Hé lộ cảnh doanh nghiệp “đi đêm” với cán bộ thuế
Vụ án xảy ra tại Công ty Nhà Thủ Đức, Cục thuế TPHCM đã hé lộ câu chuyện về việc doanh nghiệp “ma” tung hoành do có sự tiếp tay của một số cán bộ thuế...
Theo hồ sơ, từ năm 2016-2020, Trịnh Tiến Dũng (hiện đang bỏ trốn) thành lập, sử dụng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước để thực hiện tội phạm. Tại Mỹ, Campuchia, Hồng Kông, Malysia, Các tiểu Vương quốc Ả rập, Dũng sử dụng các pháp nhân như Công ty Lams, Avi, Fomula, Rothady…
Ở Việt Nam, Dũng thuê người thu gom CMND để lập công ty “ma”. Năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Dũng, Trần Nhất Thanh lập nhóm chat trên WhatApp “Thẻ xanh” để phân công người làm CMND giả.
Mạc Văn Nguyện được giao nhiệm vụ thu gom CMND, còn Nguyễn Thiên Phú liên hệ để làm giả 6 CMND với giá 1 triệu đồng/1 giấy và 40.000 đồng/1 bản công chứng. Nguyễn Hoàng Lân sử dụng 5 CMND để làm thủ tục thành lập các pháp nhân gồm Công ty Thành Phát, Công ty Trúc Nhã, Công ty xuất nhập khẩu Thiên An, Công ty Châu Văn, Công ty xuất nhập khẩu Mai Trần.
Sau đó, Lân mua token key (chữ ký số), hóa đơn điện tử cho các công ty trên. Còn Đinh Công Thành mua sim điện thoại rác lấy số thuê bao để đăng ký mở tài khoản ngân hàng.
Các công ty “ma” được lập ra nhằm phục vụ xuất hóa đơn GTGT khống cho các công ty trung gian, làm cơ sở để các công ty này xuất hóa đơn GTGT đầu vào cho Công ty Nhà Thủ Đức, Công ty Sài Gòn Tây Nam và Công ty Hoàng Nam Anh thực hiện việc kê khai và hoàn thuế GTGT. Nhờ đó, Trịnh Tiến Dũng và các đồng phạm chiếm đoạt hơn 538 tỷ đồng tiền thuế nhà nước.
Thông qua đối tượng Đặng Ngọc Phú (chưa rõ nhân thân do đã xuất cảnh ra nước ngoài), Lưu Thị Ngát (SN 1983, giám đốc Công ty TNHH đầu tư dịch vụ Khánh Hưng) biết Dũng và Tiên từ năm 2018. Nhóm này thống nhất, Ngát thành lập các công ty để xuất hóa đơn GTGT cho các công ty của Dũng, Tiên điều hành. Mục đích nhằm hợp thức hóa nguồn hàng hóa đầu vào (hàng hóa là linh kiện điện tử bị làm giả hoặc kém chất lượng), thực hiện việc xuất khẩu với phí dịch vụ là 0,8%/tổng giá trị hàng hóa trên hóa đơn.
Theo thỏa thuận, từ tháng 3-6/2019, Ngát dùng 5 pháp nhân để xuất 164 hóa đơn GTGT, tổng giá trị hơn 2.471 tỷ đồng. Từ tháng 6/2018-5/2019, Ngát tiếp tục sử dụng 12 công ty để xuất 121 hóa đơn GTGT khống, tổng giá trị hơn 1.611 tỷ đồng.
Viện kiểm sát xác định, Ngát giúp sức cho Dũng chiếm đoạt hơn 372 tỷ đồng tiền thuế, thu lợi bất chính hơn 19,5 tỷ đồng.
Để duy trì hoạt động các công ty “ma”, Ngát đã trực tiếp và nhờ Phú trao đổi với các cán bộ thuế phụ trách trên địa bàn TPHCM.
Theo thỏa thuận, Ngát sẽ chi tiền cho các cán bộ thuế tỷ lệ 0,2%-0,3%/tổng doanh số xuất hóa đơn GTGT của các công ty. Đổi lại, các cán bộ thuế không đề xuất cấp trên kiểm tra hoạt động kinh doanh; hoặc báo trước việc kiểm tra, thanh tra thuế để Ngát làm thủ tục chuyển trụ sở đăng ký kinh doanh đi nơi khác; báo trước cho Ngát những công ty có thể bị cưỡng chế thu thuế để Ngát nộp thuế ngay, tránh việc bị cưỡng chế.
Cơ quan tố tụng xác định, các cán bộ sai phạm gồm Đào Thị Nga, Chi cục thuế quận 1; Nguyễn Phương Nam, Chi cục thuế quận 3; Ngô Huỳnh Lũy, Chi cục thuế quận 5.
Trong vụ án này, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã truy tố đối với 67 bị can về các nhóm tội danh khác nhau như Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Buôn lậu, Làm giả con dấu giấy tờ của cơ quan tổ chức, Vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới, Nhận hối lộ…
Các cán bộ này nhiều lần trực tiếp hoặc thông qua trung gian để nhận tiền từ Ngát.
Theo cáo buộc, Nam phụ trách quản lý 6 công ty của Ngát gồm Công ty Thanh Hương, Redsun, Quốc Trung, Thái Sơn Nguyễn, Nguyễn Minh Sài Gòn và Vạn Tùng Nguyên. Mặc dù biết các công ty này không có hoạt động kinh doanh, trong khi doanh số xuất hóa đơn GTGT cao bất thường, có dấu hiệu rủi ro nhưng do có thỏa thuận với Ngát nên Nam đã báo cho Ngát biết việc kiểm tra.
Ngát đã làm thủ tục chuyển địa chỉ đăng ký kinh doanh của 2 công ty về Chi cục thuế TP Biên Hòa, Đồng Nai. Thông qua cái “bắt tay” này, Nam nhận hối lộ 6,1 tỷ đồng.
Tương tự, Nga quản lý 2 công ty là Thái Sơn Nguyễn và Hiếu Bảo có dấu hiệu gian lận thuế, nguy cơ bị đưa vào diện thanh tra, kiểm tra. Do có thỏa thuận nhận 0,1%/tổng doanh số xuất hóa đơn GTGT nên Nga báo trước để Ngát làm thủ tục chuyển địa chỉ đăng ký kinh doanh nhằm tránh phiền phức. Nga nhận hối lộ 776 triệu đồng.
Còn Lũy quản lý 3 công ty là Minh Thống, Quốc tế Đại Dương và Song Song Phúc. Khi thấy sắp bị thanh tra, Lũy báo cho Ngát để chuyển địa chỉ kinh doanh sang địa bàn khác. Lũy nhận 497 triệu đồng từ Ngát, trong đó có lần nhận bằng tiền mặt/chuyển khoản.
Với hành vi trao đổi, thống nhất và đưa tiền cho các cán bộ thuế, Ngát có dấu hiệu của tội Đưa hối lộ. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định, Ngát đã chủ động khai báo hành vi đưa tiền trước khi bị phát giác, giúp công an làm rõ hành vi nhận hối lộ của Nga, Nam và Lũy.
Theo quy định tại khoản 7, Điều 364 Bộ luật Hình sự; điểm c, khoản 3, Điều 5 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao nên Ngát được miễn trách nhiệm hình sự về tội Đưa hối lộ.
Còn Nga, Nam và Lũy bị truy tố về tội Nhận hối lộ. Các bị can thừa nhận hành vi và nộp lại tiền.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận