Hàng Tết độc lạ, hàng giảm giá sôi động
TP. Hồ Chí Minh đã bắt đầu bước vào cao điểm của mùa mua sắm Tết. Là thị trường hàng hóa sôi động nhất cả nước, những ngày này, bên cạnh việc tập trung lượng hàng hóa Tết gấp nhiều lần ngày thường, cung cấp đủ nhu cầu của người dân, thị trường còn rất nhi
Sản phẩm “chơi” Tết mới lạ, cao cấp
Nét đặc trưng nhất của thị trường Tết năm nay là nhóm sản phẩm trái cây tươi, cây cảnh mới, lạ. Năm nay, các shop kinh doanh trái cây, vườn cây cảnh chuẩn bị rất nhiều mặt hàng mới có chất lượng, dành cho khách hàng bày mâm ngũ quả và trang trí nhà ngày Tết.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, chủ vườn cây ăn trái bon sai Thành Lâm (đường Thành Thái, quận 10) cho biết, năm trước vườn chỉ chuẩn bị khoảng 100 chậu, với hơn 10 loại cây ăn trái trồng theo kiểu cây bon sai cảnh (bưởi, mận, ổi, thanh long, nho, đu đủ…), chỉ bán đến 25 tháng chạp âm lịch đã hết hàng. Năm nay ông lên chậu gần 500 cây lớn nhỏ, hơn 50 loại trái cây khác nhau, trong đó có cả cây ăn trái giống ngoại (như táo lùn, sung Mỹ, cam Nhật, đu đủ vàng Thái Lan, đu đủ bon sai Việt Nam và lựu đỏ Ấn Độ…) để cung cấp cho thị trường. Các loại cây trái này đang được người dân ở TP. Hồ Chí Minh ưa chuộng, lùng tìm về chơi Tết vì cây nhiều quả, màu sắc quả đẹp, tươi rất lâu sau Tết.
Đối với trái cây để bày bàn thờ gia tiên, thị trường cũng có nhiều loại độc lạ như bưởi đỏ được trồng tại tỉnh Thanh Hóa; các tỉnh miền Tây Nam bộ có dừa xanh, bưởi Năm roi hay bưởi da xanh in chữ tài lộc, dưa hấu đúc khuôn vuông, tròn hay hình thỏi vàng, trái khóm long phụng màu sắc đỏ thắm, bắt mắt. Nét mới năm nay là các tiểu thương chợ đầu mối lớn ở TP. Hồ Chí Minh cũng đặt hàng số lượng lớn trái cây tạo hình, khắc chữ từ nhà vườn để bán lại với giá rẻ hơn giá tại shop từ 15% - 20%, và được bày bán khá sớm, ngay từ ngày 20 tháng Chạp đã có.
…và ăn Tết “sang chảnh”
Năm nay, người tiêu dùng có xu hướng chọn lựa các loại thực phẩm nhập khẩu dùng trong dịp Tết. Trong đó, nhóm trái cây khô, các loại hạt của Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc ngày càng trở nên thông dụng hơn, tuy giá bán đắt đỏ hơn hàng cùng loại trong nước gấp - 4 lần. Tiếp đến là các loại bánh, kẹo làm từ nguyên liệu ngũ cốc độc đáo như, bánh gạo, kẹo nếp dẻo của Nhật Bản, Hàn Quốc. Các loại mứt quả nhập khẩu cũng được ưa chuộng, đang dần thay thế mứt Tết truyền thống của Việt Nam như mứt trái hồng, táo, anh đào, chà là… Ưu điểm của mứt trái cây nhập khẩu là không ngọt vì đường mà ngọt do lượng đường tự nhiên có trong trái cây, hương vị cũng giữ được nguyên vẹn.
Mấy năm nay, trái cây tươi ngoại được doanh nghiệp tăng nhập khẩu về bán dịp Tết. Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng Việt, chỉ số ít trái cây ngoại là được ưa chuộng như nho, táo, lê, cherry, đào, lựu… Còn lại nhiều loại khác (cam, quýt) đều không ngon như trái cây Việt, giá lại cao. Đối với thực phẩm chế biến, do tình trạng thịt heo giá cao, nên rất nhiều công ty xuất nhập khẩu thực phẩm chọn nhập thêm các loại thịt chế biến sẵn như đùi heo, giò heo xông khói, chân giò heo muối, gà muối, cá hồi xông khói… để làm phong phú thêm sản phẩm Tết. Người tiêu dùng tại thành phố hiện cũng đã quen thuộc với nhóm thực phẩm này, nên thị trường tiêu thụ khá tốt.
Về giá cả, tuy nhóm thực phẩm nhập khẩu cao cấp, song giá bán trên thị trường hiện nay không quá đắt đỏ như những năm trước. Nguyên nhân là do Việt Nam giảm thuế rất nhiều dòng sản phẩm nhập khẩu trong hai năm qua (do thực thi các hiệp định tự do thương mại), nên hàng nhập khẩu hiện đã giảm giá bán (so với ba năm trước) từ 30% - 45% khi đến tay người tiêu dùng.
Đến thời điểm này, dù sức mua sắm của người dân đã tăng trên 30%, nhưng giá hàng hóa tại TP. Hồ Chí Minh chưa có dấu hiện tăng đột biến, mà chỉ tăng nhẹ không đáng kể. Tại hệ thống các siêu thị vẫn đang thực hiện nhiều chương trình giảm giá hàng thực phẩm tiêu dùng, góp phần kiềm giữ giá bán chung trên toàn thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận