Hàng hóa tuần qua: Giá thép đảo chiều tăng, ure tại Mỹ và Trung Đông tăng dựng đứng
Ngày 31/8, nhiều doanh nghiệp thông báo tăng giá thép xây dựng, cao nhất đến 810.000 đồng/tấn, sau gần 4 tháng.
Giá thép trong nước đảo chiều, tăng cao nhất 810.000 đồng/tấn
Ngày 31/8, nhiều doanh nghiệp thông báo tăng giá thép xây dựng, cao nhất đến 810.000 đồng/tấn, sau gần 4 tháng.
Công ty Gang thép Tuyên Quang tăng lần lượt 500.000 đồng/tấn và 810.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại thép này lần lượt là 14,64 triệu đồng/tấn và 15,1 triệu đồng/tấn.
Diễn biến giá sản phẩm của Công ty Gang thép Tuyên Quang. Nguồn: Steel Online
Tại khu vực miền Bắc, Hòa Phát điều chỉnh tăng 260.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại này là 14,63 triệu đồng/tán và 15,28 triệu đồng/tấn.
Với thép Việt Ý, CB240 và D10 CB300 lần lượt tăng 430.000 đồng/tấn và 220.000 đồng/tấn lên 14,57 triệu đồng/tấn và 15,02 triệu đồng/tấn. Về thép Việt Đức, hai loại thép trên tăng 600.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn lên 14,64 triệu đồng/tấn và 15,15 triệu đồng/tấn.
Với thép Miền Nam, giá CB240 và D10 CB300 theo thứ tự là 15,02 triệu đồng/tấn và 15,63 triệu đồng/tấn sau khi cùng tăng 300.000 đồng/tấn.
Giá ure tại Mỹ, Trung Đông tăng dựng đứng
Theo Trading Economics, giá ure tương lai trên sàn giao dịch Chicago, Mỹ ngày 29/8 là 810 USD/tấn, tăng 5,5% so với cuối tuần trước và là mức cao nhất từ đầu tháng 5.
Dữ liệu Investing.com cho thấy giá ure tương lai tại Trung Đông ngày 26/8 là 760 USD/tấn, tăng gần 20% so với ngày trước đó và là mức cao nhất từ cuối tháng 4.
Giá ure tương lai tại Trung Đông. Nguồn: Investing.com
Trong vài ngày qua, các công ty sản xuất hóa chất, phân bón ở Na Uy, Đức, Ba Lan, Litva, Pháp, Anh và Hungary đã đồng loạt thông báo cắt giảm sản lượng hoặc đóng cửa nhà máy. Theo ước tính của các nhà phân tích, thị trường sẽ mất hơn 10% sản lượng amoniac và điều này sẽ gây tác động hơn nữa đến giá phân bón toàn cầu, vốn đã cao do ảnh hưởng từ gián đoạn chuỗi cung ứng và xung đột ở Ukraine.
Trong khi giá ure ở nhiều nơi trên thế giới tăng, giá DAP và photpho vàng giao ngay tại Trung Quốc đi ngang so với cuối tuần trước, DAP là 4.350 nhân dân tệ/tấn (628 USD/tấn), photpho vàng là 32.000 nhân dân tệ/tấn (4.624 USD/tấn). Axit sulfuric, nguyên liệu khác trong sản xuất phân bón, là 332 nhân dân tệ/tấn (46 USD/tấn), giảm gần 5% so với cuối tuần trước.
Giá heo hơi giảm đến 10.000 đồng/kg so với tuần trước
Theo Anova Feed, giá heo hơi tại Ninh Thuận ngày 30/8 là 60.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với ngày 24/8, một tuần trước đó.
Bình Thuận, TP HCM ghi nhận mức giảm 6.000 đồng/kg so với ngày 24/7 và giao dịch ở 64.000 đồng/kg và 60.000 đồng/kg. Giá tại Tây Ninh cũng giảm 5.000 đồng/kg xuống 65.000 đồng/kg và Đồng Nai hạ 4.000 đồng xuống còn 65.000 đồng/kg. Tại Bến Tre, giá giảm 3.000 đồng/kg xuống còn 61.000 đồng/kg.
Giá heo tại Hưng Yên, Cà Mau đang cao nhất toàn quốc với 70.000 đồng/kg. Mức trung bình cả nước là 65.100 đồng/kg, giảm 1.200 đồng/kg so với một tuần trước đó. Hồi giữa tháng 7, giá mặt hàng này từng chạm mốc 75.000 đồng/kg tại một số tỉnh thành.
Việt Nam xuất siêu gần 4 tỷ USD trong 8 tháng
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 8, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 64,34 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.
Về xuất khẩu, kim ngạch trong tháng 8 ước đạt 33,38 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng, con số là 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 8 tháng, 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,4%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu trong 8 tháng, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4%; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,6%; nhóm hàng thủy sản chiếm 3%.
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu hàng hóa trong tháng 8 ước đạt 30,96 tỷ USD, tăng 1,4% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng, con số là 246,84 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 8 tháng, 38 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 90,8% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 4 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 45,2%). Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 8 tháng, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 94%; nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6%.
Về thị trường trong 8 tháng, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 77,7 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với 82,1 tỷ USD.
Tình hình xuất, nhập khẩu trong 8 tháng qua. Nguồn: Tổng cục Thống kê
Như vậy, trong tháng 8, Việt Nam ước tính xuất siêu 2,42 tỷ USD. Tính chung 8 tháng, Việt Nam xuất siêu 3,96 tỷ USD (cùng kỳ năm trước, Việt Nam nhập siêu 3,52 tỷ USD).
Một số tin tức khác
Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom xác nhận các dòng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 đến châu Âu bị ngừng từ 31/8 đến 3/9 để bảo trì. Dữ liệu từ nhà điều hành đường ống dẫn khí đốt, Nord Stream AG, chỉ ra rằng không có nguồn cung cấp khí đốt nào được vận chuyển tính đến 3h sáng ngày 31/7.
Theo đài RT (Nga), tuyên bố trên do ông Miller đưa ra tại Hội nghị Doanh nghiệp Quốc tế hôm 31/8. Ông nói: “Người tiêu dùng, công dân Nga, sẽ được tiếp cận với nguồn năng lượng giá rẻ, đáng tin cậy. Điều đặc biệt quan trọng cần lưu ý là họ có thể lạc quan về tương lai khí đốt của đất nước. Bởi vì chúng tôi được cung cấp nguồn dự trữ cho 100 năm tới”.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), tháng 7, giá trị xuất khẩu tôm ở mức 381 triệu USD, giảm gần 14% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ hai liên tiếp giá trị xuất khẩu đi xuống, trước đó tháng 6 giảm 1,1%. Xuất khẩu tôm sang hai thị trường Mỹ và Trung Quốc giảm do kho dự trữ của các nhà nhập khẩu được lấp đầy, nhu cầu tiêu thụ chững lại và sự cạnh tranh từ nguồn cung các nước khác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận