Hàn Quốc: Nhiều người lựa chọn mua vàng miếng ở máy bán hàng tự động
Sự phổ biến của vàng miếng tại các cửa hàng tiện lợi đã thúc đẩy GS Retail tăng số lượng cửa hàng bán vàng lên 29 và đặt mục tiêu đạt 50 cửa hàng vào cuối năm nay.
GS Retail xác nhận tuần trước rằng, doanh số bán vàng miếng tại các cửa hàng tiện lợi đạt tổng cộng 19 triệu USD trong vòng 9 tháng kết thúc vào tháng 5.
Vàng miếng được phân phối qua các máy bán hàng tự động đã được giới thiệu vào tháng 9 năm ngoái tại 5 cửa hàng của hãng GS Retail. Máy cung cấp vàng miếng ở 5 kích cỡ, trọng lượng từ 0,13 ounce đến 1,3 ounce.
Theo GS Retail, công ty điều hành hơn 10.000 cửa hàng tiện lợi trên khắp Hàn Quốc, với giá vàng biến động hàng ngày theo định giá quốc tế.
Sự phổ biến của vàng miếng tại các cửa hàng đã thúc đẩy công ty tăng số lượng cửa hàng bán vàng lên 29 và đặt mục tiêu đạt 50 cửa hàng vào cuối năm nay.
“Vàng miếng phổ biến nhất là loại nhỏ nhất, 0,13 ounce, hiện có giá khoảng 225 USD", một đại diện của GS Retail chia sẻ với UPI News Korea.
“Những người ở độ tuổi ngoài 20 và 30 dường như là những khách mua chính. Họ mua vàng vật chất như một phương tiện đầu tư, đặc biệt là trong những thời điểm như thế này, khi giá trị của vàng đang tiếp tục tăng", ông nói.
Giá vàng bắt đầu tăng vào tháng 3 trong bối cảnh Ngân hàng Silicon Valley (SVB) phá sản và nhiều người chuyển sang vàng như một kênh đầu tư an toàn.
“Lạm phát thấp và cuộc khủng hoảng SVB dường như khiến nhiều người quan tâm đến các tài sản chống lạm phát như vàng. Nhưng một miếng vàng mua ở cửa hàng tiện lợi có vẻ giống một thứ gì đó được mua cho vui hơn là một phương tiện để đầu tư nghiêm túc. Tôi tin rằng sự phổ biến của những vàng miếng này chủ yếu là do nó dễ tiếp cận ở các cửa hàng tiện lợi", Giáo sư Lee Eun-hee của Đại học Inha nói.
Liên quan đến tình hình kinh tế Hàn Quốc, theo số liệu mới đây của cơ quan Thống kê Hàn Quốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - thước đo lạm phát - trong tháng 5 đã tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, so với mức tăng 3,7% ghi nhận hồi tháng 4. Đây cũng là mức tăng thấp nhất được ghi nhận kể từ tháng 10/2021, khi con số này là 3,2%. Lạm phát của Hàn Quốc đang trên đà giảm sau khi đạt mức đỉnh là 6,3% trong vòng 24 năm vào tháng 7/2022.
Theo Bộ trưởng Choo Kyung-Ho, đây là những tín hiệu khả quan cho thấy, Hàn Quốc đang bước vào giai đoạn cuối của thời kỳ khó khăn kinh tế.
Đề cập đến vấn đề chi phí sinh hoạt và tiêu dùng của người dân, Bộ trưởng Choo Kyung-Ho lưu ý rằng, mặc dù giá năng lượng toàn cầu đã ổn định, nhưng sẽ mất "nhiều năm" để các doanh nghiệp nhà nước vượt qua thâm hụt.
Giá của các dịch vụ tiện ích tại Hàn Quốc đã tăng 23,2% trong tháng 5 vừa qua so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh bất ổn liên quan nguồn cung năng lượng toàn cầu tiếp diễn do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine, khiến Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc phải tăng giá.
Hàn Quốc là quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu các nguồn năng lượng. Bộ trưởng Tài chính Choo Kyung-Ho cũng bày tỏ hy vọng rằng, các nhà sản xuất thực phẩm trong nước sẽ điều chỉnh giá các sản phẩm, trong đó có mặt hàng mỳ ăn liền, để phù hợp với thực tế chi phí giá bột mỳ trên thế giới hiện nay.
Bộ trưởng Choo-Kyung Ho cũng khẳng định, Chính phủ không cần xem xét bổ sung ngân sách cho năm 2023, bất chấp lời kêu gọi từ đảng Dân chủ (DP) đối lập chính.
Trước đó, BoK giảm kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Hàn Quốc từ mức 1,6% xuống 1,4%. Trong khi đó, các quan chức duy trì dự báo chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng 3,5% trong năm nay do lạm phát cơ bản kéo dài lâu hơn so với dự đoán.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận