Hàn Quốc gấp rút ngăn chặn khủng hoảng liên quan tới tín dụng bất động sản
Giới chức Hàn Quốc gấp rút ra tay ngăn chặn cuộc khủng hoảng liên quan tới Liên đoàn hợp tác xã tín dụng cộng đồng Hàn Quốc (MGCCC), khi tỷ lệ nợ xấu ngày càng tăng và khách hàng ồ ạt rút tiền gửi.
Phát ngôn viên của Bộ Nội vụ và An ninh Hàn Quốc - cơ quan chịu trách nhiệm giám sát MGCCC - cho biết dòng tiền gửi đã ổn định trở lại.
Gần đây, rắc rối thanh khoản của MGCCC thu hút ánh nhìn của giới đầu tư Hàn Quốc, vì hợp tác xã tín dụng này đóng vai trò quan trọng trong việc cho vay lĩnh vực bất động sản.
Trước đó, người dân đổ xô rút tiền ra khỏi MGCCC vì lo ngại nợ xấu liên quan đến các dự án bất động sản tăng mạnh. Đỉnh điểm là một chi nhánh của MGCCC ở thành phố Namyangju đã đóng cửa hoạt động.
Tỷ lệ nợ xấu gấp đôi
Theo Bộ Nội vụ và An ninh Hàn Quốc, tỷ lệ nợ quá hạn của MGCCC tăng lên 6.2% vào cuối tháng 6, gần gấp đôi so với mức 3.6% hồi cuối năm 2022.
Đáng chú ý, trong vòng 3 năm, các khoản vay dành cho lĩnh vực xây dựng và bất động sản của MGCCC tăng hơn gấp đôi, lên 56.4 ngàn tỷ won (44 tỷ USD). Từ đó, tổ chức này trở thành nguồn cung cấp vốn quan trọng cho lĩnh vực bất động sản.
Không chỉ MGCCC mà cả các hợp tác xã tín dụng và tổ chức tài chính phi ngân hàng của Hàn Quốc cũng dành quá nhiều vốn vay cho các dự án bất động sản. Trong quý 1/2023, tổng lượng tín dụng cho vay bất động sản từ các hợp tác xã tín dụng lên tới 173.7 ngàn tỷ Won, theo dữ liệu từ NHTW Hàn Quốc.
Ra tay chặn khủng hoảng
Trước đó, giới chức xứ sở kim chi đã chú ý tới rủi ro từ hoạt động tín dụng liên quan tới bất động sản, sau khi công ty phát triển công viên Legoland Korea vỡ nợ trong năm 2022 và châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tín dụng trong nước.
“Tình trạng bất ổn có lẽ không còn leo thang, nhưng chắc chắn sẽ gây tác động tiêu cực tới hoạt động xây dựng và đầu tư cơ sở hạ tầng trong ngắn hạn”, Min Joo Kang, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại ING Groep N.V., chia sẻ.
Các quan chức Hàn Quốc đã thực hiện hàng loạt động thái để ngăn chặn rủi ro liên quan tới hoạt động tài trợ cho bất động sản. Ngay khi làn sóng rút tiền diễn ra ở MGCCC hồi đầu tháng 7, chính phủ tuyên bố sẽ bảo đảm cho khoản tiền gửi 50 triệu Won (39,300 USD) của mỗi khách hàng gửi tiền, vốn là hạn mức tiền gửi được Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc cam kết bồi hoàn nếu xảy ra rủi ro.
BoK cũng kêu gọi các ngân hàng thương mại hỗ trợ tài chính cho MGCCC. Sau lời kêu gọi này, 5 ngân hàng thương mại trong nước đã đồng ý cung cấp thanh khoản 4 tỷ USD cho MGCCC. Sau đó, hai ngân hàng nhà nước Hàn Quốc cung cấp thêm 1,5 tỉ đô la nữa.
Rắc rối liên quan tới MGCCC cực kỳ đáng quan ngại vì các hợp tác xã tín dụng được xem là tổ chức làm nên sự ổn định cho cộng đồng địa phương.
MGCCC được hình thành từ thập niên 60 và tập trung vào cải thiện nền kinh tế nông thôn, hợp tác cộng đồng địa phương và giúp các thành viên đạt được cuộc sống ổn định. MGCCC có khoảng 1,295 chi nhánh trên toàn quốc, với tổng tài sản 260 ngàn tỷ Ưon (203 tỷ USD) và 21 triệu khách hàng. MGCCC nhận tiền gửi, cung cấp các khoản vay và dịch vụ bảo hiểm.
Sự vụ của MGCCC rõ ràng tác động tới tâm lý của giới đầu tư và thị trường tín dụng đang phản ánh lo ngại đó.
Lợi suất trái phiếu doanh nghiệp kỳ hạn 3 năm và định danh bằng đồng Won chạm mức cao nhất trong 7 tháng vào ngày 10/07/2023, sau khi Reuters đưa tin BoK yêu cầu các ngân hàng thương mại hỗ trợ tài chính cho MGCCC.
Đầu tháng này, giới chức Hàn Quốc cũng kêu gọi các công ty chứng khoán chuẩn bị cho một giai đoạn suy giảm kéo dài của thị trường bất động sản.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận