Hàng trăm chung cư cũ ở cấp nguy hiểm, Hà Nội sau gần 15 năm mới cải tạo xong 18 dự án
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, khó khăn, vướng mắc khi cải tạo xây dựng lại chung cư cũ chủ yếu do: Nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp; việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo cơ chế, chính sách của Thành phố chưa được người dân đồng thuận, nhất là các hộ ở tầng 1.
UBND TP.Hà Nội sáng nay (13/4) cho biết, theo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 1.579 nhà chung cư cũ, có quy mô từ 2-5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối năm 1980, tập trung chủ yếu ở khu vực nội đô lịch sử.
Phân loại theo Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư, các chung cư cũ được chia thành 2 loại: Chung cư tập trung theo khu (75 khu với 1.273 chung cư) và chung cư riêng lẻ (306 chung cư).
Các chung cư này chủ yếu tập trung tại các quận nội thành cũ là Ba Đình (214 nhà), Đống Đa (415 nhà), Hai Bà Trưng (244 nhà), Hoàn Kiếm (99 nhà). Ngoài ra, còn một số khu tại quận Thanh Xuân Hoàng Mai, Cầu Giấy…trong đó, nhà chung cư 4-5 tầng (nhà tập thể cũ) khoảng hơn 800 nhà.
Qua rà soát, phân loại, hiện có 200 nhà nguy hiểm cấp C, 137 nhà cấp B và 7 nhà thuộc diện nguy hiểm cấp D.
Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có 18 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng (trong đó, có 2 nhà nguy hiểm cấp D), 14 dự án đang triển khai. Các dự án đã hoàn thành thực hiện theo 3 mô hình: Mô hình sử dụng nguồn vốn ngân sách; Mô hình sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách có sự hỗ trợ từ Thành phố và Mô hình sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách.
Theo sở này, khó khăn, vướng mắc khi cải tạo xây dựng lại chung cư cũ chủ yếu do: Nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp; việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo cơ chế, chính sách của Thành phố chưa được người dân đồng thuận, nhất là các hộ ở tầng 1.
Bên cạnh đó, việc cải tạo xây dựng mới từng nhà chung cư cũ trên vị trí cũ của từng tòa nhà dẫn đến không thể thực hiện quy hoạch chỉnh trang đô thị toàn khu, không khai thác được không gian đô thị và hệ thống giao thông cho phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH đô thị.
Thêm vào đó, ngoài việc phải bố trí tái định cư tại chỗ cho các hộ dân trong nhà chung cư cũ còn phải bố trí tái định cư cho các hộ dân xây dựng trái phép trên đất trống của khu dân cư; Phần lớn các hộ dân trong khu chung cư cũ có khó khăn về kinh tế khi phải chi trả phần diện tích tăng thêm sau khi xây dựng lại…
Đặc biệt, Luật Nhà ở, Nghị định 101/2015/NĐ-CP là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện cải tạo xây mới chung cư cũ, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: quy định cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải được triển khai theo nguyên tắc toàn khu; phải có kết quả kiểm định chất lượng là nhà chung cư nguy hiểm (cấp độ D) mới đưa vào kế hoạch cải tạo, xây dựng mới; chưa quy định những chính sách cụ thể về bồi thường hỗ trợ tái định cư, tạm cư và phân cấp cho chính quyền địa phương cấp huyện thực hiện…
Trước tình trạng trên, phát biểu quan điểm tại Hội thảo “Cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” được tổ chức ngày hôm qua, GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, để đẩy nhanh việc cải tạo chung cư cũ cần phải sử dụng cơ chế một nhà đầu tư bỏ vốn và được cư dân ủng hộ theo phương thức xã hội hóa. Phù hợp nhất là thời gian sử dụng đất phải bằng tuổi thọ của nhà chung cư.
“Về vấn đề con số 100% cư dân đồng thuận là không thực tế, do đó, cần tính toán lại con số này để sớm đạt được sự thống nhất chung”, ông Võ cho biết.
Tham dự hội thảo, đại diện Sở Quy hoạch- Kiến trúc thông tin, để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư trong thời gian tới, mới đây, UBND TP đã có chỉ đạo về công tác cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ trên địa bàn; trong đó, các phương án quy hoạch sẽ được nghiên cứu đồng thời với mô hình đầu tư, biện pháp, phương thức đầu tư tương ứng với tính chất, hiện trạng từng khu để đảm bảo tính khả thi, theo mô hình 3 nhóm:
Nhóm 1 là tập hợp các khu chung cư cũ trong một khu (khu tập thể) như ở Kim Liên, Trung Tự, Bạch Mai, Ngọc Khánh… có quy mô hơn 2ha (lập QHCT).
Nhóm thứ 2 là nhóm chung cư cũ, mô hình như tiểu khu nhà ở gồm 5-7 chung cư một nhóm (không phải khu tập thể) có quy mô dưới 2ha (lập tổng mặt bằng).
Nhóm thứ 3 là các chung cư cũ độc lập, đơn lẻ.
Theo đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc, với những giải pháp trên, hy vọng thời gian tới, việc cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội sẽ có bước tiến mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận