menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quang Long

Hàng không cần "máy trợ thở" tài chính để sống sót

Các hãng hàng không nội địa đang dần phục hồi mạng bay trong nước, giúp cải thiện phần nào nỗi khó khăn về dòng tiền, nhưng câu hỏi về khả năng phục hồi tới đâu và mất bao lâu vẫn là chưa thể có đáp án cuối cùng.

Thách thức về khả năng hoạt động liên tục

Trong báo cáo tài chính kiểm toán 2019 mới công bố vào cuối tháng 4 của Công ty cổ phần hàng không Vietjet, giống như trường hợp của Vietnam Airlines, kiểm toán viên cũng đã có những dòng lưu ý về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn, một điểm lưu ý đặc biệt của kiểm toán thời Covid-19.

Theo đó, với Viejet Air, công ty kiểm toán KPMG lưu ý về diễn biến Covid-19 đã ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh của tập đoàn sau niên độ tài chính 2019. “Giá trị của giả định hoạt động liên tục cơ bản phụ thuộc vào khả năng tập đoàn tạo ra đủ dòng tiền từ hoạt động kinh doanh vận tải hàng không và tài chính thương mại tàu bay để tài trợ cho hoạt động của kinh doanh tập đoàn”, báo cáo kiểm toán có đoạn.

Ở trường hợp Vietnam Airlines, hãng kiểm toán Deloitte còn đưa ra nhận định thú vị hơn, nhấn mạnh rằng khả năng hoạt động liên tục sẽ phụ thuộc vào “sự hỗ trợ tài chính của chính phủ, và việc gia hạn thanh toán các khoản vay, khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng”.

Theo quy định kiểm toán thì các sự kiện đáng chú ý sau năm tài chính, tính đến ngày lập báo cáo cũng được kiểm toán viên ghi chú lại, vì chúng cũng ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp, là giả định quan trọng để lập báo cáo. Trong năm nay, Covid-19 là điểm nhấn.

Trên thực tế, ngành hàng không trên toàn cầu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có và thậm chí đã có vài tên tuổi không thể chờ qua đợt dịch. Chẳng hạn như mới đây là hãng hàng không Colombia Avianca của Mỹ, thành lập năm 1919, vừa đệ đơn xin phá sản. Trong tháng trước là Virgin Australia của úc, gắn liền với tên tuổi của tỉ phú Richard Branson, cũng tuyên bố phá sản sau khi không nhận được gói cứu trợ của chính phủ.

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, Covid-19 đã làm mất đi 314 tỉ đô la doanh thu tiền vé, tương ứng với khoảng 70% công suất vận chuyển toàn cầu ngừng hoạt động, được dẫn lại bởi Bloomberg.

Hàng không cần "máy trợ thở" tài chính để sống sót
Covid-19 khiến các hãng hàng không gặp khó về dòng tiền. Đồ họa: D.N

Hàng không nội địa vẫn khó khăn về dòng tiền

Báo cáo của Ủy ban Kinh doanh Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vào đầu tháng 4 cho biết Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã phải đơn phương chậm thanh toán các khoản nợ đến hạn, cạn kiệt hơn 3.500 tỉ đồng tiền mặt dự trữ và vay thêm để chi trả các khoản nợ. Theo đó, Vietnam Airlines cần sự hỗ trợ từ Nhà nước với số tiền lên đến 12.000 tỉ đồng.

Nhiều hãng bay khác cũng gặp khó khăn tương tự về dòng tiền dù nói ra hay không. Điển hình như hãng hàng không non trẻ Bamboo Airways gây ồn ào với câu chuyện bị đòi nợ phí dịch vụ với Tổng công ty Cảng hàng không (ACV).

Vốn điều lệ tăng thêm gần 3.000 tỉ đồng (nhưng chưa rõ phương án cụ thể), biến Bamboo Airways thành hãng bay có quy mô vốn điều lệ thứ 2 thị trường, cao hơn Vietjet Air, nhưng cũng phần nào cho thấy áp lực tài chính rõ rệt lên hãng hàng không non trẻ này.

Còn với Jetstar Pacific, hãng hàng không hiện đang phải tái cấu trúc khi Qantas (Úc) dự kiến chuyển nhượng 30% cổ phần còn lại cho Vietnam Airlines. Hiện vẫn chưa rõ số phận sắp tới của Jetstar Pacific sẽ như thế nào.

Báo cáo kinh doanh quí 1-2020 mới công bố của các hãng hàng không cũng làm rõ phần nào ảnh hưởng của Covid-19. Theo đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vietnam Airlines ở mức âm 2.589 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 1.197 tỉ đồng. Tương tự, Vietjet Air ghi nhận khoản lỗ 989 tỉ đồng.

Kết quả này cũng bộc lộ nhiều vấn đề riêng của các hãng từ trước đến nay. Chẳng hạn như ở trường hợp Vietnam Airlines, hãng hàng không quốc gia sở hữu nhiều công ty con hoạt động cùng ngành nên lỗ càng chồng lỗ. Còn với trường hợp của Vietjet Air, hoạt động sale & lease back (bán và thuê lại) không ghi nhận doanh thu trong quí 1 (năm trước đó là 3.565 tỉ đồng), được Vietjet Air lý giải là do công ty chủ động điều chỉnh kế hoạch nhận tàu bay.

Hàng không cần "máy trợ thở" tài chính để sống sót
Vietjet Air sẽ thêm gặp khó vì dòng tiền từ hoạt động sale & lease back đang chững lại trong bối cảnh ngành hàng không thế giới cũng rơi vào khủng hoảng. Đồ họa: D.N

Trên thực tế, hoạt động này đã giảm mạnh ngay từ năm 2019, cũng do lùi kế hoạch bán tàu vào các năm sau (năm 2019 bán 7 chiếc so với 16 chiếc năm 2018). “Doanh thu bán tàu bay vì vậy giảm so với năm 2018 và lợi nhuận chưa thực hiện đối với số tàu này, lợi nhuận từ việc bán tàu bay giảm 28,64% so với năm trước”, báo cáo giải trình của Vietjet Air cho biết.

Việc tăng mua tàu bay (máy bay) còn gây áp lực tài chính lên Vietjet Air, với khoản cam kết thanh toán ngoại bảng lên gần 2,84 tỉ đô la. Tại thời điểm cuối năm 2019, Vietjet Air đã nhận được 62 tàu bay, dự kiến tiếp tục được chuyển giao cho đến năm 2026.

Ngay từ năm ngoái, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Vietjet Air cũng đã ở mức âm gần 2.027 tỉ đồng (cùng kỳ là 4.428 tỉ đồng). Còn trong quí đầu năm nay, khoản mục này là âm hơn 2.008 tỉ đồng (cùng kỳ năm 2019 là âm 1.108 tỉ đồng). Còn với Vietnam Airlines thì đã âm 3.822 tỉ đồng (cùng kỳ là ở gần 2.995 tỉ đồng).

Covid-19 cũng đang "bào mòn" dần tiền mặt của các hãng. Theo đó, lượng tiền và tương đương tiền trong quí 1 của Vietjet Air đã giảm 54% so với cùng kỳ, về mức 2.459 tỉ đồng.

Để ứng phó với Covid-19, các hãng hàng không đã phải thực hiện hàng loạt các biện pháp liên quan đến dòng tiền, từ yêu cầu hỗ trợ vay thêm, giảm thuế, gia hạn khoản vay, giãn nghĩa vụ thanh toán. Như ban lãnh đạo Vietjet Air cho biết đã và đang triển khai hàng loạt các giải pháp để ứng phó và giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, và nhận được chia sẻ và hỗ trợ từ các ngân hàng, đối tác, các nhà cung cấp.

Khả năng phục hồi của ngành hàng không sẽ phụ thuộc vào các quy định hạn chế đi lại ở từng quốc gia và giữa các quốc gia với nhau. Tính đến nay, các đường bay nội địa đang dần phục hồi, tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của Covid-19 trên thế giới thì các tuyến quốc tế vẫn phải chờ đợi. Thời gian phục hồi do đó vẫn rất khó đoán định. “Ngành hàng không thế giới nói chung đang bị kéo lùi 4-5 năm do dịch Covid-19, và Hãng hàng không quốc gia Việt Nam cũng không ngoại lệ, khi tích luỹ trong 4-5 năm qua của doanh nghiệp đã quay về con số 0 cũng bởi dịch này”, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines từng chia sẻ trước báo giới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại