24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đỗ Mỹ Hà
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hàng loạt ngân hàng “neo” lãi dự thu

Các khoản lãi, phí phải thu - nơi che giấu nợ xấu lý tưởng của nhiều nhà băng đang có dấu hiệu tăng mạnh trong 9 tháng của năm 2019.

Nợ xấu hay lợi nhuận?

Đến thời điểm này, đã có gần 20 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý III/2019, điểm chung là lãi dự thu đều tăng mạnh. Lãi dự thu tăng theo tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng là điều bình thường, song tại một số ngân hàng, tỷ lệ lãi dự thu quá lớn, hoặc tốc độ tăng quá mạnh sẽ là những cảnh báo cho các nhà đầu tư.

Trong một số trường hợp, lãi dự thu không đơn thuần là các khoản lãi ngân hàng dự tính thu được trong tương lai, mà chính là nợ xấu tiềm ẩn.

9 tháng của năm, Ngân hàng SeABank công bố lợi nhuận trước thuế tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 683 tỷ đồng). Thế nhưng, điểm cần lưu ý là lãi dự thu của ngân hàng cũng tăng rất mạnh, từ 2.842 tỷ đồng, lên 4.194 tỷ đồng, tức tăng gần 48%.

Tại BacABank, 9 tháng của năm, ngân hàng lãi 646,2 tỷ đồng (hoàn thành 70% kế hoạch năm), nợ xấu tính đến cuối tháng 9 chỉ 503,5 tỷ đồng (0,72%) so với đầu năm. Tuy nhiên, lãi dự thu lại tăng gần 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái và đã chạm ngưỡng ngấp nghé 4.000 tỷ đồng.

VietBank cũng tăng lãi dự thu rất mạnh. 9 tháng của năm, lãi dự thu của ngân hàng này là 1.566 tỷ đồng, tăng 74,2% so với cùng kỳ.

Một số ngân hàng khác, mức độ tăng lãi dự thu tuy chậm hơn, song cũng chiếm tỷ trọng rất lớn. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Quân đội có lãi dự thu 4.086 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, Sacombank dẫn đầu về lãi dự thu, song diễn biến lãi dự thu của ngân hàng này hết sức tích cực. Các khoản lãi, phí phải thu tại thời điểm ngày 30/9 là 20.610 tỷ đồng, giảm khá nhiều so với mức 23.154 tỷ đồng hồi đầu năm. Tiến trình xử lý nợ xấu tích cực đang khiến lợi nhuận ngân hàng này cải thiện ngày một tích cực.

Tại sao ngân hàng “neo” lãi dự thu?

Dự thu lãi là nghiệp vụ phù hợp với nguyên tắc kế toán, song thực tế, một số ngân hàng đang đánh giá quá lạc quan (hoặc cố tình đánh giá lạc quan) về khả năng thu hồi lãi trong tương lai, để ghi nhận nguồn thu này vào tổng doanh thu hoạt động. Thực tế, rất nhiều khoản tính lãi dự thu không có khả năng thu hồi tiền gốc, chưa nói đến lãi.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một chuyên gia ngành ngân hàng khẳng định, trong báo cáo tài chính của các ngân hàng, có nhiều khoản lẽ ra là nợ xấu, nhưng lại được ghi nhận thành lãi dự thu. Lý do khiến các ngân hàng neo lãi dự thu cao là để “né” nợ xấu.

“Một số ngân hàng nhỏ, lợi nhuận cả năm chỉ vài chục đến vài trăm tỷ đồng, trong khi một khoản nợ xấu có khi đã lên tới hàng trăm tỷ đồng. Nếu khoản nợ xấu này được tính vào nguồn thu, ngân hàng sẽ tiếp tục thu lãi, nhưng nếu bị chuyển thành nợ xấu, thì ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, khi đó lợi nhuận sẽ bị hao mòn, thậm chí âm. Hiện rất nhiều ngân hàng vẫn chưa xử lý xong nợ tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nợ xấu nội bảng lại có xu hướng tăng lên. Vì vậy, các ngân hàng để lãi dự thu ở mức lớn là điều dễ hiểu”, vị chuyên gia này cho biết.

Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng Việt Nam đang tái cơ cấu, việc ngân hàng liên tục “neo” lãi dự thu là điều dễ hiểu. Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của Quốc hội cũng đã cho phép ngân hàng giãn thời gian xử lý nợ xấu bằng lãi dự thu. Tuy nhiên, thực tế có những khoản “dự thu” đã rất nhiều năm, nhưng ngân hàng vẫn không thu được. Theo nguyên tắc, những khoản dự thu như vậy, ngân hàng phải thoái dần, song thực tế các ngân hàng vẫn cứ tiếp tục neo từ năm này sang năm khác trên báo cáo tài chính. Bởi nếu thoái lãi dự thu (bán nợ, xử lý nợ), lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm mạnh.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế khẳng định: “Xử lý nợ xấu chậm một phần là do các ngân hàng không muốn mất lãi dự thu. Dù Nghị quyết 42 đã cho phép các ngân hàng được ghi một số khoản nợ xấu vào lãi dự thu và hạch toán dần (thay vì hạch toán ngay), song nhiều ngân hàng vẫn chưa dám làm vì khi đó lợi nhuận sẽ sụt giảm rất mạnh”.

Nhiều ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên đưa ra lộ trình thích hợp và có quy định chung về thoái lãi dự thu cho các ngân hàng (có thể có ngoại lệ riêng cho các ngân hàng tái cơ cấu). Việc phải bóc tách tỷ lệ lãi dự thu có nguy cơ biến thành nợ xấu sẽ giúp cơ quan quản lý có thể giám sát kịp thời về sức khỏe của các nhà băng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả