên 6%, và mức thất nghiệp tháng 2/2022 hiện ở mức 3,8% sát với thấp nhất trong lịch sử là 3,9% trong tháng 12/2021. Với triển vọng kinh tế tích cực, các chuyên gia dự báo FED có thể tăng lãi suất nhiều lần trong năm 2022 và 2023.
FED nâng lãi suất đồng nghĩa với việc USD tăng giá, khiến các đồng tiền khác, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi (trong đó có Việt Nam), sẽ mất giá tương ứng. Áp lực lạm phát đối với các nền kinh tế này vì thế mà tăng thêm. Thật không may, nhiều nền kinh tế mới nổi còn đang suy giảm vì đại dịch, thì lại đứng trước nguy cơ lạm phát tăng mạnh từ sự mất giá đồng nội tệ và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trầm trọng hơn do chiến sự Nga-Ukraine. Nói cách khác, hiện đã xuất hiện nguy cơ lạm phát kép đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Điều này khiến các nền kinh tế này có nguy cơ rơi vào tình trạng đáng sợ nhất trong kinh tế học, đó là lạm phát đình đốn, nghĩa là kinh tế vừa trì trệ, vừa lạm phát.
Trong bối cảnh đó, các ngân hàng trung ương sẽ buộc phải tăng lãi suất để ổn định vĩ mô. Còn các chính phủ đã suy kiệt dư địa kích thích từ ngân sách sau đại dịch cũng khó kích thích nền kinh tế. Do đó, các nhà hoạch định chính sách sẽ buộc phải chờ cho tới khi các hiệu ứng tự mất đi và nền kinh tế tự lấy lại cân bằng, nghĩa là chịu đựng tình hình tồi tệ kéo dài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận