24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Xuân Lộc
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hé lộ kịch bản tăng trưởng GDP 2020

Những phác thảo ban đầu của kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 dần hé lộ, mức tăng trưởng 7% được nhắc tới.

Kịch bản tăng trưởng kinh tế 2020: thấp 6,8%, cao 7%

Giống như năm 2019, kịch bản tăng trưởng kinh tế 2020 được đưa vào ngay trong Dự thảo Nghị quyết số 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Dự thảo này đã được đưa ra thảo luận tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, vừa kết thúc hôm qua (31/12) và chắc chắn sớm được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới 2020.

Điểm khác là, trong kịch bản tăng trưởng kinh tế 2020 được hé lộ, thì mức tăng trưởng 7% đã được nhắc tới, mặc dù mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 được Quốc hội thông qua là 6,8%. Cụ thể, theo những phác thảo ban đầu của kịch bản tăng trưởng kinh tế 2020, thì quý I/2020, tăng trưởng GDP sẽ ở mức 6,52-6,77%; quý II là 6,65-6,87%; quý III là 7,11-7,37%; còn quý IV là 6,81-6,93%. Theo đó, tăng trưởng GDP 6 tháng là 6,59-6,83%; 9 tháng là 6,79-7,03%; cả năm sẽ là 6,8-7%.

Kịch bản này có nghĩa, Chính phủ quyết tâm ít nhất đạt mục tiêu đề ra là tăng trưởng GDP 6,8% và sẽ nỗ lực cao hơn để nền kinh tế Việt Nam có thêm một năm nữa đạt tốc độ tăng trưởng trên 7%.

Điều này là hoàn toàn có cơ sở, bởi dù Quốc hội chỉ quyết nghị mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,5-6,7% trong năm 2018 và 6,6-6,8% trong năm 2019, song cuối cùng, bằng sự nỗ lực vượt bậc của cả bộ máy chính trị, đặc biệt là sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, nền kinh tế đã tăng trưởng vượt dự kiến. Năm 2018 là 7,08%, còn năm 2019 là 7,02%.

Thậm chí, cả 12/12 chỉ tiêu kế hoạch đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Nền kinh tế đã có 2 năm đạt những thành tựu toàn diện và đây chính là cơ sở để kỳ vọng và tin tưởng tăng trưởng GDP trong năm 2020 sẽ tiếp tục đạt thành tựu tương tự.

Động lực cho tăng trưởng kinh tế 2020 dự kiến vẫn sẽ là khu vực chế biến, chế tạo. Để đạt được kịch bản tăng trưởng nói trên, năm 2020, khu vực công nghiệp và xây dựng phải đạt tốc độ tăng trưởng 8,5%. Trong khi đó, khu vực dịch vụ là 6,74-7,24%, còn khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản là 2,91-3%.

Nhìn vào kịch bản tăng trưởng theo từng ngành, có thể thấy, ngoài khu vực công nghiệp tăng trưởng ổn định, thì quyết định nền kinh tế tăng trưởng 6,8% hay 7% phụ thuộc rất lớn vào khu vực nông nghiệp và dịch vụ. Nếu nông nghiệp chỉ tăng trưởng 1,91%, hay dịch vụ tăng trưởng 6,74%, thì GDP cả năm tăng trưởng 6,8%. Nhưng nếu hai khu vực này chạm ngưỡng tăng trưởng cao của kịch bản, thì kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục có một năm thành công.

Triển vọng tích cực

Năm 2020 có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, bởi đây là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020, cũng là năm cuối cùng của Chiến lược 10 năm 2011-2020. Việc năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng như thế nào sẽ quyết định khá lớn tới việc nền kinh tế có hoàn thành Kế hoạch 5 năm hay Chiến lược 10 năm hay không.

Trên thực tế, năm 2019, với tốc độ tăng trưởng 7,02%, Việt Nam vẫn thuộc các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trên toàn cầu. Năm 2020, triển vọng là khá tích cực. Bằng chứng là, trong khi hạ thấp dự báo tăng trưởng của khu vực châu Á, thì Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây lại nâng mức dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, từ mức 6,8% lên 6,9% cho năm 2019 và từ mức 6,7% lên 6,8% cho năm 2020.

Theo ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, có nhiều cơ sở để tin tưởng vào triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn. ADB đã dựa vào sự tăng trưởng của tiêu dùng nội địa, tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2019 để đưa ra dự báo lạc quan này.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng khẳng định, triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam là rất tích cực. “Để gia tăng thêm động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam cần ưu tiêu phát triển khu vực tư nhân vững mạnh và năng động”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB nhấn mạnh.

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã đề cập 9 vấn đề cần tập trung thực hiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2020. Trong đó có việc làm sao tiếp nối và phát huy thành quả kinh tế - xã hội đã đạt được trong năm 2019, để nền kinh tế sớm về đích và đạt nhiều thành tích ấn tượng hơn nữa trong năm 2020.

Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh việc phải tháo gỡ những rào cản về môi trường kinh doanh, sửa đổi ngay những bất cập về cơ chế chính sách, pháp luật; cũng như phải làm sao khơi thông hơn nữa các nhân tố chiến lược, cả về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực; chỉ rõ động lực tăng trưởng của cả nước, của từng địa phương hay từng ngành; phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám quyết định và dám chịu trách nhiệm…

Đó là những yếu tố căn bản và quan trọng, để kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020 đi đúng quỹ đạo, để nền kinh tế không chỉ tăng trưởng 6,8%, mà có thể đạt được 7% và cao hơn trong năm tới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả