24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Duy Công
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hạn chế sa thải hàng loạt

Vào thế khó thì có muốn cũng không được!

Theo đại biểu Đặng Xuân Phương, nền kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn nên Chính phủ cần khuyến cáo doanh nghiệp hạn chế mở rộng sản xuất, tránh sa thải lao động hàng loạt.

"Chính phủ cần hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức lại theo hướng lao động luân phiên, hạn chế việc sa thải đột ngột gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người lao động", Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đặng Xuân Phương nói khi cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội, sáng 31/5.

Theo ông Phương, các cơ quan chức năng phải nhanh chóng xây dựng hệ thống chỉ tiêu cảnh báo đối với các ngành nghề dư thừa lao động, có nguy cơ suy thoái trong dài hạn. Cùng với đó, an sinh xã hội phải được đảm bảo, nguồn lực được dành để giải quyết nhu cầu ăn ở, đời sống văn hóa, tinh thần, nhu cầu học tập cho công nhân, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người trẻ tuổi, mới đi làm.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đặng Xuân Phương phát biểu tại Quốc hội, sáng 31/5. Video: Truyền hình Quốc hội

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Thường trực Ủy ban Xã hội) cũng đánh giá chính sách với người lao động hiện nay mới giải quyết phần ngọn, chưa có giải pháp để duy trì việc làm, thu nhập, hạn chế sa thải lao động, nhất là trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Bà Lam đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước đặt mình vào hoàn cảnh của người lao động, người bị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, người mất việc làm để có chế tài mạnh mẽ và công cụ xử lý hữu hiệu. "Cần giải quyết dứt điểm trường hợp nợ đọng bảo hiểm với các doanh nghiệp đang trong quá trình giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn", bà Lam nói.

Chung ý kiến, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (nhân viên Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương) cho rằng từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường lao động sụt giảm, nhiều người mất việc làm. Người lao động dễ bị tổn thương vì mất đi khả năng trang trải cho bản thân và người phụ thuộc. Việc này có thể dẫn đến khủng hoảng về tinh thần và thậm chí hệ lụy cho xã hội như bạo lực, bỏ học hay tệ nạn xã hội.

"Nếu an sinh không được bảo đảm, không bù đắp cho thu nhập bị giảm sút, trợ cấp thất nghiệp không đủ chi trả cho nhu cầu thiết yếu thì người lao động sẽ ra sao", bà Dung nói, lo ngại rằng nếu khó khăn kéo dài, đình công có thể xảy ra.

Vì vậy, bà đề nghị Chính phủ cho biết đã dự liệu những giải pháp kịp thời và dài hạn cho những rủi ro nêu trên chưa?

Hạn chế sa thải hàng loạt
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Tô Ái Vang (Phó đoàn Sóc Trăng) nêu thực trạng tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm kéo theo tỷ lệ thất nghiệplạm phát tăng. Cho rằng Chính phủ đã lường trước được hệ quả và có những quyết sách mang tính vĩ mô, tuy nhiên, bà Ái Vang vẫn lo lắng khi tình trạng thất nghiệp và những tác động của nó lên nền kinh tế, xã hội đang đặt ra hàng loạt vấn đề phức tạp.

Bà kiến nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành sớm hoàn chỉnh dữ liệu thống kê về tình trạng thất nghiệp hiện nay và phân loại theo lý do cung - cầu lao động, suy thoái về kinh tế, từ đó có giải pháp cụ thể và giải quyết chính sách cho từng trường hợp.

Tình trạng sa thải lao động diễn ra từ giữa năm 2022, khi hàng loạt doanh nghiệp trong nước mất đơn hàng dịp cuối năm vì các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản giảm nhu cầu tiêu dùng; khó khăn nguyên liệu, chi phí tăng cao. Việc cắt giảm chủ yếu xảy ra ở doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến gỗ, thủy hải sản, gia công linh kiện điện tử, cơ khí.

Đơn cử, từ đầu năm tới 8/7 (dự kiến), Công ty Pouyuen - doanh nghiệp nhiều lao động nhất TP HCM sẽ có hai lần cắt giảm công nhân quy mô lớn - hơn 8.000 người. Phần lớn lao động cắt giảm có trình độ phổ thông, là nữ và hơn 50% trên 40 tuổi. Lý do doanh nghiệp này đưa ra là "sản xuất bị thu hẹp, thiếu đơn hàng".

Riêng quý I/2023, hơn 149.000 lao động trên cả nước mất việc do doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, tăng gần 13% so với quý trước, phần lớn là lao động doanh nghiệp FDI ở các tỉnh đông khu công nghiệp, chế xuất như Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dự báo làn sóng cắt giảm lao động số lượng lớn có thể kéo dài tới tận cuối năm 2023, nếu tình trạng lạm phát lẫn khó khăn kinh tế không được cải thiện.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả