Hàng Trung Quốc "đội lốt" Việt Nam: Có hay không tình trạng "móc ngoặc, ăn chia" giữa DN và cán bộ công quyền?
Trong khi hàng trăm DN gặp khó khi xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá C/O, thì những vụ như 3.600 xe đạp hay lô nhôm Trung Quốc trị giá 5 tỷ USD đội lốt hàng Việt xuất đi Mỹ khiến cộng đồng DN bức xúc. Câu hỏi đặt ra Có hay không tình trạng móc ngoặc, ăn chia giữa DN này và một số cán bộ công quyền
Mới đây, tại buổi họp báo chuyên đề về hoạt động kiểm tra, điều tra phòng, chống gian lận xuất xứ hàng Việt Nam xuất khẩu của Tổng cục Hải quan đã cảnh báo về tình trạng hàng Trung Quốc "đội lốt" Việt Nam.
Theo Tổng cục Hải quan cho biết, 100% DN dính nghi án tráo xuất xứ, bị kiểm tra sau thông quan đều có vi phạm. Hành vi chung của các DN này là nhập hàng từ Trung Quốc, có nhà xưởng tại Việt Nam, nhưng chỉ thực hiện vài thao tác "lắp ráp đơn giản", hệ lụy là nhiều nơi đã phát hiện và áp thuế cao với cả ngành hàng sản xuất của Việt Nam.
Theo lý giải từ phía Tổng cục Hải quan, sở dĩ tình trạng trên vẫn còn tiếp diễn và có dấu hiệu diễn biến phức tạp hơn là do, một số DN gian lận để hưởng ưu đãi đối với các hàng hóa xuất khẩu.
Thời gian qua, Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia trên thế giới. Qua đó, hàng hóa với xuất xứ Việt Nam sẽ được hưởng nhiều ưu đãi thuế quan.
Bên cạnh đó, từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, chính quyền Donald Trump đã áp đặt bổ sung các mức thuế (gồm thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp xuất khẩu) với nhiều mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Theo đó, mức thuế bổ sung đánh vào hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc từ 7,5% – 285% tùy theo từng mặt hàng dẫn đến sự chênh lệch về thuế giữa hàng hóa từ Việt Nam và hàng hóa từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Do vậy, tình trạng hàng Trung Quốc "đội lốt" Việt Nam để xuất khẩu có kim ngạch tăng đột biến như đồ điện tử, hàng may mặc, da giày, xe đạp, đồ gỗ nội thất,…
Vì vậy, tình trạng như 3.600 xe đạp Trung Quốc giả xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi Mỹ hay Công ty Công ty TNHH nhôm Toàn Cầu (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhập 5 tỷ USD nhôm từ Trung Quốc để sản xuất tại Việt Nam rồi xuất sang Mỹ và bị phía hải quan Mỹ cho rằng gian lận chứng nhận xuất xứ (C/O) Việt Nam nhằm lách thuế... chỉ là một trong những hiện tượng đang diễn ra và gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan giải thích, qua điều tra xác định không đủ căn cứ kết luận doanh nghiệp (DN) vi phạm gian lận xuất xứ Việt Nam do thành phẩm của công đoạn sản xuất này là nguyên liệu của công đoạn sản xuất khác, trong quá trình chuyển đổi, họ đáp ứng được chuyển đổi mã số. Từ đó cho thấy các hình thức gian lận xuất xứ đang diễn ra theo chiều hướng tinh vi mà phía cơ quan quản lý cũng khó xác định.
Đồng tình quan điểm này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng rất nhiều đến các công ty của Trung Quốc khi bán hàng trực tiếp qua Mỹ sẽ bị chịu một mức thuế nhập khẩu rất là cao. Để tránh chuyện này, những công ty này đã đẩy số hàng này qua Việt Nam, rồi từ Việt Nam xuất qua Mỹ để hưởng ưu đãi thuế.
"Đây là nguyên nhân chính khiến hàng loạt sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc được gia công đơn giản để lấy nhãn xuất xứ Việt Nam rồi xuất ngược đi các nước nhằm hưởng thuế ưu đãi, trong đó có Mỹ", ông Hiếu cho hay.
Theo ông Hiếu, mặc dù các cơ quan chức năng của Việt Nam không có bằng chứng gì để quy kết hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nước như Mỹ có bộ phận điều tra và hệ thống luật pháp riêng. Kết quả điều tra nhiều lúc không trùng khớp với kết luận của Hải quan Việt Nam dẫn đến những lệnh trừng phạt về kinh tế nặng nề cho các DN khác.
"Mỹ đã nhiều lần đe dọa, thậm chí áp thuế lên những hàng hoá Trung Quốc "đội lốt" Việt Nam, giả mạo xuất xứ. Đáng nói, không chỉ lô hàng đó bị phạt mà tất cả ngành hàng sản xuất của Việt Nam sau này cũng sẽ bị lọt vào danh sách đen của Mỹ nếu để tình trạng tiếp diễn. Do đó, đây là điều Việt Nam cần để ý", ông Hiếu cho hay.
Bên cạnh đó, một lí do nữa cổ xúy cho hiện tượng hàng Trung Quốc "đội lốt" Việt Nam nở rộ là sự minh bạch trong việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) giữa cơ quan chức năng và DN xuất nhập khẩu.
Trong khi DN xuất nhập khẩu trong nước gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục, thời gian khi xin giấy C/O, thì hàng Trung Quốc tuồn qua Việt Nam xuất sang Mỹ của những doanh nghiệp tiêu cực có thể dễ dàng được thông quan. Sự việc một DN ở TP. HCM đã nhận thông tin và xuất C/O giả cho hơn 30 DN khác trên cả nước để xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài với tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu của 30 DN này trên 600 tỷ đồng là minh chứng.
Với những hiện tượng trên, nhiều DN đặt câu hỏi về việc có hay không tình trạng "móc ngoặc, ăn chia" giữa những DN này và một số cán bộ công quyền?
Trong bối cảnh hiện nay, DN trong nước cần phương án hỗ trợ nhanh chóng, minh bạch hơn từ Bộ, ngành để hàng hóa "made in Vietnam" không còn bị nghi ngờ là hàng Trung Quốc đội lốt.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để hạn chế việc hàng Trung Quốc "đội lốt" Việt Nam, cũng như tạo môi trường lành mạnh cho DN Việt phát triển, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định EVFTA chuẩn bị có hiệu lực, cơ quan kiểm tra, kiểm sát, mà cụ thể ở đây ngành Hải Quan cần phải tăng cường hơn nữa trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
"Nhà nước nên có những chế tài mạnh hơn để xử lý nạn tham nhũng. Ngoài ra, các cán bộ Hải quan phải được đào tạo kỹ năng điều tra, nhận diện hàng hóa giả mạo. Đồng thời, DN xuất khẩu nâng cao tinh thần dân tộc, trách nhiệm. Trường hợp phát hiện ra đối tượng sai phạm cần xử phạt thật nặng, thậm chí đưa ra tòa án xử công khai để làm gương cho thương mại", ông Hiếu nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận